Cuộc thư hùng quyền lực

Ngải Sa |

Phán quyết của Tòa án Tối cao Pakistan ngày 11-5 - coi việc bắt giữ cựu Thủ tướng Imran Khan là bất hợp pháp - được gắn với yêu cầu ông kêu gọi người ủng hộ mình chấm dứt mọi hành động biểu tình bạo lực khiến đất nước này rung chuyển những ngày qua.

Một ngày sau đó, Tòa án Cấp cao Islamabad cho phép ông Khan được tại ngoại trong 2 tuần. Đấy là những diễn biến mới nhất trong cuộc thư hùng quyền lực giữa ba bên hiện tại ở Pakistan, gồm: chính phủ được giới quân sự hậu thuẫn, phía tư pháp và lực lượng ủng hộ ông Khan.

Từ một ngôi sao thể thao môn cricket, ông Khan trở thành thủ tướng Pakistan vào năm 2018 thông qua bầu cử dân chủ nhưng bị quốc hội phế truất bằng bỏ phiếu bất tín nhiệm năm 2022. Ông bị các tòa án truy cứu trong gần 140 vụ việc với những cáo buộc từ tham nhũng đến khủng bố. Chính phủ, quân đội và phía tư pháp có cùng chủ ý là ngăn cản ông Khan trở lại cầm quyền.

Sự ủng hộ mạnh mẽ của đông đảo người dân với ông Khan, đặc biệt là của giới trẻ và mức độ bạo lực của hành động phản đối đã buộc Tòa án Tối cao Pakistan phải ra tay để giảm xung khắc và xoa dịu tình hình.

Động thái này còn nhằm ngăn chặn nguy cơ làn sóng biểu tình phản đối lan rộng và leo thang, từ đó trở thành chính biến chính trị, xã hội và an ninh thực sự chứ không chỉ là cuộc khủng hoảng chính trị, an ninh, xã hội và tư pháp thuần túy như hiện nay.

Cuộc thư hùng quyền lực - Ảnh 1.

Cựu Thủ tướng Imran Khan xuất hiện tại Tòa án Cấp cao Islamabad ở thủ đô Islamabad - Pakistan ngày 12-5 Ảnh: REUTERS

Biểu tình phản đối việc "truy sát tư pháp" ông Khan chỉ là biểu hiện bên ngoài của cơn sóng ngầm bên trong đất nước này.

Bên ngoài sôi sục như thế bởi thực chất bên trong là những mâu thuẫn và đối kháng giữa giới thống trị đã trở thành cố hữu ở đất nước này - gồm giới quân sự, phe tư pháp và các dòng tộc chính trị thay phiên nhau cầm quyền - với giới trẻ và người dân nghèo.

Giới quân sự vẫn là nhân tố có quyền lực quyết định nhất ở Pakistan. Phía tư pháp luôn có mặt trong cuộc đua tranh quyền lực nhà nước. Phe cánh chính trị nào lên cầm quyền cũng đều chỉ coi trọng hàng đầu việc duy trì quyền lực.

Cuộc thư hùng quyền lực - Ảnh 2.

Pakistan chìm sâu vào khủng hoảng chính trị, kinh tế


Ông Khan được đông đảo dân chúng và giới trẻ hậu thuẫn mạnh mẽ, trở thành thách thức thật sự đối với tầng lớp thống trị Pakistan lâu nay vì chủ trương và quyết tâm hạ bệ quyền lực của tầng lớp ấy.

"Cuộc đấu" này hiện không cân sức theo hướng bất lợi cho ông Khan và những người ủng hộ. Phán quyết mới đây của Tòa án Tối cao Pakistan hoàn toàn không có nghĩa là tòa án này ngả hẳn sang phía ông.

Tòa này mới chỉ "rút củi đáy nồi" để làn sóng biểu tình phản đối không tiếp tục lan rộng, không thêm bạo lực và cực đoan hóa. Chỉ như thế thì cuộc khủng hoảng hiện tại không trở nên nghiêm trọng đến mức giới quân sự phải rời doanh trại để lại nhảy vào chính trường.

Đối với những bên đang nắm quyền ở Pakistan, việc giới quân sự chỉ ở phía sau buông mành nhiếp chính sẽ có lợi hơn và an toàn hơn rất nhiều.

Nhưng sôi sục ngầm trong xã hội và trên chính trường chưa chấm dứt thì bạo loạn và bạo lực vẫn có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Điềm bất lành cho Pakistan là trong tương lai luôn có thể lại xảy ra những gì đang diễn ra.

Nếu cứ để sôi sục bên ngoài và sóng ngầm bên trong thì đất nước sẽ khó thể bảo đảm được ổn định chính trị và an ninh xã hội - càng phải bận rộn với chính mình, càng thêm khó xử về đối ngoại và khó có thể giải quyết được mọi vấn đề cấp thiết về phát triển kinh tế - xã hội.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại