Cựu CEO Intel qua đời ở tuổi 66

Du Lam |

Paul Otellini, CEO thứ năm của Intel, vừa qua đời ở tuổi 66.

Ông Otellini trở thành CEO Intel vào tháng 5/2005 và ngồi ở chiếc ghế này đến khi nghỉ hưu năm 2013. Trong lịch sử 49 năm của mình, Intel chỉ có 6 CEO, ông Otellini là người thứ 5. Ông là người đầu tiên không phải kỹ sư đứng lên điều hành công ty.

Ông nghỉ việc ở tuổi 62, vài năm trước thông lệ nghỉ hưu 65 tuổi của Intel, đúng vào thời điểm Intel đang gặp khó khăn trong mảng chip di động, lỗ hàng tỷ USD để cạnh tranh với đối thủ Qualcomm.

Kế nhiệm ông là Brian Krzanich, người đang giữ chức CEO Intel đến ngày nay. Dù chip Intel có mặt trong hầu như mọi máy tính trên thế giới, gã khổng lồ lại bỏ lỡ xu hướng di động. Những smartphone tốt nhất hiện tại - từ Galaxy Note 8 đến iPhone X - đều không dùng chip Intel.

Trong một tuyên bố, ông Krzanich nói rằng ông Otellini đã dạy Intel bài học chỉ có thể chiến thắng khi đặt khách hàng lên hàng đầu. Suốt nhiệm kỳ của mình, doanh thu Intel đã tăng từ 38,8 tỷ USD lên 54 tỷ USD.

Trước khi làm CEO, ông từng phụ trách kinh doanh tại công ty. Ông tiếp quản Intel từ tay Craig Barrett, người đã đốt 30 tỷ USD cho các vụ thâu tóm truyền thông chỉ để chứng kiến chúng thất bại thảm hại. Những người biết về ông đều nói ông là người trầm tính và khiêm tốn.

Nhiệm vụ của ông là giúp Intel chuyển từ một hãng được dẫn dắt bởi công nghệ trở thành một công ty được dẫn dắt bởi thị trường. Ông sắp xếp lại Intel xoay quanh các nền tảng thay vì chỉ các con chip.

Ông gói chip và những linh kiện khác vào các nền tảng để khách hàng có thể mua số lượng lớn, chẳng hạn công nghệ Centrino giúp công nghệ Wi-Fi trên laptop cất cánh. Điều đó giúp Intel bảo toàn vị trí trong thị trường chip laptop nhiều năm.

Về đời tư, ông lớn lên tại San Francisco (Mỹ) trong một gia đình sùng đạo. Khi còn trẻ, ông bán xúc xích ở công viên Candlestick, nhận bằng kinh tế Đại học San Francisco năm 1968 – cùng năm Intel được thành lập bởi Andrew Grove, Gordon Moore và Bob Noyce.

Ông lấy bằng MBA của Đại học California năm 1972 và làm việc trong phòng mua sắm của một lò mổ.

Năm 1974, ông được nhận vào phòng tài chính Intel. Năm 1989, ông phục vụ như trợ ký kỹ thuật cho Grove, đồng nghĩa với việc phải bảo đảm mọi bài phát biểu của Grove không có một sai sót nào.

Ông cũng phải dạy Grove cách dùng máy tính. Tiếp đó, ông phụ trách bộ phận bộ vi xử lý và giúp ra mắt chip Pentium năm 1993. Dù con chip chứa một lỗi toán học, nó giúp củng cố quyền kiểm soát của Intel trong ngành PC vì bỏ lại đối thủ khá xa.

Ông gặp người vợ thứ hai, Sandra, tại Intel. Bà là luật sư. Hai người có một con trai và một con gái. Sau khi nghỉ hưu, ông dành thời gian hướng dẫn những người trẻ tuổi và tham gia vào các tổ chức từ thiện.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại