Cuộc sống bị gián đoạn của người dân trong các khu phong tỏa ở Trung Quốc

Hải Vân |

Các đợt phong toả nghiêm ngặt ở thành phố Tây An và Vũ Châu của Trung Quốc đang ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân và làm gián đoạn dịch vụ y tế trong khu vực.

Toàn cảnh thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, phía tây bắc Trung Quốc, trong đợt phong toả phòng COVID-19. Ảnh: Xinhua

Toàn cảnh thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, phía tây bắc Trung Quốc, trong đợt phong toả phòng COVID-19. Ảnh: Xinhua

Theo trang The Guardian (Anh), mặc dù giới chức đã cam kết đảm bảo đủ nguồn cung lương thực cho người dân ở các khu phong toả, nhiều hộ gia đình vẫn gặp khó khăn trong việc mua thực phẩm hàng ngày và tiếp cận các dịch vụ y tế.

Tây An, thành phố 13 triệu dân, đã bị phong toả nghiêm ngặt trong gần 2 tuần để ngăn chặn COVID-19 lây lan. Đây là một trong những đợt phong tỏa nghiêm ngặt nhất tại Trung Quốc kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Trong khi đó, từ tối ngày 3/1, khoảng 1,2 triệu cư dân ở Vũ Châu cũng đã được yêu cầu ở nhà sau khi thành phố này phát hiện 3 ca dương tính với virus SARS-CoV-2. Giao thông công cộng, các phương tiện cơ giới cá nhân, tất cả các nhà hàng và địa điểm không thiết yếu đều phải dừng hoạt động.

Trong bối cảnh đó, trên các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc, hầu hết người dân đã  ủng hộ mạnh mẽ với phản ứng nhanh chóng của chính quyền khi dịch bệnh bùng phát. Song một số người cũng bày tỏ lo lắng.

Các phương tiện truyền thông địa phương đã đưa tin về việc xử lý chậm trễ của các bệnh viện lớn ở thành phố. Ảnh chụp màn hình của một bài đăng lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội cho biết một người đàn ông đưa người cha bị bệnh đến bệnh viện Tây An, nhưng họ bị từ chối nhập viện vì đến từ khu vực có nguy cơ cao. Bài đăng cho biết cha của người đàn ông này bị đau tim và đã qua đời vào thời điểm ông được nhập viện điều trị.

 Cuộc sống bị gián đoạn của người dân trong các khu phong tỏa ở Trung Quốc  - Ảnh 1.

Tình nguyện viên nhắc nhở cư dân giữ khoảng cách khi xếp hàng nhận nhu yếu phẩm bên ngoài một khu dân cư ở Tây An. Ảnh: AP

 

Tài khoản khác cho biết một phụ nữ đã sảy thai sau khi bị chặn lại trước cổng bệnh viện ở Tây An. Người họ hàng của cô cho biết gia đình đã gọi cấp cứu vào đêm 1/1 khi cô bắt đầu cảm thấy đau bụng, nhưng điện thoại chỉ đổ chuông mà không có người bắt máy. Họ đã đưa cô đến bệnh viện nhưng bảo vệ không cho họ vào trong vì kết quả xét nghiệm COVID-19 đã có từ 4 tiếng trước. Đứa trẻ sau đó đã tử vong.

Phát ngôn viên của liên đoàn phụ nữ Thiểm Tây cho biết họ đã trao đổi với chính quyền về sự việc này và yêu cầu giới chức nên tìm hiểu về vụ việc ngay lập tức. Cô nói: "Vì dịch bệnh ở Tây An hiện khá nghiêm trọng, nên chắc chắn cần phải có giải pháp".

Những lời phàn nàn về tình trạng thiếu lương thực cũng xuất hiện trên mạng xã hội, bất chấp việc chính quyền thành phố Tây An đã cam kết cung cấp thực phẩm đến tận nhà cho người dân và nhiều điểm bán hàng tạm thời đã được thiết lập. Một số người thậm chí phải đổi đồ dùng cá nhân để lấy thức ăn. Nhiều người cho biết thành phố không có đủ nhân viên giao hàng để đáp ứng các đơn hàng trực tuyến.

Một người dân cho biết: “Cho đến nay, tôi mới chỉ nhận rau miễn phí một lần, mỗi hộ được nhận một bó. Giá thực phẩm ở thành phố cũng rất cao, không có ai quản lý. Không có dịch vụ vận chuyển cho các nhu cầu thiết yếu hàng ngày, và phí lặt vặt là khoảng 100 nhân dân tệ”.

Các quy tắc phòng dịch nghiêm ngặt cũng đã cản trở mọi người đến và rời khỏi thành phố. Trang Sixth Tone đưa tin giới chức đã bắt giữ một số người trốn phong tỏa và cả những người về quê mà không cách ly.

 Cuộc sống bị gián đoạn của người dân trong các khu phong tỏa ở Trung Quốc  - Ảnh 2.

Tình nguyện viên giao trứng cho người dân tại điểm bán hàng tạm thời bên ngoài một khu dân cư ở thành phố Tây An. Ảnh: AP.

 

Giới chức thừa nhận biện pháp phong toả sẽ gây ra nhiều vấn đề, bao gồm cả các cơ sở cách ly tập trung được chuẩn chưa chu đáo. Hàng chục nghìn người đã được đưa đến cách ly tại những cơ sở này. Một số quan chức địa phương đã bị kỷ luật, thậm chí là sa thải, với cáo buộc lơ là trong việc quản lý làm bùng phát dịch. Hai Đảng viên ở Tây An đã bị cách chức vì quản lý “không đủ nghiêm ngặt trong việc ngăn chặn và kiểm soát COVID-19”.

Hôm 3/2, giới chức Tây An cho biết thành phố đã chi khoảng 1 triệu USD để hỗ trợ những người gặp khó khăn và đã đưa khoảng 200 người đang mắc kẹt vào khu trú ẩn tạm thời. Nhà chức trách cũng cam kết sẽ thiết lập đường dây nóng và các dịch vụ hỗ trợ bổ sung.

Tây An hiện là tâm chấn của đợt bùng phát COVID-19 mới nhất của Trung Quốc. Trên 1.700 trường hợp mắc bệnh đã được ghi nhận tại thành phố này kể từ đầu tháng 12, song con số này là tương đối thấp so với số liệu toàn thế giới.

Hôm 4/1, Trung Quốc đã ghi nhận 41 ca mắc có triệu chứng trong cộng đồng, trong đó có 35 trường hợp ở Tây An. Hôm 5/1, giới chức nước này cho biết ổ dịch của thành phố phần lớn đã được “kiểm soát” sau khi áp đặt lệnh phong toả.

Việc kiên quyết theo đuổi chiến lược zero-COVID đã giúp Trung Quốc duy trì được số ca nhiễm ở mức thấp trong suốt 18 tháng qua. Trong bối cảnh Thế vận hội mùa đông sắp diễn ra và cam kết nhổ tận gốc virus của chính phủ, giới chức địa phương đã ban hành các biện pháp phòng dịch ngày càng quyết liệt. Các trung tâm đô thị khác, nơi phát hiện một số ca nhiễm, cũng phải đối mặt với các biện pháp cứng rắn. Một khu vực của thành phố Trịnh Châu đã đóng cửa nghiêm ngặt sau khi phát hiện ra 4 ca mắc COVID-19.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại