LTS: Nhờ nghị lực phấn đấu và chí hướng thiện, anh Lê Thừa Dương Hùng đã trở thành nghệ nhân điêu khắc có tiếng, chủ cơ sở điêu khắc gỗ Tịnh Tín (ấp Thới Tây 2, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TP HCM). Ít ai biết rằng, mấy chục năm trước, người nghệ nhân này từng nghĩ rằng, mình khi sinh ra đã không được gì, thì chết đi cũng chẳng ai biết, phải lấy số má, đổ tí máu để người đời biết mình là ai.
Để rồi, với biệt danh Hùng "sầu", Hùng "sa đọa", Lê Thừa Dương Hùng đã vài lần vào tù ra trại, được đích thân "ông trùm" Năm Cam mời về dưới trướng, sống cuộc đời của một đại ca giang hồ khét tiếng mà đến giờ chính anh cũng không thể tin.
Cậu bé người Quảng Trị gầy nhom, nhỏ thó, da đen sạm theo từng cơn gió biển sinh ra trong một gia đình không êm ấm, lớn lên cùng những trận đòn roi đã sớm rèn cho Hùng một tâm hồn lì lợm.
Cùng theo năm tháng, những con người toan tính, lọc lừa đã "tặng" Hùng thêm cái máu liều. Cùng sự nhanh nhảu của bản thân, cuối cùng Hùng có cả ba tố chất của... đại ca. Thêm sự ngạo mạn của tuổi trẻ, 19 tuổi Hùng trở thành trùm giang hồ có số má.
Bị cha dượng "đẩy ra đời" từ năm 4 tuổi
Lê Thừa Dương Hùng (SN 1973, quê huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) sinh ra không biết cha mình là ai, chưa nhận thức được thì mẹ đi bước nữa. Những năm tháng ở cùng người cha dượng, Hùng và mẹ không một ngày được yên thân. Hùng chỉ biết gồng mình hứng chịu đòn roi, sự khinh khi, chửi rủa thậm tệ của người cha dượng nát rượu.
Lên 4 tuổi, khi biết nói, biết đi rành rẽ, người cha dượng nhẫn tâm đẩy Hùng ra đời, ông bắt Hùng phải nộp vài đồng bạc tiền cơm mỗi ngày. Một cậu bé đang ở tuổi học ăn, học ngủ sớm phải "đeo" ý nghĩ về chuyện tiền nong. Hùng xin hết việc này đến việc khác nhưng không ai nhận.
Anh Lê Thừa Dương Hùng đã trở thành nghệ nhân điêu khắc có tiếng, chủ cơ sở điêu khắc gỗ Tịnh Tín. Ảnh: PA
Đường cùng, Hùng xuống biển đợi ghe tàu đánh cá cập bến thì xin mỗi người 1, 2 con cá nhỏ. Hôm nào bán được tiền thì Hùng mới dám về nhà. Hôm nào không ai cho thì cậu ráng chịu đói, chịu lạnh ngủ luôn ngoài biển để tránh đòn roi.
Nhiều ngày như vậy, không chịu nổi cái lạnh của biển cả, cái rát của da thịt mỗi khi cát biển cào xé, Hùng làm liều trộm cá của người ta đem bán. Bị bắt, thương hắn thì người ta chỉ lấy cá rồi chửi bới. Cứ như thế, Hùng lây lất giữa bãi biển, nương nhờ vào dân làng chài.
Nhớ lại tuổi thơ của mình, anh Lê Thừa Dương Hùng trầm ngâm: "Đi xin cá như tôi có thêm hai thằng nữa. Nhưng tụi nó được đi học, chiều về mới ra biển xin. Thấy tụi nó học, tôi thèm lắm, nhưng lần nào về xin mẹ thì cũng bị đánh. Tôi cứ xin, trộm cá như thế đến năm 9 tuổi.
Đến lúc vì mấy ngày liền không có tiền mang về, cha dượng đánh tôi ói ra máu vẫn không dừng lại. Tôi vụt chạy ra khỏi nhà.
Tôi cứ chạy đến khi không còn sức ngừng lại thì biết mình đã chạy hơn 27 cây số ra đến đường cái. Tôi quyết tâm bỏ nhà đi bụi, chứ sống như vậy có ngày tôi cũng bị cha dượng đánh chết".
9 tuổi nhưng đã trải qua 5 năm "ra đời", không có tiền đi xe, Hùng dùng hết mọi mưu mẹo. Hơn 20 lần bị đuổi xuống xe, đánh đập, cuối cùng, Hùng cũng đi được từ Quảng Trị đến Huế.
Trở thành "đại ca" bảo kê bến xe Huế khi mới 12 tuổi
Tuy đã có sẵn tính chai lì từ nhỏ, nhưng ở đất lạ quê người, cậu bé này không biết đi đâu, chỉ ngồi một góc ở bến xe đến tối.
"Chắc thấy tôi ngồi hoài nên lúc đó có cô bán thuốc lá, kẹo cao su dạo tên Hồng thấy tội nghiệp đến hỏi thăm rồi giới thiệu tôi đến nhà một người khác để giữ em, phụ bán bún bò. Những tưởng có việc ổn định, nhưng chỉ được vài tháng, tôi nhớ nhà da diết, lại trốn xe để về nhà", Hùng nhớ lại.
Trong thâm tâm của đứa trẻ luôn khao khát tình yêu thương, Hùng nghĩ rằng mình sẽ được thấy hình ảnh mẹ ngồi đợi cửa, rồi được mẹ ôm vào lòng. Cha dượng và mẹ sẽ không đánh mình nữa, sẽ thương yêu vì Hùng đã đi lâu ngày.
Trái ngược với suy nghĩ của đứa bé nhỏ dại, Hùng vừa đến nhà chưa kịp nghỉ ngơi, cha dượng đã lao ra đánh không thương tiếc. Mỗi một cái tát giáng xuống thân hình còm nhom là kèm với lời mạt sát thậm tệ: "Mày là đồ con hoang, mày tưởng mày đi được là ngon lắm à. Sao mày không đi luôn đi, vác xác về đây làm gì...".
Lúc đó, Hùng nhìn sang mẹ, hy vọng bà thương xót mình, nhưng mẹ Hùng giờ đã có những đứa em khác. Hùng thấy mình trở nên lạc lõng, một kẻ thừa trong gia đình. Hùng vụt chạy với nỗi căm hận, sự đau đớn của đứa con bị chối bỏ...
Khu vực bến xe Nguyễn Hoàng, Huế. Ảnh: Internet.
Trở lại bến xe Nguyễn Hoàng (Huế), Hùng tìm đến trùm bảo kê có tiếng lúc bấy giờ là đại ca Lê Lam để xin gia nhập băng nhóm. Ông trùm Lê Lam có nhiều nhóm bảo kê, Hùng xin vào nhóm bảo kê xe khách, bốc vác.
Với suy nghĩ mình không còn gì để mất, chỉ 3 năm sau, từ một cậu bé hiền lành, nhẫn nhục ngày nào, Hùng lấy biệt danh Hùng "sầu" để bước ra giang hồ.
Những cuộc bảo kê, thanh trừ đẫm máu liên tục diễn ra ở những nơi Hùng "sầu" đi qua. Với sự ngang tàng, lì lợm, ông trùm Lê Lam đã đưa Hùng lên cầm đầu băng bảo kê với hàng chục đàn em dưới trướng. Trở thành cánh tay đắc lực của đại ca đất Huế, từ đây, Hùng "sầu" gieo rắc nỗi khiếp sợ ở khu vực bến xe Huế suốt nhiều năm trời.
(Còn nữa)