Bằng một cách nào đó, loài rắn, đặc biệt là rắn độc, hấp dẫn những nghiên cứu và khám phá của con người chúng ta hơn bao giờ hết.
Dọc triền núi phía tây Ấn Độ, nơi được xem là ẩm ướt và chết chóc bậc nhất thế giới, có một loài sinh vật mà chỉ nghe đến tên thôi cũng gợi nên sự hủy diệt: Rắn hổ mang chúa (King Cobra).
Rắn hổ mang chúa - Chúa tể của các khu rừng rậm ở Ấn Độ, Đông Nam Á.
Hàng triệu năm đã qua, hổ mang chúa vẫn là loài "vua" thống trị các khu rừng nhiệt đới của Ấn Độ.
Trong hơn 3.000 loài rắn đang sinh sống trên Trái Đất, rắn hổ mang chúa là một trong những sinh vật sở hữu những đặc tính nổi bật nhất:
Điều đầu tiên phải kể đến là cái cổ có thể bành rộng mỗi khi tức giận hoặc gặp con mồi. Đôi mắt và cái đầu nhìn xoáy vào đối thủ khiến không ít kẻ phải dè chừng, ái ngại.
Thứ hai, chúng sở hữu thân mình dài (con lớn nhất được ghi nhận dài 7 mét) và tròn. Mặc dù có cân nặng có thể lên tới 30 kg nhưng rắn hổ mang chúa có thể di chuyển rất mau lẹ, linh hoạt.
Thứ ba, nọc độc chứa độc tố thần kinh có thể giết chết một con voi trưởng thành trong thời gian từ 20 đến 30 phút. Khủng khiếp hơn, chỉ một giọt độc sau 1 lần bơm từ nanh độc, 30 người trưởng thành có thể chết cùng một lúc nếu không được can thiệp y tế kịp thời.
Cái nhìn có thể "thôi miên" của rắn hổ mang chúa khiến kẻ thù phải e sợ.
Sau một nhát cắn, nọc độc tấn công hệ thần kinh và khiến nạn nhân chóng mặt, tê liệt và tử vong vì suy hô hấp.
Một đặc điểm khác biệt giữa rắn hổ mang chúa và các loài rắn khác trên thế giới là, loài rắn này được tôn sùng thành kính, đặc biệt là trong tín ngưỡng văn hóa Hindu giáo ở Ấn Độ.
Cuộc tử chiến "đau lòng" giữa 2 con rắn hổ mang chúa
Khi chạm đúng "mạch", hổ mang chúa sẽ rất giận giữ và hung hăng.
Trong thế giới tự nhiên đầy khắc nghiệt, sinh tồn vừa là bản năng vừa là cuộc chiến không hề dễ dàng mà bất kỳ sinh vật nào cũng phải trải qua. Rắn hổ mang cũng vậy.
Mặc dù được mệnh danh là "kẻ hủy diệt" đối với các loài rắn khác, nhưng vẫn có những cuộc tử chiến đồng loại khủng khiếp giữa những kẻ "được ăn cả, ngã về không" này.
Trong thước phim quý giá về loài động vật sống cực kỳ ẩn dật trong các cánh rừng rậm, các nhà quay phim Ấn Độ đã ghi được cuộc chiến giữa 2 con rắn hổ mang chúa.
Trong mùa sinh sản, một con rắn hổ mang đực to lớn xâm phạm vào lãnh phần của 1 cặp hổ mang. Hai con rắn đực lao vào đánh nhau, nhưng chúng "chơi đẹp" với một quy tắc bất thành văn: Không dùng nọc độc.
Cuộc chiến tuân thủ quy tắc bất thành văn "không dùng nọc độc" giữa 2 con rắn hổ mang đực. Ảnh cắt từ video của NvbDocFilms.
Đây là cuộc chiến giữa một kẻ thì tranh giao phối với con cái với một kẻ bảo vệ con cái trong lãnh phần của mình.
Con rắn đực chiến thắng sẽ là kẻ vươn thân mình cao hơn và ghì đối thủ xuống đất. Kết cục, con rắn đực "không mời mà đến" đã giành phần thắng (màu vàng). Hiển nhiên, nó bắt đầu tiến đến con cái, ve vãn và kế hoạch là giao phối với con cái.
Điều đáng nói ở đây là, con rắn cái đang mang bầu (màu đen).
Lòng đố kị, sự ganh ghét và bản tính hiếu thắng của loài "vua rắn" đã khiến con rắn đực không chấp nhận được việc con cái kia mang trong mình dòng máu của kẻ thù vừa bại chiến dưới "tay" nó.
"Cuộc yêu" biến thành cuộc tàn sát không khoan nhượng. Rắn đực đầy sức mạnh bản năng đã cắn cổ và tiêm nọc độc vào con cái.
Cuối cùng, rắn cái phải chịu một cái kết cay đắng. Nó chết mà không thể phản công. Chút sức lực oằn mình còn lại chỉ thể hiện nó đã ngấm nọc cực độc của rắn đực.
Con cái và ổ trứng trong bụng nó đã chết. Vì đang mang bầu nên thân hình nó dường như quá khổ so với cái miệng đã bành rộng của kẻ chiến thắng.
Về sau, sau khi cố nuốt mẹ con rắn cái vào bụng không được, rắn đực phải ợ rắn cái ra rồi bỏ đi. Chỉ còn xác rắn mẹ cô độc giữa rừng sâu.
Xem video:
Rắn đực thua trận bỏ đi, cuộc "tử chiến" đau lòng giữa 2 con rắn hổ mang chúa bắt đầu. Video: NatGeo Wild.