Cuộc sống tuổi xế chiều của nam NSƯT nổi tiếng từng làm bốc vác, thợ hàn, thợ tiện

Tám Tám (tổng hợp) |

Cuộc sống về hưu của NSƯT Quốc Trọng khá bình yên và thú vị. Ông đón nhận mọi thứ một cách tự nhiên và không để mình buồn chán hay cô đơn khi quỹ thời gian quá nhiều.

Bén duyên nghệ thuật bằng lời thách thức

NSƯT Quốc Trọng sinh năm 1958 tại Hà Nội. Học xong phổ thông, Quốc Trọng xin đi học nghề thợ gầm ô tô ở xí nghiệp của mẹ và kiếm những đồng tiền đầu tiên từ nghề sửa chữa ô tô.

Một buổi chiều nọ, khi cùng đám bạn cao to đẹp trai ngồi "chém gió", thấy mấy đứa bàn nhau nộp đơn thi làm diễn viên, Quốc Trọng cũng góp vui vài câu. Ai ngờ, lũ bạn cười phá lên: "Mày quan tâm làm gì, mèo hen như mày thì người ta loại từ vòng gửi xe".

Thế là Quốc Trọng quyết tâm đi thi. Cuối cùng trong phố có 6 người thi thì mình Quốc Trọng đỗ. Đến giờ gặp lại, lũ bạn ngày nào vẫn không hiểu vì sao ngày đó, cái thằng còm nhom 47 kg và xấu trai nhất hội lại được làm diễn viên.

Cuộc sống tuổi xế chiều của nam NSƯT nổi tiếng từng làm bốc vác, thợ hàn, thợ tiện- Ảnh 1.

NSƯT Quốc Trọng.

Quốc Trọng thuộc lớp diễn viên điện ảnh khóa II trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Sau khi ra trường, Quốc Trọng về làm diễn viên ở Hãng phim truyện Việt Nam. Quốc Trọng diễn hài cũng được, nghiêm túc cũng "ngon", từ diễn viên lại nhảy sang làm đạo diễn.

Tài năng là thế nhưng thuở mới vào nghề, Quốc Trọng cũng đi qua muôn vàn khó khăn. Ngày đi đóng phim, đêm đi làm thêm đủ nghề, từ thợ tiện đến thợ hàn, bốc vác...

Nhưng chính những năm tháng ấy là chất liệu sống tuyệt vời để ông đưa vào phim ảnh một cách chân thực và chính xác nhất dù ở bất kỳ vai trò hay vị trí nào.

Nhắc tới NSƯT Quốc Trọng không thể không nhắc tới vai diễn để đời "Xuân tóc đỏ" của ông trong phim Số đỏ (1990). Vai diễn này đã làm nên tên tuổi của Quốc Trọng dù cát xê chỉ 600.000 đồng, tương đương 2 chỉ vàng thời ấy.

Vai diễn này của ông ghi dấu ấn với cả làng điện ảnh đến mức, đi đâu người ta cũng gọi ông là "anh Xuân". Đến nỗi, ra ngõ mua thịt cũng được cô bán thịt chọn cho miếng ngon, hay ra hàng gạo thì được mua gạo chuẩn, không bị… trộn gạo mốc.

Cuộc sống tuổi xế chiều của nam NSƯT nổi tiếng từng làm bốc vác, thợ hàn, thợ tiện- Ảnh 2.

NSƯT Quốc Trọng trên màn ảnh.

Có lẽ vì vai diễn này quá nổi tiếng nên phần nào làm lu mờ đi nhiều vai diễn ấn tượng trong sự nghiệp của ông.

Trong đó phải kể tới những tác phẩm như: Câu chuyện làng Dừa, Thị xã trong tầm tay, Tội và tình, Giông tố, Lời nguyền của dòng sông, Người hùng râu quặp, Một lần đi bụi, Bí thư tỉnh ủy, Người phán xử, Cây táo nở hoa, Biệt dược đen, Người một nhà…

Không chỉ được biết đến với vai trò diễn viên, NSƯT Quốc Trọng còn nổi tiếng trong vai trò đạo diễn qua nhiều bộ phim nổi tiếng: Mùa lá rụng, Đường đời, Hương đất, Bão qua làng, Chủ tịch tỉnh, Hai phía chân trời, Gia phả của đất, Những người nhiều chuyện, Cái tết của lão Bồng…

Nhiều phim trong số đó được vinh danh tại các giải thưởng uy tín như: HCV Liên hoan truyền hình toàn quốc 1997, 1999 cho phim Tiếng vạc sành, Bao giờ thuyền lại sang sông; HCV Liên hoan truyền hình toàn quốc các năm 2004, 2005, 2006 cho phim Đường đời, Hương đất Một lần đi bụi, Cánh diều vàng 2006 và 2010 cho phim Một lần đi bụi, Bí thư tỉnh ủy.

Tuổi xế chiều không buồn chán

Đó là Quốc Trọng khi ở trên phim trường hay trên màn ảnh nhỏ còn Quốc Trọng ngoài đời là một người rất tếu táo, thích vui vẻ với bạn bè và sinh hoạt cũng tùy hứng.

Cuộc sống tuổi xế chiều của nam NSƯT nổi tiếng từng làm bốc vác, thợ hàn, thợ tiện- Ảnh 3.

Cuộc sống tuổi xế chiều của nam NSƯT nổi tiếng từng làm bốc vác, thợ hàn, thợ tiện- Ảnh 4.

Câu cá là một trong những thú vui tuổi già của nam NSƯT.

Lúc chưa về hưu, ông dành hết quỹ thời gian cho phim ảnh, ít nghỉ ngơi nên đến tuổi xế chiều, ông dành quỹ thời gian đó cho đam mê đọc của mình cũng như thời gian chơi với con cháu, thú chơi chim cảnh, cây cảnh, câu cá…

Đang được thỏa sức cống hiến, bỗng dưng một ngày về nghỉ hưu dù sức khỏe và cả tâm huyết đều sục sôi có lẽ nhiều người sẽ stress nhưng NSƯT Quốc Trọng thì không.

Cuộc sống về hưu của NSƯT Quốc Trọng khá bình yên và thú vị. Ông đón nhận mọi thứ một cách tự nhiên và không để mình buồn chán hay cô đơn khi quỹ thời gian quá nhiều.

Ông vẫn luôn nghiên cứu, tìm hiểu, chuẩn bị kịch bản để khi có điều kiện phù hợp thì lại bắt tay vào công việc đạo diễn. Bởi nghề này tuổi hưu chỉ là trên sổ sách, giấy tờ mà thôi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại