Chuyện tình lệch tuổi ồn ào mạng xã hội
Hơn một năm về trước, cộng đồng mạng xôn xao trước tờ đăng ký kết hôn và bộ ảnh cưới của chị Hoàng Thị Án (SN 1978) cùng chồng là anh Nguyễn Hữu Hoàn (SN 1999). Nhiều người dành lời khen cho cặp đôi đã dũng cảm vượt qua rào cản chênh lệch tuổi tác. Nhưng cũng không ít người chê bai, mỉa mai họ. Sau một năm chung sống, cô dâu và chú rể chịu áp lực bởi cơm áo gạo tiền. Cuộc sống không ngọt ngào, “ngôn tình” như những bức ảnh đăng trên mạng xã hội.
Cặp đôi đũa lệch chênh nhau 22 tuổi sau hơn một năm kết hôn.
Tìm đến nhà căn nhà mà cặp đôi sinh sống, tôi không khỏi bất ngờ. Căn nhà thuộc thôn Đại Từ, xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Con đường dẫn vào quanh co, dọc hai bên cỏ dại che kín lối, đồ phế thải chất lên cao ngút. Ngôi nhà đứng liêu xiêu, tăm tối cuối con ngõ. Phải thuyết phục mẹ anh Hoàn nhiều lần, tôi mới có thể vào bên trong.
Lối dẫn vào nhà ngổn ngang đồ phế thải.
Theo lời kể của anh Hoàn, trước kia gia đình sống trong căn nhà lụp xụp. Mỗi mùa mưa đến, nước dột tứ tung. Vài năm gần đây, chính quyền xã xây tặng nhà tình nghĩa. Ngôi nhà mới nằm lọt thỏm giữa cây cối rậm rạp. Phía ngoài sân vườn, các thùng, chai nhựa vứt ngổn ngang. Cỏ mọc lổn nhổn, đã lâu không có người dọn dẹp, quét tước. Những cành cây mục nát nằm rải rác khắp sân. Trời nhá nhem, khung cảnh càng trở nên ảm đạm...
Căn nhà lụp xụp chỉ có duy nhất một bóng điện thắp sáng.
Ngoài sân vườn ngổn ngang cành cây khô, thùng nhựa, chai nhựa.
Anh Nguyễn Hữu Hoàn chia sẻ với PV Đời sống & Pháp luật : “Từ nhỏ, tôi sống với mẹ và ông ngoại già yếu. Gia đình thiếu vắng người đàn ông trụ cột. Cuộc sống quanh năm “thiếu trước hụt sau”. Mẹ tôi rất vất vả, bà phải làm nhiều công việc mới có tiền trang trải cuộc sống sinh hoạt”.
Gia đình không có gì giá trị ngoài chiếc tủ lạnh cũ.
Đồ đạc trong nhà bừa bộn, cáu bẩn vì không ai lau chùi.
Nhà chẳng có gì giá trị ngoài chiếc tủ lạnh cũ kỹ. Dù nghèo khổ tới đâu, người ta cũng cố gắng bày biện bàn thờ cho gọn gàng, sạch sẽ. Nhưng bàn thờ ở đây tắt hương từ lâu, hoa trong lọ héo úa. Ngôi nhà lạnh lẽo đến rùng mình. Đồ vật tuềnh toàng, bừa bộn. Chiếc quạt cũ cáu bẩn chậm chạp quay, chẳng đủ đuổi muỗi. Bàn ghế, mâm bát, rổ rá đen sì, không được lau chùi thường xuyên...
Chị Án đang cố chắt nốt ít nước trong chiếc bình.
Ngôi nhà có độc nhất một bóng đèn thắp sáng. Ánh đèn le lói không đủ sức soi chiếu gian nhà bên và ngoài sân vườn.
Bà Hường (mẹ anh Hoàn) mang theo bên mình chiếc đèn pin. Vừa soi đèn vo gạo, bà vừa trầm ngâm kể: “Nhà tôi được sáu anh chị em, tôi là con áp út. Hiện tại, tôi đang nuôi cha già 86 tuổi. Ông cụ tuổi cao sức yếu, lẫn rồi nên không nhận ra ai nữa”.
Cho thêm trấu vào bếp, khói mờ lan tỏa khắp không trung. Thoáng thấy bà Hường lau nhanh giọt nước mắt, không biết do khói bếp cay hay do bà đang xót xa cho hoàn cảnh các con mình?
Bàn thờ nhà bà Hường đã tắt hương từ lâu, hoa trong lọ héo úa.
Nhặt sắt vụn kiếm sống qua ngày
Tưởng như chuyện của anh cu Tràng nhà nghèo, bỗng dưng nhặt được vợ giữa nạn đói chỉ có trong trang văn của nhà văn Kim Lân. Nhưng câu chuyện này được tái hiện tại ngôi làng nhỏ tại mảnh đất Hưng Yên.
Do gia cảnh khốn khó, anh Hoàn tới Hải Phòng làm nghề bốc vác. Sau giờ làm, anh thường đến quán nước của chị Án (quê ở xã Phúc Khánh, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ). Anh Hoàn thấy chị Án tần tảo nên sinh lòng cảm mến. Từ vài câu bông đùa, họ dọn về sống với nhau. Đám cưới của cặp đũa lệch vấp phải sự phản đối gay gắt bởi cô dâu lớn hơn chú rể 22 tuổi.
Gương mặt bà Hường hằn rõ sự vất vả, bất lực trước gia cảnh nghèo khó.
Cặp đôi từng không ngại ngần trao nhau cử chỉ thân mật ở nơi đông người. Họ còn đăng những tấm hình tình tứ, thể hiện hạnh phúc lên mạng xã hội. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn kết hôn, cuộc sống của họ không còn màu hồng như trước. Cơm, áo, gạo, tiền khiến cặp đũa lệch rơi vào bế tắc, khủng hoảng.
Người mẹ khốn khổ xin từng bao trấu về đun bếp.
Hằng ngày, hai vợ chồng chị Án tha thẩn khắp nơi nhặt sắt vụn, bán kiếm sống. Anh chị đi làm từ 10h đêm tới 4h sáng hôm sau mới về nhà. Lúc may mắn, một ngày, hai người kiếm được 150.000 đồng. Nhưng cả tháng nay, anh chị chẳng nhặt được nhiều. Vậy là bà Hường phải gồng gánh nuôi bốn miệng ăn. Đôi mắt ai cũng hiện lên sự bất lực.
Dù bên tay gãy chưa lành nhưng bà vẫn cố kéo xe chở những bao gạo về nhà.
Chị Án thở dài ngao ngán: “Khi mới lấy nhau, tôi nhờ mẹ chồng vay 10.000.000 đồng mở tiệm spa chăm sóc da trên thành phố. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 bùng phát, spa chỉ trụ được ba tháng. Đồ đạc mang về chất đống trong nhà, dùng cũng không được, bán cũng không xong. Khoản nợ kia cũng không biết bao giờ mới trả được”.
"Bữa rau, bữa cháo", họ lay lắt sống qua ngày.
Hiện tại, gia đình bốn miệng ăn trông cậy chủ yếu vào bà Hường. Chị Án và anh Hoàn thất nghiệp đã vài tháng, việc nhặt sắt vụn không đem lại thu nhập ổn định. Bà Hường lại bị khuyết tật bẩm sinh, gần đây bị gãy tay nên không thể đi làm thêm nữa. Do không có tiền đi bó bột nên bên tay gãy lâu khỏi, giờ vẫn không cử động được. Bà Hường nặng vỏn vẹn 40kg, những nếp nhăn hằn rõ trên gương mặt khắc khổ.
Cặp đôi từng gây bão cộng đồng giờ có cuộc sống khá nhọc nhằn, vất vả. Chẳng niềm vui, chẳng khao khát, chẳng ước vọng, cuộc sống của họ là chuỗi ngày tháng tẻ nhạt. Thế mới thấy cuộc tình dù đẹp đến mấy nhưng vẫn phải "đầu hàng" trước sự khắc nghiệt của cuộc sống thường nhật.
Rời khỏi căn nhà của anh chị vào chiều muộn, tôi lặng lẽ trở về nhà, lòng cầu chúc cho anh Hoàn và chị Án sẽ vượt qua được giai đoạn khó khăn này, cùng nhau vun đắp một tương lai nhiều niềm vui, hạnh phúc hơn...