Mối lương duyên với hai người phụ nữ
Ở xã Atiêng, trung tâm của huyện miền núi Tây Giang ở vùng cực Tây tỉnh Quảng Nam, hỏi về Biah’ Trơn thì ai cũng biết. Hỏi Nguyễn Văn Tuấn, cán bộ của Trung tâm Dân số và Kế hoạch hóa gia đình huyện Tây Giang thì anh chỉ cười rồi nói: "Biah’ Trơn thì nổi tiếng nhất cả huyện vì chuyện có hai vợ. Mà hai người đó là chị em ruột".
Vậy là tôi quyết tìm đến nhà Biah’ Trơn để tìm hiểu chuyện lạ này.
Biah’ Trơn, người đàn ông lấy hai chị em ruột làm vợ.
Theo sự chỉ dẫn của Tuấn, chúng tôi tìm được nhà Trơn nhưng chỉ có mấy đứa trẻ ở nhà. Người lớn đều đã lên nương làm rẫy. Căn nhà làm bằng gỗ rất đẹp, lớn nhất so với các ngôi nhà khác trong thôn.
3 chiếc xe tay ga đắt tiền mà người thành phố cũng phải ao ước để giữa sân, chìa khóa vẫn còn gắn trên xe. Trong nhà, nhiều đồ dùng điện tử như ti vi, tủ lạnh, đầu máy… được trang bị đầy đủ.
"Nhà Trơn nhiều đất, nhiều rẫy lại làm việc siêng năng nên hắn có trong tay tiền tỉ, giàu có nhất vùng. Giờ này, nó và hai vợ đang ở trên rẫy làm việc rồi", một người hàng xóm cho hay.
Men theo con đường mòn phía sau trung tâm huyện Tây Giang để đến căn nhà nhỏ, nơi anh Trơn dựng để ở lại làm rẫy. Đến nơi vào buổi trưa, thấy ở trước cửa nhà có một đôi dép đàn ông và 2 đôi dép phụ nữ xếp ngay ngắn, chúng tôi ngầm hiểu là đã đi đúng địa chỉ.
Biah’ Trơn mở cửa cho chúng tôi ngay sau khi đã ăn xong bữa
cơm trưa vội vã. Mặc dù đã bước vào tuổi 50 nhưng anh Trơn vẫn khoẻ mạnh
và trẻ hơn so với số tuổi.
Kể về cuộc sống của mình và mối lương duyên với 2 người vợ, Trơn cho biết, năm 1990, Trơn kết hôn với chị Hối Thị Lâm (SN 1974) là người ở trong làng. Theo lời kể của Trơn, cuộc hôn nhân này là do hai bên gia đình sắp đặt, cả anh và chị Lâm lúc đó đều chưa có tình yêu.
"Đám cưới mình làm to lắm, dân làng ăn cả 4 ngày mới hết. Cha mẹ mình thịt 4 con trâu, 7 con bò, 20 con lợn cùng hàng trăm lít rượu. Bây giờ mà tính ra tiền cũng phải hơn 200 triệu", anh Trơn nhớ lại.
Về sống chung dưới một mái nhà, tình cảm vợ chồng Trơn ngày càng sâu đậm và thắm thiết nhưng rồi sức khỏe chị Lâm ngày càng đi xuống.
Chị Lâm gặp phải chứng nhức đầu, đãng trí. Những cơn hôn mê cũng thường xuyên ập đến với chị. Thấy sức khoẻ vợ không tốt, Trơn vội vàng đưa vợ đến các trung tâm y tế để kiểm tra nhưng chạy chữa mãi vẫn không khỏi.
Hết cách, Trơn tìm đến các thầy cúng có tiếng trong làng rồi đến cả ba huyện miền núi Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang để mong đuổi được "con ma" ra khỏi người vợ.
Đại gia đình anh Trơn
"Tiền bạc, của quý trong nhà đều được bán đi để cúng cho thầy, mỗi lần cúng là khoảng 1 triệu đến vài ba chỉ vàng chứ không ít. Tiền bạc cứ thế mà vơi dần nhưng mình quyết chữa cho được bệnh của vợ", Trơn kể lại.
Dù được chồng chạy chữa khắp nơi nhưng bệnh tình chị Lâm ngày càng trở nặng. Suốt 3 năm liền, chị Lâm nằm liệt trên giường, sức khỏe vô cùng yếu ớt. Hai bên gia đình cứ ngỡ chị Lâm sẽ chết chứ không thể nào chữa được vì đã hết cách.
Trong lúc sức khỏe chị Lâm ngày càng yếu thì bố mẹ Trơn nóng lòng có cháu bế nên đòi con trai phải đi cưới người vợ khác.
Theo lời anh Trơn, lúc đó, điều lệ 'một vợ, một chồng' chưa phổ biến lắm trong nhận thức của nhiều người dân ở thôn nên vừa không muốn cãi lời bố mẹ, lại vừa thương vợ, Trơn xin
với chị Lâm được cưới em gái là Hối Thị Linh (SN 1979).
"Năm 1993 thì mình cưới vợ 2. Đám cưới sau, mình tổ chức ít hơn, chỉ chục mâm thôi. Họ hàng cũng được mời đến ăn uống trong một ngày. Vì là hai chị em ruột nên hai người vợ của mình cũng thương mến nhau", Trơn nói.
Cũng trong năm đó, vận may đến với chị Lâm khi một đoàn y bác sĩ của huyện Hiên (tên gọi cũ của huyện Tây Giang) lên thăm khám sức khỏe cho người dân. Các bác sĩ chẩn đoán chị Lâm bị rối loạn thần kinh và yêu cầu Trơn đưa về Đà Nẵng chữa trị.
"Mình là người đầu tiên ở đây về Đà Nẵng, vô bệnh viện chữa bệnh. Mất nửa tháng thì vợ mình hết bị hành. Về nhà rồi nó khỏe và làm việc trở lại, đẻ cho mình 3 đứa con", Trơn kể.
Người vợ 2 Hối Thị Linh cũng sinh cho Trơn thêm 2 đứa con. Tổng cộng Trơn có tất cả 5 người con. Họ cùng sống chung dưới một mái nhà và được hàng xóm đánh giá là rất hạnh phúc.
"Vợ hai cũng là em gái mình chớ có ai xa lạ đâu mà phải ghen. Về sống chung một nhà nhưng chồng không phân biệt vợ cả, vợ hai", chị Lâm vô tư thổ lộ.
"Tụi mình không ghen đâu vì là chị em mà"
Những tưởng cuộc sống "hai vợ" chung nhà sẽ mang lại nhiều rắc
rối nhưng gia đình anh Trơn được cả xã Atiêng đánh giá là hạnh phúc.
"Là chồng của 2 vợ thì cũng có nhiều cái khó nhưng cũng có cái hay. Mình phải luôn để hai bả vừa lòng và đối xử công bằng để khỏi xảy ra cảnh tị nạnh", anh Trơn chia sẻ.
Ngoài ra, theo anh Biah’ Trơn, anh luôn suy nghĩ cách để sắp xếp mọi thứ trong gia đình cho hai vợ một cách hài hoà nhất.
"Ví như chuyện đi chợ, nấu cơm mình cũng lên lịch hết cho hai vợ. Nếu hôm nay vợ chị làm việc nhà thì ngày mai đến phiên vợ em.
Đi đâu xa, mua quà gì cho vợ mình cũng mua một lúc hai thứ giống nhau. Chứ hôm nào mua mà thiếu món là một trong hai người lại buồn. Mình biết mấy bả buồn nhưng chẳng nói ra đâu vì sợ mất lòng chị em", anh Trơn cười nói.
Hai chị em Hối Thị Lâm, Hối Thị Linh có chung một chồng
"Thế hai vợ không ghen nhau à. Có khi nào cãi vã không", chúng tôi hỏi. Trơn vui vẻ khề khà: "Chẳng bao giờ có chuyện đánh nhau đâu? Để hai vợ đánh nhau thì cái nhà này loạn à.
Hai vợ mà giận thì mình phải tìm hiểu sự việc rồi đứng ra làm "trọng tài" liền, cái gì cũng hòa giải hết.
Đã từng ấy năm chưa lúc nào vợ một, vợ hai của mình đánh nhau một lần nào cả. Hai người có tức nhau thì nói qua, nói lại một vài câu rồi xong. Hôm sau họ lên nương, lên rẫy với nụ cười vui vẻ".
Đặc biệt, theo anh Trơn thì do có 2 vợ nên chuyện tiền bạc trong gia đình đều do anh nắm giữ. "Mình giữ nhưng sẽ đưa cho 2 vợ để tính toán chuyện chi tiêu, nuôi con. Lâm là chị nên trong nhiều chuyện quan trọng, cô ấy cũng là người quyết định. Còn Linh thì luôn tôn trọng ý kiến của của chị", anh Trơn tiết lộ.
Nghe chồng kể chuyện cuộc sống hai vợ, cả chị Lâm lẫn chị Linh đều ngồi nở nụ cười nhìn chồng. Hai chị em đều tỏ ra mãn nguyện với cuộc sống hiện tại.
"Tụi mình không ghen đâu vì là chị em mà. Hồi trước mình đẻ thì chị ấy chăm sóc, ngược lại chị đẻ thì mình chăm.
Mấy đứa con cũng thế, mình chăm sóc tất cả cho cả 5 đứa. Tụi mình không có chuyện mẹ ghẻ con chồng đâu. Mẹ nào cũng là mẹ ruột cả, mẹ Linh là dì cũng là chung dòng máu với mẹ ruột. Các con có chuyện gì cần là cả hai mẹ đều thay phiên nhau quan tâm lo lắng", chị Linh tâm sự.
Anh Trơn cùng hai vợ dù sống chung nhưng luôn hạnh phúc
Anh Blup Vang, cán bộ tư pháp xã Atiêng, cho hay, việc Trơn có 2 vợ là vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Tuy vậy, sự việc đã diễn ra cách đây 20 năm, gia đình Trơn cũng sống hòa thuận, yêu thương nhau nên xã không phạt.
"Sổ hộ khẩu của gia đình anh Trơn vẫn có tên của cả chị Lâm và chị Linh với "chức danh" là vợ 1, vợ 2. Nhiều gia đình ở xã này theo chế độ hôn nhân một vợ một chồng mà có hạnh phúc được như gia đình họ đâu. Anh Trơn cũng chung thuỷ với hai vợ lắm", anh Vang nói.