Cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa hai ứng cử viên đảng Dân chủ

Đặng Huyền |

Tối 15/3 (tức sáng 16/3 theo giờ Việt Nam), các ứng cử viên đảng Dân chủ tiến hành vòng tranh luận thứ 11 kéo dài 2 giờ, trong cuộc bầu cử sơ bộ nhằm chọn ra ứng cử viên duy nhất của đảng này tham dự cuộc đua vào Nhà Trắng sẽ diễn ra vào cuối năm nay.

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, đây cũng là cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên của hai ứng cử viên sáng giá nhất hiện nay của đảng Dân chủ, là cựu Phó Tổng thống Joe Biden và Thượng nghị sĩ bang Vermont Bernie Sanders.

Cuộc tranh luận được truyền hình trực tiếp từ trường quay của hãng tin CNN tại thủ đô Washington DC, thay vì được tổ chức tại thành phố Phoenix, bang Arizona như kế hoạch.

Trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 diễn ra đang hết sức phức tạp tại Mỹ và chính quyền Tổng thống Donald Trump đang chịu sức ép lớn do những chỉ trích từ đảng Dân chủ, giới chức y tế và người dân vì tốc độ tiến hành xét nghiệm cũng như những phản ứng không kịp thời đối với bệnh dịch, các cử tri Mỹ đặc biệt chú ý tới cuộc tranh luận này, bởi đây chính là cơ hội quan trọng để hai ứng cử viên đảng Dân chủ đưa ra quan điểm, tầm nhìn cũng như cách thức lãnh đạo đất nước đối phó với dịch bệnh và vượt qua giai đoạn khó khăn.

Đối với ứng cử viên Sanders, người từng đưa ra những khuyến nghị, trong đó bao gồm cả việc chính phủ cung cấp điều trị miễn phí và mở rộng các sáng kiến cho người nghèo, đây là thời điểm để ông tiếp tục thúc đẩy kế hoạch tranh cử trọng tâm của mình - “Medicare for all” (chương trình bảo hiểm sức khỏe cho tất cả người dân) để thu hút sự ủng hộ của cử tri với hy vọng cải thiện được kết quả bầu cử trong cuộc bầu cử ngày 17/3 sau kết quả đáng thất vọng trong ngày bầu cử “Siêu thứ Ba” vừa qua.

Trong khi đó, cựu Phó Tổng thống Biden với kế hoạch riêng được kỳ vọng sẽ thể hiện là vị tổng thống tương lai của Mỹ dày dạn kinh nghiệm và vững vàng để dẫn dắt đất nước vượt qua được những khó khăn, như dịch COVID-19 hay vấn đề căng thẳng với Iran.

Trên CNN, cựu Phó Tổng thống Biden khẳng định rằng không một tổng thống nào có thể đảm bảo ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh trong tương lai, nhưng ông cam kết sẽ chuẩn bị tốt hơn, phản ứng tốt hơn và giúp đất nước phục hồi tốt hơn nếu ông được bầu làm tổng thống.

Ông Biden cũng đưa ra kế hoạch như sẽ làm việc với các nhà khoa học, lắng nghe các chuyên gia và lưu ý các lời khuyên, tạo dựng lại sự lãnh đạo của Mỹ và tập hợp thế giới để đối phó các mối đe dọa toàn cầu. Cựu Phó Tổng thống cho rằng cần áp dụng một loạt các biện pháp, bao gồm việc cung cấp xét nghiệm miễn phí cho người dân và Nhà Trắng cần phải đưa ra con số hằng ngày về số ca yêu cầu xét nghiệm, số ca đã xét nghiệm và số người có xét nghiệm dương tính. Theo ông, cần tăng cường khả năng ngăn ngừa và điều trị bằng cách chuẩn bị sẵn sàng các bệnh viện cho số lượng bệnh nhân lớn.

Sau cuộc tranh luận này, các ứng cử viên đảng Dân chủ sẽ bước vào cuộc bầu cử ngày 17/3, còn được coi là ngày bầu cử “Siêu thứ Ba” thứ ba trong tiến trình bầu cử. Theo đó, 4 bang của Mỹ, gồm Arizona, Florida, Illinois và Ohio sẽ tiến hành bầu cử theo hình thức bỏ phiếu.

Theo kết quả một số cuộc thăm dò gần đây, cựu Phó Tổng thống Biden đang dẫn trước đối thủ Sanders ở hầu hết các bang trên, chỉ trừ bang Illinois.

Để chuẩn bị cho cuộc bầu cử tại 4 bang trên, ông Biden lần đầu tiên đã chi nhiều tiền hơn ông Sanders cho quảng cáo chiến dịch tranh cử trên nền tảng của Facebook với 247.000 USD, tăng gần gấp đôi so với con số hơn 134.000 USD mà ông Sanders bỏ ra. Đặc biệt tại Florida, một bang quan trọng với 219 đại biểu, ông Biden đang chi gần gấp 3 so với đối thủ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại