Cuộc tranh cãi tỷ giá đồng Nhân dân tệ

Kông Anh |

Đồng nhân dân tệ (NDT) đã giảm giá xuống mức thấp nhất, giảm 9% so với đồng đô la Mỹ trong 6 tháng gần đây. Các tranh cãi giữa Mỹ và Trung Quốc lập tức diễn ra, thậm chí là đã có những lo ngại chiến tranh thương mại có thể trở thành cuộc chiến tiền tệ.

Cuối tuần qua, tỷ giá giữa đồng NDT so với đồng đô la Mỹ đã có lúc rơi xuống mức 6,9098 NDT đổi 1 USD, tiếp tục giảm 0,23% so với phiên giao dịch đầu tuần. Trong vòng 6 tháng qua, tỷ giá NDT so với USD vẫn ở mức 6,3 NDT đổi 1 USD.

Đến tháng 8 vừa qua, một kỷ lục đã bị phá vỡ đó là con số 6,93 NDT đổi 1 USD - mức thấp nhất kể từ tháng 1 năm 2017. Trên thực tế, đồng NDT đã giảm 10% so với đồng USD kể từ đầu năm 2018.

Trước những diễn biến trên, các bên liên quan đã có những phản ứng khác nhau về sự giảm giá của đồng NDT. Theo đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cảnh báo trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang giữa hai nước, Trung Quốc không nên có động thái phá giá đồng nội tệ để cạnh tranh.

Tuy nhiên, trong tuyên bố của mình, Chính phủ Trung Quốc khẳng định, nước này không giảm giá đồng nội tệ để cạnh tranh.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết, Bắc Kinh không có ý định thúc đẩy xuất khẩu thông qua việc làm suy yếu tính cạnh tranh của đồng NDT và sẽ không sử dụng tỷ giá đồng NDT như một công cụ để đối phó với tranh chấp thương mại hoặc các tranh chấp khác, khẳng định rằng những lo ngại bên ngoài là vô căn cứ.

Trong khi đó, phát biểu tại một cuộc họp báo tại Bali, Indonesia, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - Christine Lagarde cảnh báo về hậu quả của một cuộc chiến tranh thương mại hay tiền tệ nếu xảy ra.

Theo bà Christine Lagarde, tất cả đều hy vọng rằng chúng ta không lao vào một cuộc chiến tranh thương mại hay chiến tranh tiền tệ, viễn cảnh xung đột không chỉ gây bất lợi cho cả Trung Quốc và Mỹ mà còn tất cả các bên liên quan.

Theo các chuyên gia về tài chính, ngưỡng tâm lý đối với thị trường là con số 7 NDT đổi 1 USD, nếu vượt quá ngưỡng này thì sẽ là mức thấp nhất kể từ thời điểm Trung Quốc áp dụng tỷ giá hối đoái mới vào năm 2005. T

ừ tháng 8-2017 đến nay, Trung Quốc đã cố gắng duy trì ở mức dưới 6,7 NDT đổi 1 USD và đây được xem là ngưỡng kháng cự bởi với mức 7 NDT trở xuống đổi 1 USD thì quan hệ thương mại Trung Quốc với các đối tác, nhất là với Mỹ ở mức ổn định.

Trường hợp tỷ giá cao quá hay thấp quá so với mức này sẽ không có lợi. Vì vậy, Bắc Kinh cố gắng duy trì ở ngưỡng kháng cự này để đảm bảo sự ổn định nền kinh tế nước này.

Sự thay đổi tỷ giá đồng NDT chắc chắn sẽ có tác động, ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế khu vực và thế giới khi mà Trung Quốc chiếm đến 15% kinh tế toàn cầu và từ năm 2016 đồng NDT gia nhập giỏ tiền tệ quốc tế của IMF.

Giỏ tiền tệ quốc tế này được gọi là quyền rút vốn đặc biệt SDR, chỉ có 5 đồng tiền được công nhận là USD, bảng Anh, tên Nhật, Euro và NDT, trong đó tỷ trọng đồng NDT ở vị trí thứ 3 sau USD và bảng Anh.

Cuộc tranh cãi bất tận giữa Mỹ và Trung Quốc về tỷ giá đồng USD và đồng NDT bắt đầu khi Bắc Kinh mở cửa nền kinh tế. Trong khoảng thời gian 1970-1980, Trung Quốc giữ giá đồng nội tệ ở mức thấp để thúc đẩy khả năng cạnh tranh xuất khẩu trước các đối thủ của châu Á.

Đồng thời, tính ổn định cũng là một trong những nguyên nhân khiến Bắc Kinh kiểm soát đồng NDT. Tuy nhiên, điều này đã khiến Mỹ lên tiếng cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ.

Mỗi khi đồng NDT giảm giá lại có cảnh báo của Mỹ về việc coi Trung Quốc là nước phá giá tiền tệ. Năm nào Bộ Tài chính Mỹ cũng đưa vấn đề này ra rà soát. Theo dự kiến, tuần này Mỹ sẽ công bố báo cáo “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ”.

Theo báo cáo hồi tháng 4, Mỹ kết luận không một đối tác thương mại lớn nào của Mỹ thao túng tiền tệ để đạt được lợi thế trong giao thương với Mỹ.

Để xếp 1 đối tác vào danh sách thao túng tiền tệ, đối tác đó phải phạm vào 3 tiêu chí của Đạo luật Thương mại và Tạo thuận lợi cho thương mại năm 2015, đó là thặng dư thương mại với Mỹ vượt quá 20 tỷ USD; liên tiếp can thiệp vào thị trường ngoại hối và thặng dư tài khoản vãng lai lớn hơn hoặc bằng 3% GDP.

Trung Quốc chỉ phạm vào 1 tiêu chí khi thặng dư thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ năm 2017 là 375 tỷ USD, song, lý do được giải thích là Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ nhiều hơn. Do đó, Trung Quốc không bị coi là thao túng tiền tệ.

Về phía Trung Quốc, nước này đã khẳng định quan điểm rõ ràng về việc không phá giá đồng NDT bởi việc phá giá đồng tiền sẽ có cả mặt lợi và mặt hại. Thủ tướng Trung Quốc cho rằng, phá giá đồng tiền một chiều sẽ gây hại nhiều hơn là lợi, vì thế Bắc Kinh sẽ không làm điều này.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Trung Quốc cho biết, biến động tỷ giá đồng NDT chủ yếu do bên ngoài tác động, do quan hệ kinh tế song phương tác động và Ngân hàng Trung Quốc muốn có một đồng NDT để tăng cường kinh tế của mình.

Thế nhưng, Trung Quốc cũng không muốn lặp lại sai lầm như đã từng diễn ra vào năm 2015, khi đồng tiền mất giá, người dân đồng loạt rút vốn, dẫn đến thoái vốn nhanh chóng, ảnh hưởng đến thị trường tài chính, đầu tư.

Một số phân tích cho rằng, Trung Quốc khó có thể phá giá đồng NDT vì việc sử dụng công cụ này trong đàm phán được xem là lợi bất cập hại. Bên cạnh đó, việc đồng NDT mất giá thì gánh nặng về nợ đối với Trung Quốc sẽ tăng lên nhiều. Do đó, Trung Quôc sẽ rất thận trọng trong việc thực hiện chính sách tiền tệ.

Đối với Việt Nam, tỷ giá NDT thay đổi sẽ có tác động nhất định đến nền kinh tế. Khi tỷ giá thay đổi, hàng hóa Trung Quốc sẽ rẻ hơn, tràn nhiều hơn vào thị trường nội địa, nhất là trong bối cảnh hiện nay Việt Nam đang thâm hụt thương mại với Trung Quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại