"Cứu" dầu mỏ Nga, Ấn Độ sẽ có thứ Mỹ, Trung cố giành từ Moscow?

Ngọc Minh |

Nga đã tìm thấy thị trường giúp mình giải quyết khó khăn về dầu mỏ từ "bài toán khó" mà Ấn Độ đang gặp phải.

Ấn Độ vốn chỉ là “thế chân” cho Trung Quốc

Theo thỏa thuận mới được ký kết với Công ty dầu khí quốc doanh lớn nhất nước Nga Rosneft, các công ty dầu khí nhà nước Ấn Độ sẽ sở hữu 49,9% cổ phần trong công ty con Vankorneft của Rosneft.

Vankorneft chính là đơn vị đang phát triển, khai thác cụm dầu mỏ lớn thứ hai tại Nga Vankor- ước tính chứa 500 triệu tấn dầu và 182 tỉ mét khối khí đốt, nằm ở đông Siberia và chiếm 4% tổng sản lượng dầu mỏ nước này.

Điều đó đồng nghĩa với việc chính phủ của Thủ tướng Modi sẽ nắm quyền kiểm soát gần một nửa mỏ dầu với sản lượng 440.000 thùng/ngày này, khiến Ấn Độ trở thành nhân tố chính trong cơ cấu năng lượng của Nga.

Xét trong bối cảnh Kremlin luôn cẩn trọng khi cho phép các công ty nước ngoài sở hữu cổ phần ở lĩnh vực dầu khí, thỏa thuận trên của Nga là một sự chuyển hướng lớn, bắt nguồn từ các vấn đề tài chính: Rosneft bị ảnh hưởng nặng nề bởi các lệnh trừng phạt từ Mỹ và phương Tây.

Báo Nhật Nikkei chỉ ra: “Nếu bản thân việc chuyển nhượng cổ phần này đã là một bất ngờ, thì việc lựa chọn người mua chẳng khác nào một tin sốc”.

Tháng 9.2014, Putin từng tuyên bố với Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ rằng, Nga muốn để lại cổ phần tại khu phức hợp Vankor cho Trung Quốc.

"Nhìn chung, chúng tôi có cách tiếp cận thận trọng trong việc chấp nhận các đối tác nước ngoài, nhưng tất nhiên là chúng tôi không đặt ra bất cứ giới hạn nào cho những người bạn Trung Quốc".

Tháng 11 cùng năm, Rosneft và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc đã ký thỏa thuận khung, theo đó, Nga sẽ bán 10% cổ phần cho tập đoàn này. Tuy nhiên, cả hai bên cuối cùng đã không đạt được thỏa thuận cuối cùng.


Một mỏ dầu của Nga ở Siberia

Một mỏ dầu của Nga ở Siberia

Giáo sư kinh tế người Nga Aleksey Maslov nhận định, các cuộc đàm phán về kinh tế giữa Trung Quốc và Nga đang ngày càng trở nên khó khăn.

Lý do một phần là bởi kinh tế Trung Quốc đang phát triển chậm lại, phần khác là vì Bắc Kinh nhận ra rằng, mình đang giữ vị trí thống trị tại thị trường Nga sau các lệnh trừng phạt từ phương Tây.

Ban đầu, Nga hi vọng rằng các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ bù lại được những tổn thất do những lệnh trừng phạt gây ra, bao gồm việc mất đi khách hàng dầu mỏ lớn nhất là Liên minh châu Âu.

Song giờ đây, Moscow đã hiểu rằng mình đang quá lạc quan, và buộc phải đi tìm những thị trường mới, giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Ấn Độ đang là quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn thứ ba thế giới, sau Trung Quốc và Mỹ. Mỗi ngày, nước này nhập 4 triệu thùng dầu thô, và dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên. Trong 5 năm tới, nhu cầu dầu mỏ của Ấn Độ dự kiến tăng 4,2% năm - còn con số đó ở Trung Quốc là 3,4%.

Thỏa thuận dầu mỏ Ấn - Nga sẽ giúp New Delhi giải bài toán khan hiếm năng lượng khi mà nhu cầu trong nước ngày càng tăng lên, còn Moscow thấy "ánh sáng" cho tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”, đặc biệt là sau khi thỏa thuận đóng băng giá dầu - dự kiến đạt được ở Doha - thất bại.

Đàng hoàng “bắt tay” Nga ở Bắc Cực

Phó Giáo sư kinh tế người Ấn Độ Nalin Kumar Mohapatra chỉ ra, một trong những trở ngại lớn mà nước này phải đối mặt khi xây dựng quan hệ năng lượng với Nga là họ vốn trước đây chưa có cơ sở hạ tầng kết nối trực tiếp với nhau.

Tuy nhiên, ông này cho rằng, bù lại, Ấn Độ sẽ được rất nhiều lợi ích.

Mỏ dầu Vankor nằm ở vị trí quan trọng về chiến lược - các nguồn năng lượng từ khi vực này sẽ được chuyển đến Đông Á, thông qua Đường Ống Thái Bình Dương Đông Siberia (ESPO).

Nhu cầu năng lượng từ khu vực này tất nhiên sẽ tăng lên, và bằng cách xuất khẩu năng lượng cho Trung Quốc và các nền kinh tế lớn khác ở Đông Á, các tập đoàn năng lượng Ấn Độ sẽ thu về nguồn ngoại tệ đáng kể.

Thêm vào đó, theo ông Mohapatra, với việc có cổ phần trong mỏ dầu ở Siberia, Ấn Độ đang chứng tỏ rằng rồi nước này sẽ cùng Nga khai phá vùng Bắc Cực giàu tài nguyên– thứ mà Mỹ, Nga và Trung Quốc đang tranh giành.

Về vấn đề cơ sở hạ tầng, Phó Giáo sư người Ấn đề xuất, Nga và Ấn Độ có thể cùng thỏa thuận với Iran để nước này trở thành trung gian trong quá trình vận chuyển dầu mỏ.

Trong tương lai gần, có khả năng Dự án Hành Lang Giao thông Bắc - Nam sẽ được triển khai, kết nối 2 nước thông qua Iran. Nếu dự án này được thực hiện thì nó sẽ là nhân tố thay đổi cuộc chơi trong lĩnh vực địa chính trị năng lượng Á - Âu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại