Trong buổi huấn luyện thứ 3 của chương trình Nghiên cứu thị trường và Phát triển khách hàng của Topica, đồng sáng lập đồng thời là cựu CEO FPT Nguyễn Thành Nam đã chia sẻ bài học của Đại học FPT buổi đầu thành lập.
Theo đó, tại FPT, tinh thần phát triển vươn tầm quốc tế rất cao, luôn hướng tới thị trường nước ngoài là điểm tựa cần vươn tới. Khi đó, ông Nguyễn Thành Nam được giao nhiệm vụ xuất khẩu giáo dục, khi đó là Đại học FPT, với mục tiêu: Đảm bảo học sinh 100% là người nước ngoài.
Bài toán khi đó là làm thế nào để liên kết với 1 trong 50.000 trường đại học nước ngoài, tìm các trường cùng tầm với mình để liên kết.
Cái khó ló cái khôn, ông đi “la cà” đến các hội thảo quốc tế về giáo dục, nhận ra các trường dân lập mới mở cũng có cùng vấn đề như mình.
Tình cờ trong buổi hội thảo, ông tìm ra Đại học Brunei – một trường đại học đầy đủ cả về vật chất lẫn chất lượng giảng dạy, nhưng sinh viên lại thiếu trải nghiệm xã hội. Sau khi nói chuyện với bà hiệu trưởng và nhận được lời hợp tác, chỉ 2 tháng sau, Đại học FPT đón nhận đoàn sinh viên đầu tiên từ Brunei.
Nhưng bài toán mới lại xảy ra, chất lượng giảng dạy tại Brunei quá tốt, giảng viên FPT không biết dạy gì cho sinh viên nữa. Lúc đó, một cậu sinh viên thực tập đã nghĩ ra sáng kiến tăng cường trải nghiệm bằng cách cho sinh viên quốc tế được tham gia các hoạt động xã hội, giáo dục từ thiện, trải nghiệm cuộc sống tại những khu vực nghèo khó.
Cuối khóa, nhiều sinh viên quyến luyến đến mức thậm chí không muốn trở về đất nước vì ở Việt Nam, họ được tham gia nhiều hoạt động và cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa.
“Có thể nói rằng, những bài toán tưởng như không có lời giải lại được giải quyết từ những sáng kiến rất đơn giản, mà chỉ đến khi 'la cà' với khách hàng, nhận ra vấn đề cốt lõi khách hàng gặp phải, phải lăn lộn trong thực tế mới tìm ra được”, ông Nguyễn Thành Nam – đồng thời là Phó Chủ tịch HĐQT Đại học FPT, founder đại học trực tuyến Funix – đúc rút.
Chia sẻ về những khó khăn của các startup hiện tại, ông Nam cho rằng các bạn trẻ giờ đây có nhiều thiệt thòi. Thông tin mạng xã hội đa chiều và khách hàng có quá nhiều nhu cầu, các bạn không biết đâu là thứ khách hàng thật sự cần để phát triển nếu chỉ nghiên cứu trên bàn giấy.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư bây giờ dễ xuống tiền, khiến các startup ảo tưởng vào sản phẩm của mình. Ông Nam cho rằng các bạn trẻ hiện nay nên biết lắng nghe hơn, đặc biệt với những lời chê bai.
“Những khách hàng trả tiền đầu tiên chính là Co-Founder của startup, họ giúp mình xây dựng sản phẩm. Họ chê thì mình có cái để về sửa, vì thế những lời chê vô cùng đáng quý”, ông Nam nói.
“Để tìm kiếm các khách hàng đầu tiên, các sáng lập viên đừng ngại lăn xả ra thị trường, bán nước bọt, tìm đủ mọi cách để thuyết phục, cứ “chém gió” thật nhiều. Khi có khách hàng đầu tiên rồi thì con đường xây dựng sản phẩm sẽ rõ nét hơn”.
>>> Xem thêm: Người FPT chế ca khúc, giục sếp U70 về hưu
Người FPT chế ca khúc, giục sếp U70 về hưu