Mấy bữa nay Sài Gòn nóng dữ dằn, nóng như đổ lửa, như kiểu người ta hay kêu là nắng bà chằn. Chiều chiều háo nước, thèm chè, tôi lại ghé khu Đa Kao, kiếm xe chè màu đỏ của ông Tư chảnh làm vài ly chơi.
Mà ngộ, lần nào ghé cũng thấy xe chè đông nghẹt mặc dù người ta hay đồn ổng chảnh dữ lắm, bởi hỏi tới không bao giờ trả lời, mặt mũi lúc nào cũng bặm trợn ngầu ngầu, kèm theo điếu thuốc cắm lệch mép kiểu kép cine nổi tiếng, về già kiếm chuyện ra bán chè chơi.
Nhưng nghĩ, nếu không có cái xe chè sơn màu đỏ chói, từ xa xa đã thấy và ông Tư chảnh này thì Sài Gòn có lẽ sẽ hao hụt một giai thoại hay ho để kể cho mấy đứa nhỏ nghe, để rồi tụi nó sẽ cười lăn cười bò.
Xe chè chảnh của ông Tư vừa mới dọn qua điểm mới, tại góc ngã tư Trần Khắc Chân – Đặng Dung.
Ông Tư luôn bán chè với nét mặt thiệt ngầu, cộng với bộ ria và điếu thuốc cắm lệch rất ra dáng một tài tử cine hồi xửa hồi xưa.
Xe chè đỏ nghiễm nhiên có mặt ở đây chắc cũng mấy chục năm rồi, nhưng cụ thể là hai hay ba chục năm, trước khi bán chè thì ông Tư làm gì, rồi ổng có truyền nghề cho ai không... mấy cái đó không ai biết, bởi cũng nhiều người tò mò hỏi, nhưng ông Tư ổng có bao giờ trả lời ai đâu.
Chảnh tới mức đó, bảo sao tiếng "xấu" không đồn xa. Nhưng mà cũng nhờ cái xe chè chảnh này mà ngày xưa tụi học trò trường Thiên Phước (nay là trường THCS Hai Bà Trưng) tự hào lắm, tụi nó đi chơi đâu cũng kể về ổng, như thể ổng là nhân vật huyền thoại của riêng tụi nó vậy.
Tụi nó hay bênh, ai nói ổng chảnh chớ tụi nó thấy ổng chỉ lịch sự, kiểu lịch sự rất Sài Gòn.
Thực chất, ông Tư ổng không chảnh. Chỉ là ổng lịch sự và yêu cầu khách hàng cũng phải lịch sự với ổng thôi!
Cái lịch sự đó được cắt nghĩa như vầy nè, ông Tư sẽ lịch sự với khách, tôn trọng khách nhưng cũng nghiễm nhiên yêu cầu khách lịch sự với ổng, chớ không phải muốn gì cũng được.
Mua chè của ổng mà cà chớn hay không lịch thiệp văn minh, tới sau đòi có trước, dựng xe lung tung, nói năng cộc lốc thì ổng cho chờ dài cổ.
Nhớ có lần, một bà cô từ đâu tới, ngồi trên xe chống chân, bịt khẩu trang mà đòi ổng múc chè lẹ đem về, sợ nắng làm đen da. Ông Tư không thèm trả lời một tiếng, ổng cứ điềm nhiên ngậm điếu thuốc lệch mép và chầm chậm múc chè cho mấy đứa học trò tới trước.
Mua chè của ổng mà cà chớn hay không lịch thiệp văn minh, tới sau đòi có trước, dựng xe lung tung, nói năng cộc lốc thì ổng cho chờ dài cổ.
Bà cô kia thấy vậy tức tối bỏ về, không quên "chọi" vô xe chè một câu: "Bán chè mà chảnh!". Mấy đứa nhỏ hết hồn tròn mắt nhìn, kiểu tụi nó hy vọng sẽ có một cuộc khẩu chiến của ông Tư chảnh và bà cô kia để có chuyện mai lên lớp kể chơi.
Vậy mà ổng vẫn khí khái múc chè, điếu thuốc cắm ngay mép không thèm lệch nửa nhịp khói thơm.
Rồi một bận khác, ông Tư đang ngồi phì phèo thả từng ngụm khói thì có một chị gái trông kiểu tiểu thơ sang chảnh bước vào hỏi mua chè. Ổng hỏi:
- Ăn chè gì?
- Ở đây bán cái gì?
- Bán chè chứ không lẽ bán cơm.
- Vậy bán một ly.
- Ly gì?
- Gì cũng được.
- Vậy cô ăn lạp xưởng ha.
Ổng trả lời xong là chị gái xấu hổ muốn độn thổ cắm mặt xuống đất, cho chừa cái tật hỏi kiểu cà chớn. Mấy đứa nhỏ học trò đang ngồi ăn chè kế bên phá lên cười ha hả. Trong khi ổng vẫn điềm nhiên lấy ly múc chè, mà có lạp xưởng hay không cũng không rõ.
Thấy vậy chớ xe chè chảnh đây từng là niềm tự hào của bao nhiêu thế hệ học sinh trường Thiên Phước cũ.
Dù nắng, dù mưa, dù đông hay ế khách ổng cũng không quan tâm đâu, ổng có "luật bán chè" của riêng mình.
Đó, chè chảnh Sài Gòn là chảnh tới mức không thèm chửi. Ai thấy ổng chảnh quá, không ưng bụng thì dọt lẹ, kiếm chỗ bán chè khác mà ăn, chớ ăn lâu chỗ ổng thì phải hiểu tánh.
Dù nắng, dù mưa, dù đông hay ế khách ổng cũng không quan tâm đâu, ổng có "luật bán chè" của riêng mình. Luôn trịnh trọng khả kính và giữ nét mặt thiệt ngầu, với hàm ria, điếu thuốc sao cho tài tử, kép cine hết sức có thể.
Chỗ xe chè đỏ của ông Tư chỉ bán hai loại chè, một là chè sương sa hột lựu và hai là chè đậu đen cốt dừa.
Nhưng không phải cố định chỉ vậy, khách hàng muốn kết hợp sao thì kết hợp vì từng thành phần như hột lựu, sương sa, đậu đen… ông Tư để riêng hết, ai ăn sao ăn, không ép chỉ ăn hai loại, "ăn hoài một hai thứ ngán lắm bây ơi" – ông Tư chảnh nói trong một dịp hiếm hoi nào đó, vẫn với điếu thuốc cắm lệch bên mép.
Xe chè chảnh đơn giản chỉ với vài loại chè như sương sa hột lựu hay đậu xanh cốt dừa...
Nhưng đâu phải tự nhiên, vừa ít chè, vừa chảnh mà xe chè đỏ lúc nào cũng nườm nượp khách đâu. Cái quan trọng nhất khiến người ta thích chè của ông Tư, mặc cho ổng chảnh là nước cốt dừa. Nước cốt dừa ổng làm là nguyên chất, không phải pha thêm này nọ như mấy chỗ khác.
Nên ăn thử một muỗng chè là mùi nước cốt dừa dậy thơm phưng phức liền, vị thì béo ngậy, đảm bảo hiếm có ai ăn được một ly chè ở đây mà dừng lại lắm. Một phần là ông Tư ổng cũng biết chiêu "dụ khách", chảnh thì chảnh, chứ ly chè có mười ngàn đồng bạc, ăn luôn chục ly cũng có đáng là bao.
Một ly chè ông Tư đã chuẩn bị sẵn cho khách mang đi.
Có lần, một vị khách mê chè đậu đen cốt dừa của ổng, ăn hoài từ nhỏ tới lớn, ngồi mòn luôn cái ghế cóc mới quay qua hỏi: "Con thấy chè chú Tư ngon, mà chú Tư có chảnh chút nào đâu, sao người ta đồn chú chảnh vậy ta".
Làm như nể tình khách quen, hiếm như mấy tỉ năm có một lần, ổng nhả điếu thuốc, dập chân nghe cái "bẹp" cho tắt tàn rồi mở miệng đáp: "Ai đặt điều ác nhơn! Chè tui đâu có ngon!".
Đó, lại thêm một lần chảnh khác. Nhưng cái chảnh của ổng tùy người, ai quen, ai hỏi chuyện đàng hoàng thì ổng sẽ chảnh… có duyên một tí, khiến mọi người xung quanh phì cười chơi. Còn ai cà chớn mà xớn xác làm mấy chuyện chướng mắt thì ổng sẽ chảnh kiểu khác.
Nhưng chung quy phong cách của ổng là chảnh, nói năng không hoa mỹ, nếu không muốn nói là hơi cộc, với điếu thuốc cắm xệch một bên môi.
"Ai đặt điều ác nhơn! Chè tui đâu có ngon!" - ông Tư nói trong một dịp hiếm hoi nào đó.
Rồi đâu phải chưa, cũng có người đã phản ánh kiểu nói chuyện không chủ ngữ vị ngữ với khách của ổng, hỏi sao bán chè mà nói năng kỳ, không tình cảm ngọt ngào gì hết, ổng chỉ nói nhẹ đúng một câu: "Nói nhiều rớt tàn!".
Kể từ đó, chưa thấy ai hỏi lại câu này với ổng, chắc sợ xui rủi hỏi ổng nhiều, lúc ổng trả lời mà tàn thuốc rớt là khỏi có chè ăn.
Giai thoại của xe chè đỏ có ông bán chè chảnh nhất Sài Gòn phải nói là nhiều vô số kể, mà chuyện nào cũng rất vui. Bởi nhiều khi nghĩ từ "chảnh" nghe tiêu cực chớ thực chất, ông Tư chỉ lịch sự và yêu cầu khách hàng lịch sự thôi.
Nên có đến ăn chè thì phải đảm bảo mình là người lịch sự văn minh hen, chớ mắc công ổng "chảnh" lên thì có mà khó chịu bỏ đi, không vui đâu.
Một cô khách mối của xe chè chảnh này nói: "Cô ăn chè ở đây 23 năm rồi, mà không chỉ cô mà cả gia đình cô ai cũng ghiền. Ngày nào không ăn là chịu không được".
Chiều nay, chắc có lẽ bán đắt nên ông Tư dọn hàng sớm, rồi ổng bắc cái ghế ngồi kế bên xe chè, ngó ngó xung quanh những hàng quán tân thời của Sài Gòn phía đối diện với chữ Tây, chữ Tàu, đèn màu rực rỡ mọc lên như nấm, miệng ngêu ngao một giai điệu xưa cũ nào đó.
Bỗng có bà dì bán bánh mì đẩy cái xe đi ngang hỏi: "Cuối tuần bán đắt hen anh Tư!", ổng trả lời "Ờ" một tiếng, điếu thuốc trên miệng không buồn rớt mảnh tàn.