Cuộc sống quá khó khăn, nhiều người Trung Quốc không còn muốn mua nhà, ô tô

Trung Mến |

Thay vào đó, họ dành tiền để tận hưởng cuộc sống, đi du lịch nước ngoài hoặc mua sắm những món đồ mà họ thích.

Thu nhập của gia đình anh Li Qiang đã tăng 70% trong 5 năm qua, thế nhưng cuộc sống cũng không hề dễ dàng hơn.

Theo Nikkei, người đàn ông 36 tuổi đang làm doanh nghiệp, chủ một gia đình có một vợ và đứa con một tuổi chia sẻ rằng áp lực kinh tế đang ngày một lớn hơn.

Nhiều người Trung Quốc cũng cùng chung tâm lý này, điều đó giúp lý giải việc tại sao tiêu dùng Trung Quốc đang chững lại sau nhiều năm tăng trưởng nhanh nhờ các biện pháp hỗ trợ từ chính phủ.

Thế nhưng ngay cả khi tâm lý bi quan ngày một lớn hơn, kết quả các cuộc điều tra gần đây cho thấy rằng còn quá nhiều rủi ro. Thị trường tiêu dùng Trung Quốc cũng phức tạp như chính đất nước này, dù vậy, Trung Quốc vẫn là một miền đất của cơ hội nếu bạn biết phải nhìn vào đúng chỗ.

Gia đình anh Li đang cố gắng tiết kiệm từng đồng trong thu nhập hàng tháng ước khoảng 12 nghìn nhân dân tệ, tức khoảng 1.780USD cho cuộc sống hàng ngày. Họ mua quần áo giá rẻ và tránh ăn hiệu.

Nhiều chi phí khác đang tăng lên. Mỗi tháng anh Li phải trả nợ mua nhà khoảng 2.500 nhân dân tệ, việc này sẽ kéo dài trong 30 năm. Anh và vợ mình tiêu tốn mỗi tháng cho chi phí y tế, nuôi con và chăm sóc con. Mỗi tháng, anh cũng phải chi trả 700 nhân dân tệ điều trị bệnh tim cho cha mình.

Và ngay từ hiện tại, anh lo lắng về sức ép chi trả cho việc học của con – nỗi sợ nầy có thể khiến gia đình anh chẳng dám đổi tủ lạnh mới.

Những người tiêu dùng như anh Li có nhiều mối lo khác xa hơn, ví như việc căng thẳng thương mại với Mỹ bắt đầu gây sức ép lên kinh tế thực của Trung Quốc. Chuyên gia kinh tế vĩ mô tại công ty chứng khoán NorthEast, ông Shen Xinfeng, nhận định tăng trưởng tiêu dùng đã chững lại do những lo lắng về triển vọng kinh tế toàn cầu và nợ gia đình tăng dần.

Thế nhưng còn lý do khác khiến cho thị trường bán lẻ Trung Quốc vốn tăng trưởng 2 con số nay chỉ còn tăng trưởng 1 con số (9% trong năm 2018), đó chính là việc thị trường đã bắt đầu bão hòa, đặc biệt tại nhóm thành phố như Đại Liên, Thượng Hải và Quảng Châu vốn đóng góp rất nhiều vào tăng trưởng kinh tế Trung Quốc.

Phần lớn các hộ gia đình tại khu vực thành phố giờ đã có thiết bị gia dụng căn bản như vô tuyến hay tủ lạnh, chính vì vậy, doanh số bán những sản phẩm này khó tăng cao hơn được nữa.

Doanh số bán điện thoại thông minh và xe ô tô mới cũng giảm đi trong năm ngoái. Trong quý cuối cùng của năm 2018, doanh số bán điện thoại thông minh và ô tô mới cũng giảm, mức giảm ghi nhận đến hơn 10%.

Cũng theo ông Shen, nhiều hộ gia đình Trung Quốc đã mua chiếc xe ô tô đầu tiên nhiều khả năng sẽ không tiếp tục mua thêm ô tô trong bối cảnh kinh tế đi xuống.

Khi mà tâm lý ngày một bi quan hơn, những người tiêu dùng từng đua nhau sử dụng hàng hóa của các thương hiệu lớn và sản phẩm đắt tiền đang ngày một lo lắng hơn. Nhiều người thậm chí còn không muốn giữ mãi quan điểm về cuộc sống đủ đầy bao gồm phải có nhà và ô tô.

Một chuyên viên đầu tư 31 tuổi tại Bắc Kinh cho biết anh đã từ bỏ mong muốn mua nhà bởi không muốn trở thành nô lệ của nhà cửa, từ này dùng để chỉ những người phải bám lấy công việc mà họ không thích bởi họ phải trả tiền mua nhà hàng tháng.

Cô Sun và chồng mình phải dành mỗi tháng khoản tiền không nhỏ cho tiền mua căn hộ tại Bắc Kinh, họ sẽ phải chi trả khoản tiền đó trong suốt quãng thời gian đi làm của mình. Riêng với ô tô, Sun tin rằng việc mua ô tô tại Bắc Kinh thật ngớ ngẩn bởi xét đến hệ thống tàu điện ngầm vô cùng phát triển và tắc đường thường trực.

Cô Sun không chỉ tiết kiệm tiền mua ô tô, cô sử dụng dịch vụ chia sẻ xe đạp để đi lại, cô mua hàng nội thất đã qua sử dụng. Nhờ vậy cô có tiền chi tiêu cho loại rượu mà mình thích, đi du lịch Philippines và Indonesia.

Và những người trẻ như cô Sun chi tiêu khác hoàn toàn với cha mẹ mình, họ giảm mua sắm tại các trung tâm thương mại và cửa hàng, họ mua hàng trực tuyến nhiều hơn. Thị trường thương mại điện tử tiếp tục tăng trưởng ở tốc độ hàng năm trên 20%.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại