Không phải đến phim Người phán xử thì khán giả yêu màn ảnh nhỏ Việt Nam mới biết tới NSND Hoàng Dũng. Ông từng ghi dấu ấn trong rất nhiều vai diễn cả trên sân khấu và màn ảnh nhỏ.
Song, có lẽ, hình tượng những kẻ lưu manh nhưng mang bộ mặt điềm đạm, hiền lành như ông trùm Phan Quân của Người phán xử chính là dấu ấn đặc trưng nhất của NSND Hoàng Dũng.
Hơn 40 năm trời gắn bó với nghệ thuật, NSND Hoàng Dũng luôn được đánh giá là 1 nghệ sĩ tài năng, có tâm với nghề và có khả năng diễn xuất bậc thầy.
Thế nhưng, để có được thành quả đó, Hoàng Dũng đã phải trải qua không ít khó khăn, vất vả, thậm chí là cả sự hi sinh.
NSND Hoàng Dũng là gương mặt khá quen thuộc với khán giả Việt Nam.
Nghệ sĩ Hoàng Dũng sinh năm 1956 tại Hà Nội. Sau khi thi Đại học, trong thời gian chờ kết quả thi, ông ham vui theo mấy người bạn cùng khu phố thi tuyển vào Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội và không ngờ lại thi đỗ. Xem đó như 1 vận mệnh, Hoàng Dũng quyết tâm tiến bước chinh phục nghiệp diễn.
Là sinh viên trường nghệ thuật, Hoàng Dũng say sân khấu đến lỳ lợm. Chàng sinh viên nghèo luôn tìm cách xem bằng được những vở diễn có các bạn của mình tham gia.
Nếu có vé, Hoàng Dũng đàng hoàng vào xem như 1 khán giả đắm đuối với nghệ thuật. Còn nếu không, ông tìm mọi cách để "qua cửa" an ninh.
Có lần, dù đã xin xỏ mãi, Hoàng Dũng cũng không vào xem được 1 vở kịch mình yêu thích. Ông bèn tìm cách trèo lên xe cứu hỏa nhảy tót qua lan can để vào rạp.
Xem "lậu" nhiều lần, Hoàng Dũng từng bị bảo vệ bắt, bị nhốt nhưng vẫn không chừa. Một lần, bảo vệ "tóm" được Hoàng Dũng và bực bội hỏi tại sao ông lại "lỳ" đến như vậy.
Hoàng Dũng thật thà trình bày rằng ông đam mê sân khấu, đam mê tìm hiểu và phân tích cách diễn của các nghệ sĩ. Từ sau lần ấy cứ gặp mặt ông, bảo vệ lại cho vào xem mà chẳng đòi vé nữa.
Từng có thời, ông không có tiền đi xem kịch, phải trốn vào rạp và bị bắt.
Sau này khi đã trở thành diễn viên chính thức của Đoàn kịch Hà Nội, Hoàng Dũng vẫn đêm đêm đi xem các vở diễn của đồng nghiệp.
Là nghệ sĩ từ thời bao cấp, Hoàng Dũng cũng trải qua đủ mùi vị của sự thiếu thốn. Ông và vợ yêu nhau 7 năm thì chính thức nên duyên vợ chồng.
Cuộc sống của người nghệ sĩ khi ấy vô cùng thiếu thốn. Cưới nhau được 1 tuần, ông mới tích cóp đủ tiền để sắm 1 cái phích nước.
Vợ sinh con đầu lòng, thiếu sữa, gia đình lại khó khăn, Hoàng Dũng nai lưng làm đủ mọi việc. Ông sẵn sang đạp xe vòng quanh Hà Nội, hết lồng tiếng, đóng phim, diễn kịch… để có đủ tiền mua sữa cho con.
Đồng lương của người diễn viên đã "hẻo", vợ Hoàng Dũng khi ấy là giáo viên mầm non, thu nhập cả tháng cũng chẳng đủ tiền nuôi con. Kinh tế quá thiếu thốn khiến hai vợ chồng phải ngồi lại với nhau và quyết định 1 trong 2 người phải từ bỏ công việc, ra ngoài làm kinh tế.
Biết chồng quá mê nghề, vợ ông quyết định hi sinh công việc của bản thân. Bà mở 1 cửa hàng buôn bán quần áo nhỏ mong kiếm đồng lãi trang trải bữa cơm cho gia đình.
Thành công của NSND Hoàng Dũng được xây dựng bằng rất nhiều đam mê và hi sinh.
Hiểu sự hi sinh lớn lao của vợ, Hoàng Dũng luôn trân trọng và tìm cách đỡ đần bà. Thậm chí, khi đã là NSƯT, là lãnh đạo Nhà hát Kịch Hà Nội, ông vẫn ngày ngày vừa lo diễn, lo việc nhà hát, vừa phụ vợ bán quần áo ở tiệm.
NSND Hoàng Dũng thừa nhận, không bao giờ ông trả hết được những nghĩa tình của vợ dành cho mình. Ông luôn nhắc nhở mình, nếu không có sự tần tảo của bà thì chắc chắn sẽ không có một nghệ sĩ Hoàng Dũng như ngày hôm nay.
Trải qua không biết bao nhiêu khó khăn cả về kinh tế lẫn những khi thăng trầm của nghiệp diễn nói chung, Hoàng Dũng vẫn luôn trăn trở với nghề.
Ông chưa bao giờ có ý định từ bỏ ánh đèn sâu khấu. Chính thức về hưu từ tháng 1/2017, nhưng Hoàng Dũng khẳng định, ông chỉ dừng lại khi nào không còn sức để cống hiến.