Ngày 1/2/1969, Tổng thống Richard Nixon viết trong bản ghi nhớ gửi Cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger không lâu sau khi ông lên nắm quyền:
"Tôi đã ghi chú trong báo cáo ngày 31/1 của anh phần các bình luận thú vị từ một nguồn tin Ba Lan. Tôi thấy chúng ta nên dành mọi sự khích lệ cho thái độ rằng Chính quyền này đang 'tìm tòi các khả năng tái tiếp cận với Trung Quốc'. Điều này dĩ nhiên cần được thực hiện từ góc độ cá nhân và trong bất cứ trường hợp nào cũng không để lọt ra công luận. Tuy nhiên, khi trao đổi với những người bạn của mình, và đặc biệt bằng bất cứ biện pháp nào anh có thể để tiếp cận nguồn tin Ba Lan này, tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu về ý tưởng".
Như lịch sử ngày nay ghi lại, cuộc trao đổi này là một trong những bước sơ khởi để đưa Nixon tới Bắc Kinh trong chuyến công du lịch sử năm 1972.
Bằng cách vượt qua "vạn lý trường thành" của lãnh tụ Mao Trạch Đông và đặt nền móng bình thường hóa quan hệ, Nixon đã thay đổi vĩnh viễn lịch sử thế giới theo cách đầy kịch tính, và giúp hạ nhiệt mối đe dọa đang nổi lên từ chương trình vũ khí hạt nhân của Trung Quốc.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Bloomberg, Tổng thống Donald Trump nhắc lại phát ngôn khi tranh cử rằng ông sẵn sàng gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un khi có điều kiện thích hợp. Động thái này gợi nhớ việc Nixon tiếp cận Trung Quốc và đưa tới câu hỏi:
Liệu cuộc gặp Trump-Kim có làm giảm các lo ngại hạt nhân đối với Bình Nhưỡng?
Theo tác giả Bennett Ramberg, cựu chuyên viên phân tích chính sách tại Cục sự vụ chính trị-quân sự trong chính quyền George H. W. Bush (Bush "cha"), để đạt mục tiêu xóa bỏ mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên còn phải tốn nhiều công sức, nhưng tiền lệ Trung Quốc có thấy hướng đi này là hợp lý.
Nhưng thành công sẽ đi kèm trả giá. Ông Trump sẽ phải theo sáng kiến táo bạo mà Tổng thống Lyndon Johnson khởi xướng, và được Richard Nixon thực hiện thành công. Cụ thể, Mỹ nên ngưng nỗ lực buộc Bình Nhưỡng phá bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân và hoạt động để bình thường hóa quan hệ với Triều Tiên trong vị thế một nước sở hữu vũ khí hạt nhân.
Câu hỏi như thế nào, và vì sao Mỹ dàn xếp được các thỏa thuận với Bắc Kinh do Mao Trạch Đông lãnh đạo cũng đem lại nhiều bài học cho bán đảo Triều Tiên thời hiện đại.
Ông Nixon (trái) nâng ly cùng Thủ tướng Chu Ân Lai, bất chấp sự ngăn cản từ các cố vấn thân cận, tại Bắc Kinh năm 1972 (Ảnh: AP)
Mỹ hóa giải mối đe dọa hạt nhân Trung Quốc như thế nào?
Giai đoạn Mỹ quan ngại nghiêm trọng về chương trình hạt nhân Trung Quốc bắt đầu từ khi chính quyền John Kennedy nhậm chức năm 1961.
Tổng thống Kennedy, cũng như ông Trump ngày nay, đối diện với một thế giới mà các vấn đề trải khắp từ Liên Xô, châu Âu, Cuba và nhiều nơi khác. Nhưng mối lo lớn nhất thời điểm đó chính là sự trỗi dậy của nước Trung Quốc sở hữu hạt nhân. Washington khi ấy cũng gọi Trung Quốc là đất nước "vô cảm, thù địch, hiếu chiến, kẻ thù về ý thức hệ".
Theo Walt Rostow, cố vấn chính sách đối ngoại chủ chốt của Kennedy, một nước Trung Quốc như thế sở hữu bom hạt nhân "gần như là sự kiện nghiêm trọng và tồi tệ nhất trong thập niên 1960". Nhưng đó là nước Trung Quốc mà Mỹ cuối cùng vẫn phải thỏa thuận cùng.
Tuy nhiên trước khi tiến đến sự kiện "cột mốc" đó, ưu tiên của Mỹ vẫn là ngăn chặn mối đe dọa hạt nhân Trung Quốc. Hội đồngTham mưu trưởng Liên quân đã đưa ra hàng loạt phương án cho chính phủ tham khảo, bao gồm gây sức ép ngoại giao, ủng hộ một cuộc tấn công quân sự vào Đại lục, hay thả vũ khí hạt nhân chiến thuật vào bãi thử hạt nhân của Bắc Kinh.
Khi Kennedy bị ám sát năm 1963, quyền quyết định có hành động quân sự hay không được trao cho Lyndon Johnson. Ngày 15/9/1964, các thành viên chủ chốt trong đội ngũ của tổng thống đã họp để đưa ra đề xuất: Sẽ không có tấn công quân sự để nhằm vào các vụ thử vũ khí của Trung Quốc.
Theo đó, trong các xung đột nổ ra với Bắc Kinh trong tương lai, "chúng ta sẽ hết sức quan tâm đến khả năng hành động quân sự thích hợp nhằm vào các cơ sở của Trung Quốc". Johnson đã ký thông qua báo cáo.
Năm 1969, chính quyền Nixon đã nhìn thấy cơ hội. Quan hệ đồng minh Trung-Xô rạn nứt nghiêm trọng khi căng thẳng ở biên giới hai nước kéo dài sang tháng thứ bảy, đến mức Moskva đe dọa tấn công hạt nhân Trung Quốc.
Henry Kissinger trình bày trong ghi chú gửi Nixon sau chuyến thăm Bắc Kinh năm 1971: "Tôi tin rằng họ (Trung Quốc) đang hết sức lo lắng về sự đe dọa của Liên Xô đối với toàn vẹn lãnh thổ... và coi chúng ta là lực lượng cân bằng để chống lại Liên Xô".
Đối với Nixon, mâu thuẫn Trung-Xô, tình trạng bất ổn do Cách mạng văn hóa gây ra ở Trung Quốc, và việc Bắc Kinh sẵn sàng đối thoại đã mở ra cơ hội để xoay chuyển cục diện chính trị quốc tế.
Tuyên bố chung Thượng Hải, một trong 3 tuyên bố chung quan trọng trong lịch sử hiện đại Mỹ-Trung, mà Nixon đàm phán với Bắc Kinh thành công, đã đặt nền móng để bình thường hóa quan hệ hai nước.
Các nhượng bộ mà Mỹ đưa ra khi Kissinger gặp gỡ Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai vào năm 1971 cho thấy Washington sẽ không áp đặt chương trình kiểm soát vũ khí hạt nhân lên Bắc Kinh, bởi bản thân việc bình thường hóa quan hệ đã là giải pháp thay thế hiệu quả.
Tác giả Ramberg chỉ ra, bằng cách đưa hai nước tiệm cận một quan hệ ngoại giao thông thường, lộ trình trên đã xóa bỏ áp lực từ đe dọa hạt nhân. Kết quả là ngày nay Trung Quốc hầu như không sử dụng chiêu bài đe dọa hạt nhân trong các cuộc đối thoại, đàm phán với Mỹ, bất chấp những mâu thuẫn, căng thẳng vẫn thường xuyên diễn ra.
Ông Nixon gặp lãnh tụ Trung Quốc Mao Trạch Đông tại Bắc Kinh trong chuyến công du năm 1972 (Ảnh: CORBIS/Getty Images)
Ông Trump có thể học Nixon?
Trong khi Nixon tận dụng được tình hình thế giới để "mở cửa" với Trung Quốc và loại bỏ lo ngại hạt nhân, ngày nay cũng có một số điều kiện thúc đẩy tiến tới thực hiện giải pháp tương tự ở bán đảo Triều Tiên.
Đầu tiên, Mỹ và đồng minh đã "cạn vốn" ở các phương án kiểm soát Bình Nhưỡng phát triển bom hạt nhân. Hàng loạt cơ chế đối thoại ngoại giao đi vào bế tắc như hiệp ước không phủ biến hạt nhân, thỏa thuận Hàn-Triều năm 1991 về phi hạt nhân hóa bán đảo, Khuôn khổ đồng thuận 1994 Mỹ-Triều, hay thỏa thuận tiêu hủy hạt nhân ở Đàm phán 6 bên năm 2005...
Thứ hai, mặc dù vẫn có nhiều kỳ vọng rằng các lệnh cấm vận sẽ buộc Triều Tiên từ bỏ phát triển vũ khí hạt nhân, song vô số nỗ lực của hội đồng an ninh đã thất bại, và chưa có cơ sở để tin rằng việc tiếp tục gây sức ép, kể cả lên Trung Quốc, sẽ làm thay đổi quyết tâm của Bình Nhưỡng.
Thứ ba là sự khuyết thiếu các lựa chọn khả thi để ngăn chặn các công ty phát triển hạt nhân của Triều Tiên. Mạo hiểm hành động quân sự có thể gây hậu quả là chiến tranh Triều Tiên tái bùng phát, gây ra cái chết cho hàng triệu người; nỗ lực đóng băng quy trình nghiên cứu-phát triển-chế tạo vũ khí hạt nhân thì bị Bình Nhưỡng phản đối.
Nỗ lực khôi phục chính sách Ánh Dương, tái khởi động đối thoại và phát triển quan hệ hai miền bán đảo, do chính quyền tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đưa ra cũng không đem lại viễn cảnh thực tế Triều Tiên giải giáp hơn những hành động trước đó.
Hàng loạt cố gắng thất bại đang để ngỏ phương án cuối cùng để giải quyết rủi ro hạt nhân bán đảo: Mỹ bình thường hóa quan hệ với Triều Tiên.
Bình Nhưỡng có thể nâng yêu sách
Triều Tiên đang tiến những bước quan trọng để trở thành một nước sở hữu vũ khí hạt nhân, cho phép Bình Nhưỡng yêu cầu đàm phán với Mỹ ở vị thế bình đẳng. Khả năng thành công nếu ông Trump muốn hòa dịu với Triều Tiên phụ thuộc vào một vài yếu tố: Thái độ của Bình Nhưỡng về bình thường hóa quan hệ, một số yêu cầu quá giới hạn đáp ứng có thể được nêu ra, thậm chí là "tống tiền bằng hạt nhân".
Ở thời điểm hiện tại, việc chấp nhận Triều Tiên có hạt nhân vẫn vấp phải thái độ phản đối như một phản ứng tự nhiên. Nhưng theo ông Ramberg, kinh nghiệm của Mỹ-Trung mang đến tín hiệu tích cực. Thế giới đang bước đến một "ngã rẽ" tương tự thập niên 1960 khi giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Trong tình huống tồi tệ nhất, phương án tiếp cận "theo hướng Nixon" của chính quyền Trump cũng không đẩy Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc vào tình thế tệ hơn hiện tại. Các nước vẫn hy vọng chính sách gây sức ép và cấm vận phát huy hiệu quả, và Bình Nhưỡng bị buộc từ bỏ chương trình hạt nhân, tên lửa.
Còn nếu thành công, bình thường hóa quan hệ Mỹ-Triều mang lại cơ hội rất lớn để loại bỏ rủi ro hạt nhân, thông qua hạ nhiệt căng thẳng bằng lộ trình ngoại giao.