Hơn 20 năm qua, chung cư 86/1 trên đường Phan Văn Hân (quận Bình Thạnh, TP. HCM) là nơi sinh sống của hơn 100 người dân tộc Chăm. Có thời điểm, người Chăm chiếm một nửa số dân ở đây.
Người dân tộc Chăm sinh sống ở chung cư đa phần có nguồn gốc từ Châu Đốc (tỉnh An Giang) và đã sinh sống tại đây hơn 2 thế hệ. Những nét văn hóa của dân tộc vẫn được họ giữ gìn qua những bộ trang phục truyền thống và tín ngưỡng Hồi giáo.
Nhưng những nét văn hóa hiện nay đã có vài thay đổi nhỏ nhằm phù hợp hơn với cuộc sống thường ngày. Như việc nữ giới phải trùm kín mặt, bà Nẹp (phải) cho biết: “Trước đây, chúng tôi phải đeo khăn kể cả khi ở nhà hoặc ra đường. Nhưng, thời nay mọi thứ có vài thay đổi cho phù hợp thế nên ở nhà chúng tôi không bịt kín nữa”. Trước khi ra đường, bà Sophia (trái) vẫn diện trang phục truyền thống và trùm khăn. Còn khi ở nhà, họ thường chọn những bộ đồ bộ như bà Nẹp đang mặc.
Cũng theo phong tục cũ, phụ nữ Chăm sau khi kết hôn thường chỉ ở nhà làm nội trợ, không được tham gia công tác xã hội. Nhưng hiện nay, những người phụ nữ Chăm tại đây vẫn có thể làm thêm những công việc ở nhà như mở tiệm tạp hóa, may mặc, bán hàng… Những người trẻ vẫn được đi học và làm những công việc mưu sinh ngoài xã hội như bao người khác.
Tuy có vài thay đổi để có thể hòa nhập với cộng đồng dân tộc Kinh rộng lớn, nhưng họ không hòa tan nền văn hóa của dân tộc mình. Người Chăm chỉ mua đồ ăn hoặc ăn uống tại những hàng quán có dòng chữ Halal - đặc trưng của hàng quán dành cho người Chăm theo đạo Hồi ở nơi đây.
Theo sự lý giải của họ về Halal, thì thực phẩm được cung cấp cho người Hồi giáo phải đạt được chứng nhận này. Bởi, người theo đạo chỉ được ăn thịt đã được giết mổ theo nghi thức của đạo hồi. Theo bà May Sâm “gà, vịt, hay bò chúng tôi không được mua những loại làm sẵn. Nếu mua, chúng tôi phải mua con vật còn sống, sau đó tụng kinh cho chúng rồi tự tay làm thịt. Đôi lúc, có người Chăm mang thực phẩm từ Châu Đốc lên, chúng tôi sẽ mua thực phẩm đã được họ làm thịt theo nghi thức để nấu nướng”.
Bên cạnh đó, tại khu chung cư còn có một thánh đường Hồi giáo riêng phục vụ cho nhu cầu của cư dân theo đạo Hồi. Đến giờ cầu nguyện, những người đàn ông trong khu dân cư sẽ mặc đồ truyền thống và đọc kinh tại thánh đường. Còn phụ nữ thì thực hiện các lễ nghi tại nhà. Chỉ vào tháng 6 âm lịch - tháng ăn chay (tháng Ramadan), phụ nữ mới đến thánh đường để thực hành nghi lễ.
Người theo đạo, dù có bận công việc cũng phải hành lễ đủ. Mỗi ngày, họ cầu nguyện 5 lần/ngày vào các khung giờ đã được quy định. “Chúng tôi đều phải cầu nguyện đủ số lần, nếu không đủ sẽ mang tội với thần linh”, ông Mohamah giải thích.
Được biết, trong những buổi cầu nguyện họ thường đọc kinh Qur’an (Koran). Theo một động từ của tiếng Ả Rập, Qara’a là “để đọc” hay “đọc thuộc lòng”, thế nên họ thường phải học để có thể thuộc lòng cuốn kinh này khi cầu nguyện. Mỗi khi đọc kinh, họ mong cầu sức khỏe, bình an, phước lành đến cho gia đình và cộng đồng.
Theo dõi giờ hành lễ, bên cạnh sử dụng đồng hồ thì người Chăm còn sử dụng niên lịch. Nó được dùng để tổ chức các buổi hành lễ trong ngày và các buổi lễ lớn trong năm. Được biết, mỗi tháng lịch chỉ có 29 đến 30 ngày, không giống với dương lịch đang được dùng phổ biến.
Để những nét văn hóa truyền thống và tiếng nói của dân tộc không bị mai một, suốt 20 năm nay, lớp dạy tiếng Chăm miễn phí của thầy Mohammad Amin vẫn luôn mở cửa. Mỗi tối, lớp học nằm ngay sát chung cư lại sáng đèn để giúp mọi người học chữ và những lễ nghi. “Ngoài học kinh Koran, tôi cũng học các lễ nghi nhằm gìn giữ văn hóa của dân tộc mình. Hiện tại, tôi đang học những nghi thức dành cho người đã mất. Những điều này, không chỉ cần khi lo liệu hậu sự cho người thân mà còn có thể giúp những người hàng xóm khác”, bà Tango (60 tuổi) bộc bạch.
Ngoài ra, lớp học còn có những bạn trẻ mang trong mình hai dòng máu của dân tộc Kinh và Chăm. Chị em Fatima được cha dẫn tới học để hiểu và gìn giữ những nét văn hóa của dân tộc mình.