Cựu chủ tịch Sony Hirai Kazuo: Kiếm về 4 tỷ USD nhờ buôn bất động sản và bán trò chơi nhưng vẫn bị đánh giá là "không hiểu gì về game"

Văn Lâm |

Hirai Kazuo chính là người đã một tay chèo chống, vực dậy cả đế chế Sony khi nó đang lung lay trên đà sụp đổ.

Ngày 18/6/2019, Chủ tịch kiêm CEO đương nhiệm của Sony Hirai Kazuo tuyên bố từ chức.

Một cư dân mạng đã bày tỏ về sự việc này rằng: "Hirai Kazuo từ chức rồi, Sony lần này đóng cửa thật rồi!".

Trên mạng Internet từng lưu truyền 4 điều, là những chuyện tưởng chừng sẽ không thể xảy ra. Đó là Trung Quốc gỡ bỏ lệnh cấm Google, Facebook phát hành ở thị trường Trung Quốc, Sony đóng cửa và Windows Phone khởi sắc trở lại. Ngày nay, 3 trong số đó vẫn là những điều gần như không tưởng và Sony có lẽ là điểm yếu duy nhất. Nhưng công ty Nhật Bản này vẫn luôn đứng vững, dù cho luôn bị trù ẻo là sắp phải đóng cửa hay phá sản. Bất chấp mọi thông tin xấu, doanh thu của gã khổng lồ này vẫn tăng.

Tuy nhiên, ít người biết rằng, sự vững chãi và mạnh mẽ của công ty công nghệ Nhật Bản trước vô vàn những cơn sóng dữ trên thương trường, không thể không gắn liền với Hirai Kazuo. Ông được biết tới như là "Sứ giả nụ cười", hay kẻ kiên trì với nguyên tắc luôn "Xem doanh nghiệp như một tín ngưỡng"...

Trên bờ vực cái chết, trách nhiệm lớn được trao

Cựu chủ tịch Sony Hirai Kazuo: Kiếm về 4 tỷ USD nhờ buôn bất động sản và bán trò chơi nhưng vẫn bị đánh giá là không hiểu gì về game - Ảnh 1.

Ngày Cá tháng Tư năm 2012, trong lúc Sony đang chịu tình hình thua lỗ liên tục suốt 4 năm và giá cổ phiếu rớt xuống mức thấp nhất trong vòng 20 năm, cựu CEO Ibuka Masaru đã đem Sony "gán lại" cho Kazuo.

Ánh mắt ông Masaru lúc đó như muốn nói: "Ông hãy chọn cho mình một chế độ cho trò chơi này. Easy mode: Trở thành vị CEO cuối cùng của Sony; Hard mode: Vực dậy một đế chế đang sụp đổ".

Cuối cùng, Kazuo đã lựa chọn làm một dũng sĩ anh hùng.

Nhưng, những kẻ anh hùng thì luôn cô độc. Kazuo buộc phải đưa ra những quyết định theo đúng phong cách lạnh lùng của một người hùng: Cắt giảm nhân sự, cắt giảm phòng ban, thậm chí bán cả văn phòng, nhằm cải tổ Sony. Trước khi trở thành CEO của Sony, ông đã làm việc ở đây khá lâu, nên ông hiểu khá rõ nội bộ công ty mình cũng như chân lý "Chỉ có hi sinh, mới có thể vực dậy Sony".

Nhậm chức năm đầu tiên, ông đã cắt giảm 10.000 nhân sự. Từ đó, việc cắt giảm nhân sự mỗi năm trở thành thói quen. Điều này khiến các nhân viên của Sony, những người đột nhiên bị mất việc, cảm thấy khó chấp nhận. Nội bộ công ty cũng trở nên bất an đối với vị CEO mới này.

Sony mang trên mình cái gọi là "Bệnh của công ty lớn", đó là việc các bộ phận đều thích giữ lại những nhân viên lâu năm để làm "cố vấn". Những nhân viên này có quyền can thiệp, giành lấy những bộ phận bị loại bỏ từ tay CEO với lý do: "Chờ đã, họ cũng có thể kiếm tiền đấy!"

Cựu chủ tịch Sony Hirai Kazuo: Kiếm về 4 tỷ USD nhờ buôn bất động sản và bán trò chơi nhưng vẫn bị đánh giá là không hiểu gì về game - Ảnh 2.

Nhưng Hirai Kazuo một lúc "trảm" hết 5 bộ phận mà các nhân viên lâu năm đánh giá là "có tiềm năng phát triển". Thậm chí ông cho dừng hoạt động luôn một số bộ phận hợp tác với Sharp. Và cứ thế, những "nguyên lão" của công ty cũng tự hiểu mà mất dần đi sự kiêu căng một thời.

Để kiếm tiền một cách nhanh hơn, Kazuo chuyển hướng qua đầu tư bất động sản. Nắm bắt được xu hướng cơn sốt bất động sản từ quốc gia bên kia bờ biển là Trung Quốc, Sony bắt đầu dấn thân vào con đường kinh doanh nhà đất. Từ năm 2013 đến tháng 7/2014, Sony đã bán tổng cộng 4 tòa nhà, đổi về gần 3 tỉ USD Mỹ đẻ làm vốn đầu tư. Câu "Nghèo đi bán nhà" gắn liền với Sony cũng từ đây mà ra.

Ngày nay, mỗi khi game của Sony có giảm giá, không ít game thủ lão thành lại trêu đùa: "Mọi người mua như thế này, có khi Sony lại phải bán nhà mất thôi!".

CEO không hiểu gì về game nhất lịch sử

Cuối cùng thì năm đầu tiên trong nhiệm kì của Hirai Kazuo, Sony cũng đã có lãi lần đầu trong vòng 5 năm. Nhưng đồng thời, Hirai Kazuo cũng đã hi sinh khá nhiều khoản tiền thưởng và cả nhân viên, điều này gần như đắc tội với tất cả mọi người trong công ty. Vị anh hùng này đã đánh bại được con Boss, nhưng những gì chào đón anh lại là "gạch đá" từ chính những đồng đội bên cạnh. Kazuo cũng phát hiện ra một vấn đề nan giải hơn rất nhiều, đó là mọi người bên ngoài gọi ông là: "CEO không hiểu gì về game nhất lịch sử".

Vì vậy, ông đặt ra chiến lược mới cho Sony, quyết tâm đưa game lên vị trí đầu tiên trong các hạng mục kinh doanh của công ty. Và thách thức lớn nhất trước mắt của vị tân CEO này lại là "không hiểu gì về game".

Cựu chủ tịch Sony Hirai Kazuo: Kiếm về 4 tỷ USD nhờ buôn bất động sản và bán trò chơi nhưng vẫn bị đánh giá là không hiểu gì về game - Ảnh 3.

Việc này cũng có liên quan tới Kutaragi Ken, nhân viên nổi tiếng nhất của Sony, cha đẻ của PlayStation và được coi là "vị tướng trong những vị tướng" của ngành game. Nhưng trong buổi họp thảo luận về chiếc máy chơi game cầm tay PS3, ông đột nhiên tuyên bố mình đã bị bãi miễn chức vụ. Việc này khiến nhiều người cảm thấy ngạc nhiên vì ai cũng biết bộ phận của ông đã cống hiến hơn nửa số lợi nhuận cho Sony.

Kutaragi Ken cũng đã cống hiến gần 20 năm cho hệ máy PlayStation, là cái tên mà hầu như người chơi console nào cũng đều ngưỡng mộ. Vì vậy, họ trút hết cơn giận dữ lên CEO kế nhiệm Hirai Kazuo. Đây là cái họa đầu tiên mà Kazuo phải gánh ở Sony.

Chưa kể khi đó, cạnh tranh vị trí người đứng đầu Sony ngoài Hirai Kazuo còn có phó tổng giám đốc Hiroshi Yoshioka, nhân viên phụ trách nghiệp vụ Bob Ishida và Kunimasa Suzuki. Khá trùng hợp khi trong số đó Hirai Kazuo lại không có kinh nghiệm về kĩ thuật và lập trình. Cho nên khi ông trở thành CEO, những câu hỏi luôn không ngừng vang lên bên tai: "Một người không hiểu gì về game, làm thế nào để mở ra kỉ nguyên mới cho Sony?"

Trên thực tế, Hirai Kazuo không phải là người không hiểu gì về game. Ông chỉ "không biết nhiều bằng những người khác" mà thôi. Vị CEO này là một người yêu game thực thụ và sẵn sàng đứng lên vì bộ phận phát triển trò chơi. Có thể ông không phải là một nhà lập trình giỏi, nhưng ông hiểu rõ người chơi muốn gì. Đó là lý do Kazuo đã yêu cầu bộ phận kinh doanh giảm giá PS3 xuống 100 USD, khống chế khoản thua lỗ trên mỗi sản phẩm ở mức 240 USD. Ông hy vọng theo thời gian, giá thành sản xuất của PS3 sẽ giảm nhanh và sau hai năm, công ty sẽ có lãi.

Năm 2018, lợi nhuận của Sony đạt mức kỉ lục 4 tỉ USD. Giá cổ phiếu tăng gần 4 lần ở Nhật. Nếu nói Hirai Kazuo đã cho Sony một sinh mạng mới cũng không phải nói quá. Đã có người tổng kết thành công của ông và bất ngờ nhận ra những gì mà Kazuo làm không có gì để bàn cãi, vì chúng đều là việc hết sức bình thường. Ông đơn giản chỉ cắt giảm nhân sự, tìm ra bộ phận có tiềm năng phát triển và có thể kiếm tiền nhất.

"Nụ cười Kazuo" và "Cây kèn Saxophone"

Có thể bạn sẽ không nhớ cái tên Hirai Kazuo, nhưng chắc chắn bạn sẽ thấy quen thuộc khi xem những biểu cảm của ông đâu đó trên mạng Internet. Nếu tìm tên Hirai Kazuo trên Google, bạn sẽ nhìn thấy một loạt những biểu cảm khá "đáng sợ", được gọi là "Nụ cười Kazuo".

Cựu chủ tịch Sony Hirai Kazuo: Kiếm về 4 tỷ USD nhờ buôn bất động sản và bán trò chơi nhưng vẫn bị đánh giá là không hiểu gì về game - Ảnh 4.

Lần đầu ông nở nụ cười này là vào năm 2006. Khi đó, giá bán của PS3 cao hơn Wii gấp đôi, nhưng ông bắt buộc phải đứng trên bục, phía trước poster in hình máy chơi game này và phát biểu: "Cái này cần một cái giá cao hơn... Khoảng 599 USD". Để khuấy động mọi người, ông cố tình nói cao giọng và kéo dài tên các trò chơi đi kèm. Tất cả những người có mặt ở đó, và cả ông, đều nở một nụ cười gượng gạo. Lúc ấy, dù là người trong hay ngoài công ty, không ai có ấn tượng tốt với người đàn ông có nụ cười gượng gạo này. E3 cũng bị xem là một vết đen trong lịch sử phát triển của Sony.

Do đó, nụ cười này, cũng giống như câu nói "Sony phá sản" đã trở thành một trò vui đùa của người dùng mỗi khi báo cáo tài chính của Sony xuất hiện sự không ổn định hay lúc có dòng máy mới ra đời. Thậm chí mỗi khi Sony có chuyện, lại có người mang nụ cười của ông ra để châm biếm.

Cựu chủ tịch Sony Hirai Kazuo: Kiếm về 4 tỷ USD nhờ buôn bất động sản và bán trò chơi nhưng vẫn bị đánh giá là không hiểu gì về game - Ảnh 5.

Năm 2011, một cư dân mạng nặc danh đã lập một tài khoản giả danh Hirai Kazuo. Y viết trong phần tự giới thiệu: "Chủ tịch Sony, vị cứu tinh kiêm cựu CEO. Đại sứ game đua xe Ridge Racer. Tài khoản giả mạo". Tài khoản này thường đăng những bài viết mang tính chỉ trích Sony và ngành công nghiệp game với tư cách Kaizuo, sử dụng avatar là hình ảnh của Kazuo. Khi tài khoản này ngày càng trở nên nổi tiếng, nó cũng thành một sự áp lực với chính Kazuo.

Nhưng trong một bài phát biểu, ông đã nói về tài khoản giả mạo kia với vẻ ung dung. Ông nói: "Sony đủ dũng cảm để chấp nhận những thử thách mới. Quá trình này sẽ có những lúc thành công, có lúc...". Nói đến đây, ông dừng lại nhìn vào những tấm hình chụp lại các bài viết và bình luận, nói tiếp: "Có khi bị trù dập, nhưng chúng ta vẫn sẽ luôn học hỏi và trưởng thành. Những tấm hình kia, tôi xem qua hết rồi!".

Cựu chủ tịch Sony Hirai Kazuo: Kiếm về 4 tỷ USD nhờ buôn bất động sản và bán trò chơi nhưng vẫn bị đánh giá là không hiểu gì về game - Ảnh 6.

Năm 2017, ở lễ tháo dỡ tòa nhà Sony ở Ginza, Tokyo, Kazuo đã ôm lấy và thổi một cây kèn Saxophone. Có người phát hiện dáng vẻ ông không hề chuyên nghiệp, cả bài chỉ thổi đúng 2 nốt, nhưng ông vẫn không ngại ngần, thổi xong còn làm điệu bộ khoa trương và cười lớn. Ông làm thế để khích lệ tinh thần nhân viên của Sony, thể hiện tinh thần anh dũng kiên cường của người lãnh đạo công ty. Chính điều đó đã khiến không ít fan của Sony cảm động.

Hirai Kazuo chơi saxophone

Không ai có thể phủ định tình yêu mà Kazuo dành cho Sony. Ông yêu game, yêu công ty này. Câu chuyện của Hirai Kazuo như một kì tích. Nhưng thành công mà ông có được là nhờ vào tình yêu, chứ không phải chuyện ngẫu nhiên.

"Ngay khi tốt nghiệp, tôi đã vào Sony. Những kỉ niệm năm đầu vào công ty của tôi cực kì tuyệt vời, đồng thời là những kí ức tốt đẹp nhất trong suốt sự nghiệp của mình", ông chia sẻ.

Tham khảo QQ

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại