Năm 2012, câu chuyện người hâm mộ hôn ghế một thần tượng A nào đó tới từ Hàn Quốc gây "chấn động" mạng xã hội.
Thời điểm đó, fan K-pop gần như phải "chống lại cả thế giới". Những người hâm mộ K-pop thường nhận được những cái nhìn không mấy thiện cảm từ cách họ hô hào, tung hô cho thần tượng với những phát ngôn, hành động "gây sốc" cộng đồng mạng: Không chuyên tâm học hành, bỏ cha mẹ chứ không bỏ thần tượng, khóc lóc, fan cuồng dẫm đạp lên nhau, đòi hôn ghế thần tượng.
Người ta đánh giá cả một lớp người trẻ hâm mộ Kpop; những cuộc tranh luận về văn hóa thần tượng như nào là hợp lý được dấy lên, bàn tán từ trên mạng xã hội cho tới báo chí.
Vụ việc như vậy rồi cũng chìm xuống trong thời đại thông tin tính bằng giờ, bằng ngày. Nhưng có lẽ đó như một điểm chạm đáy để văn hóa thần tượng đi lên: Hành xử văn minh hơn, biết cách thần tượng tích cực hơn và thậm chí nhiều "fandom" còn có những hoạt động tốt đẹp cho cộng đồng, xã hội.
Tuy nhiên, "di sản" hâm mộ thần tượng một cách thái quá như vậy vẫn còn âm ỉ ở đâu đó, kể với các thần tượng Hàn Quốc và Việt Nam.
Đó là câu chuyện của Seungri: khi hàng loạt cáo buộc nhắm vào Seungri với các tội danh liên quan tới môi giới mại dâm, phòng chat đồi trụy, bỗng có 12 nghìn fan đặt bút ký tên mình vào kiến nghị giữ Seungri ở lại Kpop. Họ đa phần đều là nữ.
Trên mạng xã hội, một lượng người hâm mộ vẫn dùng những bình luận cảm thông, chia sẻ và tin tưởng vào sự trong sạch của anh. Họ ký tên, họ làm banner ủng hộ, họ họp mặt để cùng kiến nghị vì tin rằng thần tượng của mình không phải loại người như vậy. Một lần nữa, họ "chống lại cả thế giới".
Còn ở Việt Nam?
Khá Bảnh: Từ kẻ có quá khứ bất hảo nổi trên mạng trở thành "thần tượng" của nhiều học sinh
Khi tôi nói đó là nhiều, đó hẳn là "rất nhiều" - chỉ thiếu điều khái quát ra thành tất cả giới trẻ Việt Nam. Họ nhắc về Khá Bảnh khắp mọi nơi, từ nông thôn tới thành phố, từ các đô thị lớn cho tới vùng quê; và trên Facebook chính là "thiên đường" của Khá Bảnh. Nếu bạn còn chưa biết đó là ai, chỉ cần Google sẽ được trả về hàng trăm nghìn kết quả, không thiếu một điều gì.
Nói một cách công tâm, Khá Bảnh đã tạo ra một nét văn hóa mới cho người trẻ - ngôn ngữ bình dân gọi đó là "văn hóa quẩy", "văn hóa Khá Bảnh".
Khi nhiều người chưa hiểu được giá trị trong "văn hóa" mà Khá Bảnh để cho một bộ phận giới trẻ - giá trị nghệ thuật? không; giá trị nhận thức? càng không, thì người ta đã thấy văn hóa thần tượng hiện hữu một cách xấu xí.
Những cô cậu học sinh cấp ba ùa nhau ra đón Khá Bảnh, chụp ảnh cùng thần tượng, biểu diễn "múa quạt" tập thể. Hò hét có, gọi tên có, chạy theo Khá Bảnh có - quang cảnh không khác gì câu chuyện người ta vẫn miêu tả về fan cuồng Kpop.
Nhưng rõ ràng, các fan Kpop có quyền hâm mộ khi thần tượng của họ giỏi, có năng lực, có những điều để học theo; còn với cậu Khá Bảnh ở Việt Nam - nếu bạn hỏi học sinh tại sao lại hâm mộ Khá Bảnh, "vì anh ấy nhảy đẹp, vì anh ấy múa quạt dẻo" là câu trả lời từ các em học sinh, dù biết rằng nhân vật này có quá khứ bất hảo, nhiều phát ngôn gây sốc, coi thường pháp luật, nói tục chửi thề.
Tại sao bạn hâm mộ ai đó?
Chúng ta thần tượng một người nào đó vì họ có những điều chúng ta mong muốn nhưng không có được, và idol giúp chúng ta "hiện thực hóa" một phần giấc mơ của mình. Bạn nói bạn thần tượng cô diễn viên này vì cô ấy cho bạn định hướng, mục tiêu để phấn đấu - không phải đó là vì cô ấy có một mục tiêu rõ ràng cho cuộc đời mà bạn không có sao?
Bạn thần tượng anh A vì tài năng âm nhạc, vì vẻ ngoài đẹp trai - có phải đó là điều bạn luôn mong muốn ở bản thân hay người mình thích?
Bản thân trong cách hiểu về thần tượng không chỉ ra rằng thần tượng là phải tốt hay phải xấu - nó chỉ phản ánh một câu chuyện tâm lý của mỗi người. Chúng ta không thể nhìn vào việc ai đó thần tượng một ai đó và nói đó là đúng hay sai nhưng những ảnh hưởng của việc hâm mộ ai đó thái quá, một cách "cuồng tín" - có thể để lại những ảnh hưởng tiêu cực.
Bạn không thể nói với con trẻ rằng "thần tượng Khá Bảnh" là xấu khi lũ trẻ nói "con thấy anh ấy tiếp thêm nguồn cảm hứng cho con trong cuộc sống", nhưng bạn có thể thấy được sự tiêu cực về lâu dài trong những hành vi hâm mộ "xấu xí" như vậy.
Hiện tượng Khá Bảnh thu hút được giới học sinh vì hai điều: Suy nghĩ muốn nổi loạn và nhu cầu thể hiện cái tôi khác biệt. Chính vì vậy, đôi khi dù thần tượng có làm sai điều gì nhưng nếu người hâm mộ không thấy có vấn đề gì với điều họ mong muốn thì vẫn chấp nhận được.
Bản thân chúng ta đều đã đi qua những năm tháng tuổi trẻ và hiểu rằng, đôi khi thoát ra được những mong muốn của bố mẹ, dù chỉ một chút cho ta cảm giác được tự do, cho ta chút sức mạnh nhỏ nhoi được làm chủ cuộc đời.
Tuy nhiên, bạn vẫn cần sự nổi loạn "an toàn": những điệu nhảy, phát ngôn của Khá Bảnh trong một chừng mực không khiến lũ trẻ gặp vấn đề, chẳng ai phạt chúng hay có cớ gì để phạt, chừng nào các hành động đó vẫn chỉ dừng như vậy. Đó chẳng phải một lựa chọn hoàn hảo phải không?
Mấy cô cậu học sinh luôn muốn được chú ý; các em hiểu rằng một video múa đương đại hay chơi piano không thể "tạo bão" trên Facebook nhưng chỉ một đoạn "quẩy Khá Bảnh chất ngầu" sẽ khiến cả thiên hạ trầm trồ.
Trong tâm lý học có vô vàn những hội chứng, thuật ngữ để nói về vấn đề này nhưng chỉ cần nhìn nhận đơn giản như vậy là đủ hiểu. Chúng ta thà bị hòa lẫn vào một tập thể "đặc biệt" - những người hâm mộ Khá Bảnh với cùng một điệu nhảy, suy nghĩ còn hơn nhạt nhòa khi không theo đuổi được thứ "văn hóa thời thượng".
Văn hóa thần tượng liệu có một chuẩn mực?
Với tôi, văn hóa thần tượng chuẩn mực là việc hâm mộ một người nào đó với sự tôn trọng dành cho thần tượng nhưng cũng phải tôn trọng chính mình, những người xung quanh và đảm bảo sẽ không có ảnh hưởng tiêu cực gì xảy ra trong tương lai.
Người lớn cũng đều từng là những cô cậu nổi loạn, bên ngoài hay đôi khi với suy nghĩ bên trong, chúng ta hiểu rằng đi qua những năm tháng ấy cần có sự hướng dẫn, chỉ lối không áp đặt của người trưởng thành.
Anh L.Đ.N. chuyên gia giáo dục, giám đốc một tổ hợp giáo dục tại Hà Nội, cho biết: "Chuyện Khá Bảnh nổi tiếng trên youtube bằng cách này hay cách khác là chuyện tự nhiên của xã hội. Nếu học sinh yêu thích và thần tượng, thì chúng ta cần phải tìm hiểu kĩ và thấu hiểu hơn về tâm lý học sinh hiện nay chúng thay đổi ra sao trước các sự kiện xã hội, internet.
Việc xấu trên xã hội này đã và sẽ xảy ra, chúng không bao giờ mất đi mà chỉ chuyển thể từ hình thức này sang hình thức khác".
Chúng ta không thể ép học sinh ngừng hâm mộ Khá Bảnh, ngừng bất chấp thích Seungri nhưng cần chỉ cho những người trẻ nhìn nhận được việc yêu thích một thái quá sẽ dẫn tới đâu khi có lúc các em sẽ nhầm lẫn giữa một hành vi sai trái và "bắt chước thần tượng".
Yêu mến một ai đó luôn cần có sự tỉnh thức - chúng ta có thể yêu quý họ vi tài năng, vẻ ngoài nhưng không chấp nhận những hành vi tội ác hay đi ngược pháp luật.
Văn hóa thần tượng chuẩn mực không đòi hỏi bạn phải hét âm lượng nhỏ, phải ngừng khóc vì thần tượng nhưng trước khi làm những điều đó, hãy thử trả lời những câu hỏi:
Những điều ta tưởng rằng mong muốn ở thần tượng có thực sự là điều ta muốn có ở bản thân mình không? Nó sẽ có giá trị cho cuộc sống của mình?
Những điều mình làm có ảnh hưởng đến mọi người xung quanh không?
Những hành động bắt chước thần tượng có thể hiện việc mình đang tôn trọng bản thân và khiến người khác tôn trọng mình không? Bây giờ và những năm sau về sau?
Nếu có thể trả lời được những câu hỏi trên rõ ràng, bạn sẽ biết một văn hóa thần tượng chuẩn mực là gì hay biết chọn một người để thần tượng cho phù hợp.