Ấn Độ xem trọng công nghệ Hyperloop
Ngày càng có nhiều quốc gia quan tâm đến công nghệ giao thông tốc độ cao Hyperloop do nhà tỷ phú Mỹ Elon Musk đề xuất. Riêng Ấn Độ xem hệ thống Hyperloop như dự án cơ sở hạ tầng công cộng.
Đây là một quyết định táo bạo, có thể đẩy nhanh phát triển giao thông tương lai ở đất nước này.
Cơ quan Phát triển vùng đô thị Pune của Ấn Độ bắt đầu nhận đề xuất từ các công ty muốn đầu tư xây dựng hệ thống Hyperloop. Cơ sở hạ tầng giữa Mumbai và Pune sẽ có khả năng phục vụ 200 triệu hành khách/năm.
Hiện tại, thời gian di chuyển bằng ô tô giữa 2 thành phố này lên đến 3 giờ. Trong tương lai, tàu siêu tốc Hyperloop vượt khoảng cách này chỉ trong 35 phút. Giai đoạn đầu tiên của dự án Hyperloop Ấn Độ - xây dựng đoạn đường dài 11,8 km – sẽ khởi động từ năm 2020.
Greenland: 11 tỷ tấn băng tan chảy trong 1 ngày
Sau nhiều tháng nóng nực, lượng băng tan chảy tại Greenland ngày càng nhiều. Chỉ trong ngày 1/8 vừa qua, các nhà khoa học ghi nhận 11 tỷ tấn băng bị tan chảy và trượt xuống biển.
Riêng trong tháng Bảy, lớp băng bao phủ Greenland bị sụt giảm 197 tỷ tấn. Sông băng bao phủ 80% diện tích bề mặt Greenland. Nếu tất cả số băng này bị tan chảy thì mực nước trong các đại dương dâng cao thêm 7 mét.
Tuần lộc chết đói vì biến đổi khí hậu
Các nhà khoa học ở Viện Địa cực Na Uy phát hiện hơn 200 con tuần lộc chết đói trên đảo Svalbard. Nguyên nhân tuần lộc chết đói là do biến đổi khí hậu.
Hằng năm, các nhà khoa học ở Viện Địa cực Na Uy đều nghiên cứu số lượng tuần lộc trên đảo Svalbard (nằm giữa Na Uy và Bắc cực). Kết quả quan sát trong 10 tháng gần đây cho thấy số lượng tuần lộc sụt giảm. Tuần lộc gầy guộc; hàng trăm con có dấu hiệu đói ăn.
Biến đổi khí hậu làm nhiệt độ trung bình ở Svalbard gia tăng, kéo theo nhiều trận mưa lớn. Những cơn mưa lớn vào mùa đông là nguyên nhân hình thành những lớp băng dày trên mặt đất, khiến tuần lộc gặp khó khăn khi tìm kiếm thức ăn (cỏ). Cực chẳng đã, tuần lộc phải đào bới tuyết dọc bờ biển để tìm ăn rong rêu là thứ thức ăn ít dinh dưỡng đối với chúng.