Cứu doanh nghiệp: Nên phát tiền cho dân?

Huy Nguyên |

Theo các chuyên gia, rủi ro lớn nhất hiện nay đối với nền kinh tế đó chính là hiện tượng doanh nghiệp sụp đổ domino trên diện rộng có thể xảy ra.

Ngay sau khi Quốc hội đồng ý thông qua Nghị quyết giảm 30% thuế thu nhập năm 2020 cho doanh nghiệp sáng ngày 19/6, ngay trong ngày hôm đó, một Giám đốc khối của một doanh nghiệp niêm yết gửi đường link thông tin đến group Ban điều hành công ty.

Câu trả lời nhanh gọn của Chủ tịch HĐQT ngay bên dưới: "Chẳng ích gì đâu, vì hầu hết các DN không có lãi để mà giảm thuế". "Vì sao không giảm VAT?", câu hỏi để ngỏ của ông chủ tịch đưa ra tiếp theo ngay sau đó.

Thế nhưng, liệu giảm VAT có thực sự giúp ích cho doanh nghiệp? "Doanh nghiệp có doanh thu đâu mà đóng VAT?", thêm một câu hỏi khó nữa được đưa ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang để lại những hậu quả to lớn đối với doanh nghiệp, người lao động và nền kinh tế trong nước và thế giới.

Mối lo sức cầu giảm

Trò chuyện với các lãnh đạo doanh nghiệp bên lề các cuộc họp đại hội đồng cổ đông năm nay, rất nhiều ông chủ DN đã thực sự lo lắng cho kế hoạch kinh doanh sắp tới, dù đã điều chỉnh lại kế hoạch, song không ít DN lo ngại việc có thể hoàn thành được không sau nửa năm trôi qua, thậm chí, có người còn thẳng thắn nói rằng "chúng ta còn thở được là may lắm rồi".

Theo ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc Tập đoàn KIDO, công ty ông may mắn hoạt động trong lĩnh vực hàng tiêu dùng thiết yếu nên tác động của dịch bệnh đối với công ty là không đáng kể. Thậm chí, góc độ nào đó là tích cực khi nó thúc đẩy DN chuyển động nhanh hơn trong việc tìm kiếm giải pháp ứng phó, tăng cường ứng dụng công nghệ, tái cấu trúc hệ thống quản lí và tiết giảm chi phí.

Dù vậy, dự cảm về triển vọng kinh doanh của nền kinh tế nói chung, ông Nguyên cho rằng nền kinh tế chung sẽ còn chịu tác động ít nhất phải hai năm nữa mới có thể phục hồi nguyên trạng. Cách li xã hội, hạn chế đi lại khiến nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư phải đình hoãn, các chuyên gia không thể đến làm việc, du lịch, khách sạn hụt nguồn thu…là thực tế quá dễ để nhận biết.

Một điều đáng lo nhất đó là rủi ro sức mua giảm. Theo ông Nguyễn Đức Tài,  Chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động (MWG) đánh giá, COVID-19 sẽ tác động lên toàn cầu chứ không phải chỉ ở Việt Nam. Ông cho biết đã theo dõi đánh giá của các chuyên gia kinh tế trên thế giới, họ nói có lẽ đây là đợt khủng hoảng lớn nhất, lớn hơn bất kì đợt khủng hoảng nào trong vòng 50 năm trở lại đây.

"Nhìn nhận của tôi là nhu cầu, sức mua của người tiêu dùng sẽ sụt giảm trong tương lai. Có thể chúng ta chưa cảm nhận được nó nóng đến như thế nào vào lúc này bởi người Việt Nam nói chung, tiết kiệm trong gia đình khá lớn, làm 10 đồng chắc phải giữ lại 5, 6 đồng để dành, chi tiêu không quá một nửa. Còn mấy nước khác thì tác động tức thì vì họ làm bao nhiêu xài bấy nhiêu. Do vậy, ảnh hưởng của dịch đối với Việt Nam sẽ có độ trễ", Ông Tài lo ngại, từ tháng 6 trở đi doanh thu của công ty sẽ giảm bởi sức cầu giảm.

Giám đốc một công ty xây dựng cho biết, thông thường, quí I là quí thấp điểm trong năm. Tuy nhiên, trong năm nay, do dịch bệnh xảy ra, có thể trong quí II và quí III mới là thời điểm hoạt động kinh doanh thấp điểm nhất. Hiện hầu hết chủ đầu tư trong trong lĩnh vực hotel, resort, cao ốc văn phòng đều rất khó khăn.

Trước thực trạng này, doanh nghiệp cho biết đã cắt giảm lương từ 30-40% để vượt qua khó khăn lúc này. Với các nhân sự làm việc lâu năm tại doanh nghiệp, họ gắn bó với công ty và sẵn sàng nghỉ không lương ở nhà để chờ ngày công ty vượt qua giai đoạn này để tiếp tục công việc.

"Nhưng vấn đề ở đây là họ lấy gì sống qua giai đoạn đó?" ông chủ doanh nghiệp chia sẻ.

Nên thay đổi cách thức giải cứu?

Thực tế, hầu hết các lĩnh vực sản xuất kinh doanh đều đang rất khó khăn và được dự báo sẽ mất nhiều thời gian để phục hồi. Nhiều chuyên gia kinh tế thể hiện sự lo ngại về nguy cơ xảy ra hiện tượng sụp đổ domino trên diện rộng.

Sức mua giảm, thị trường tiêu dùng đóng băng, doanh nghiệp sẽ kiệt quệ và không thể đứng dậy sau đại dịch. Theo đó, việc tìm ra giải pháp hỗ trợ kịp thời, hiệu quả là điều cần phải thực hiện ngay.

Theo TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, hiệu quả của các gói hỗ trợ cần có mục tiêu, không can thiệp đại trà, cần xác lập ưu tiên, chọn lọc. Chính sách phải kịp thời, thuận theo qui luật thị trường, hạn chế trục lợi chính sách, duy trì mức độ công bằng chấp nhận đươc.

Đã có bao nhiêu DN đã được tiếp cận được các gói hỗ trợ về tín dụng, bao nhiêu DN được hỗ trợ về chính sách tài khoá và các hỗ trợ khác? Khả năng các gói chính sách này giảm thiểu thiệt hại đến đâu?

"Trong cuộc khủng hoảng 2008 -2009, cá nhân tôi đã từng nghe rất nhiều DN vừa và nhỏ kể rằng, khi khủng hoảng qua rồi họ vẫn chưa thấy được một đồng tiền hỗ trợ nào đến với tay họ cả", TS. Vũ Thành Tự Anh hi vọng rằng, lần này chúng ta sẽ không lặp lại những sai lầm như thế nữa.

Đồng quan điểm, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hiện nay cần xem xét lại: "Cần đánh giá vì sao hầu hết các quốc gia trên thế giới đều chọn phương án là hỗ trợ trực tiếp cho người dân? Mục đích chính của chính sách này là nhằm kích thích tiêu dùng, qua đó sẽ tạo hiệu ứng lan toả ra toàn bộ nền kinh tế, giúp hàng hoá của DN được tiêu thụ và qua đó giữ vững việc làm".

Theo chuyên gia cho rằng, chính sách kích cầu bằng chính sách hỗ trợ trực tiếp người dân không chỉ giúp giữ cho sức mua không sụt giảm quá mạnh mà còn tốt cho môi trường kinh doanh.

Theo đề xuất của TS. Hiển, Chính phủ có thể hỗ trợ DN thông qua các gói cho vay khoảng 50 triệu đồng/người lao động bị mất việc với lãi suất ưu đãi 0%; đồng thời, cho vay ưu đãi 0% số tiền khoảng 25  triệu đồng/người đối với toàn bộ người lao động có tham gia BHXH tại các thành phố trong vòng 1 năm.

TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, thứ nhất, cũng như những công ty tài chính cho vay tín chấp, các ngân hàng đã tính đến bài toán cân đối rủi ro tổng thể. Thứ hai, việc cho vay dưới hình thức cấp thẻ tín dụng, người dân chỉ được sử dụng vào mục đích tiêu dùng, không được rút tiền mặt. Theo đó, không đáng lo ngại về việc người sử dụng không đúng mục đích đối với hình thức hỗ trợ này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại