Nghệ sĩ Danh Thái không phải là gương mặt xa lạ với khán giả yêu điện ảnh Việt Nam. Anh thường xuyên thủ vai những tên tội phạm nguy hiểm với gương mặt sắc lạnh, đáng sợ.
Nhưng ít người biết, với Danh Thái, điện ảnh chỉ là "nghề tay trái". Anh vốn xuất thân từ Nhà hát Tuồng Việt Nam.
Danh Thái chia sẻ, tuy ngành Tuồng gặp rất nhiều khó khăn và cuộc sống của những nghệ sĩ Tuồng cũng không hề hào nhoáng nhưng anh cũng như anh chị em khác đều có 1 tình yêu mãnh liệt với bộ môn nghệ thuật này:
"Anh em chúng tôi vẫn đùa nhau rằng hát Tuồng cũng như làm nghề bán phổi vậy. Lúc tập luyện và cả khi biểu diễn đều rất nhọc nhằn, khó khăn. Tôi nổi tiếng nhờ điện ảnh và cát-xê đóng phim cũng cao hơn so với đi diễn Tuồng, nhưng chưa khi nào tôi có suy nghĩ từ bỏ Tuồng".
Cứ mỗi dịp cuối tuần, Danh Thái cùng anh em trong đoàn di chuyển xuống rạp Hồng Hà để chuẩn bị cho suất diễn lúc 20h tối.
18h, các nghệ sĩ đã có mặt tại rạp và bắt tay vào công tác chuẩn bị. Anh em trong đoàn tự gói ghém phục trang, tự hóa trang và dựng sân khấu ngay trước giờ biểu diễn.
Bữa cơm tối, các nghệ sĩ và thành viên trong đoàn sẽ phải tự túc. Danh Thái cũng không ngoại lệ, cất tư trang vào phòng hóa trang xong, anh xuống đường tranh thủ mua đồ ăn tối.
"Nghề này biểu diễn rất nặng nhọc, buổi diễn kéo dài 2 tiếng nên nếu không ăn thì diễn viên sẽ đuối sức. Nhưng chỉ được phép ăn nhẹ thôi, vì nếu ăn no quá thì cũng không thể diễn được", Danh Thái chia sẻ.
Hôm nay, anh và anh em trong đoàn sẽ cho ra mắt vở kịch mới có tên gọi Dưới bóng đa huyền thoại. Đây là vở Tuồng do 1 đạo diễn người nước ngoài dựng vở. Theo dự kiến, vở diễn này sẽ được đem đi tham dự Liên hoan sân khấu tại Hàn Quốc.
Danh Thái được vị đạo diễn người nước ngoài hết lời khen ngợi. Ông tỏ ra rất ấn tượng với cách làm việc chỉn chu, tận tâm của các nghệ sĩ Việt Nam.
18h45, Danh Thái cùng các anh em sẽ góp mặt trong buổi biểu diễn lui về phòng phục trang để hóa trang và thay đồ diễn. Hơn 1 tháng tập luyện cho vở kịch khiến đầu gối của Danh Thái bị chấn thương, đau nhức nên anh phải băng chặt trước khi mặc đồ diễn.
Không giống với các bộ môn nghệ thuật khác, diễn viên Tuồng thường có 1 lớp hóa trang rất đậm tới mức không thể nhận ra mặt diễn viên.
Màu sắc, đường nét trên khuôn mặt của từng diễn viên được quy định chặt chẽ theo tính chất của từng vai diễn chứ không phải để làm nổi bật vẻ đẹp của người diễn viên. Chính vì thế, đoàn kịch Tuồng sẽ không có nhân viên hóa trang riêng mà từng diễn viên phải tự đảm nhiệm việc này.
Trang phục của các diễn viên cũng theo quy định riêng cho mỗi vai diễn và thường có màu sắc rất sặc sỡ, bắt mắt.
Thông thường, với các vở Tuồng cổ, lớp hóa trang cho nhân vật sẽ dày hơn và công phu hơn rất nhiều so với các vở Tuồng đương đại.
Lớp hóa trang thành công là khi diễn viên bước ra sân khấu, khán giả sẽ nhận ra ngay đó là vai người ngay hay kẻ gian. Song, cũng vì lớp hóa trang quá dày và phải tuân theo quy định nghiêm ngặt nên các diễn viên Tuồng thường "không quen mặt" với khán giả.
Dù là 1 nghệ sĩ nổi tiếng, từng xuất hiện trong hàng trăm vai diễn, nhận được hàng trăm giải thưởng sân khấu, nhưng rất khó để khán giả nhận ra họ đằng sau lớp phục trang như thế này.
Việc hóa trang, chuẩn bị phục trang cho mỗi vai diễn như thế này sẽ khiến người nghệ sĩ mất khoảng 30-45 phút chuẩn bị.
Trong vở kịch này, Danh Thái vào vai 1 cành cây có linh hồn. Tuy chỉ là vai thứ chính nhưng đất diễn của "cành cây" lại khá nhiều.
19h50, phía sau tấm rèm nhung, Danh Thái và các bạn diễn vẫn miệt mài tập luyện trước giờ biểu diễn.
20h, khi MC đang giới thiệu về vở kịch, đọc bảng phân vai thì Danh Thái lặng lẽ vén tấm rèm để theo dõi phản ứng của khán giả.
Nghệ sĩ Danh Thái trên sân khấu.
Đây là đêm diễn đầu tiên của vở kịch, được trình chiếu cho cán bộ Sở Văn hóa và các ban ngành nên anh em trong đoàn rất nỗ lực.
Thông thường, đoàn của Danh Thái sẽ có 2 suất chiếu mỗi tuần tại rạp Hồng Hà. Giá vé cho mỗi suất chiếu chưa đến 200.000 đồng, song vì đây là 1 loại hình nghệ thuật "kén" khán giả nên việc bán vé cũng rất khó khăn.
Đa phần những người mua vé xem Tuồng là du khách nước ngoài. Để thu hút sự chú ý của khán giả, các nghệ sĩ trong đoàn thường mặc trang phục biểu diễn hoặc múa lân ngay trước cổng rạp, trước giờ diễn để bán vé.
"Chỉ cần bán được 5 vé, anh em nghệ sĩ chúng tôi vẫn sẵn lòng biểu diễn. Chỉ những khi quá vắng khách, thì suất chiếu đành phải hủy", Danh Thái cho hay.
Với những vở kịch như thế này, cát-xê dành cho diễn viên thủ vai chính là 200.000 đồng, còn vai thứ chính chỉ là 160.000 đồng. Ngoài 2 suất chiếu mỗi tuần và mức lương cơ bản của Nhà hát, các nghệ sĩ Tuồng gần như không có thu nhập nào khác.
Trên sân khấu, họ có thể là những ông hoàng, bà chúa với áo mão long lanh, với uy quyền "thét ra lửa", nhưng đằng sau đó lại là những nốt trầm ít người biết tới.
22h10, kết thúc vở diễn một cách thành công, Danh Thái cùng anh em nghệ sĩ đều rất vui mừng. Họ đã có 2 tiếng cháy hết mình với đam mê. Trở về phòng để tẩy trang, nụ cười hạnh phúc vẫn đọng lại trên gương mặt Danh Thái, dù anh đã thấm mệt và 2 đầu gối mỏi nhừ, đau nhức.
"Nghề Tuồng khó khăn lắm! Với những người có đi đóng phim, có làm thêm thì còn đỡ chứ những anh em chỉ sống bằng nghề thì rất "căng".
"Nhưng lạ một cái, là chẳng ai muốn bỏ nghề cả. Dường như Tuồng đã ngấm vào máu thịt của anh em, nên trừ khi bất khả kháng, chúng tôi mới bỏ nghề".
"Ban lãnh đạo Nhà hát cũng đang rất nỗ lực để cải thiện đời sống cho anh em nghệ sĩ. Mỗi năm, chúng tôi cũng cố gắng có đôi ba vở mới để thu hút khán giả. Các ngành nghệ thuật truyền thống đều đang khó khăn, người nghệ sĩ cũng phải tự tìm cách mà khắc phục để theo nghề thôi!"
23h, hoàn tất việc tẩy trang, xếp dọn trang phục diễn, Danh Thái vui vẻ ra xe trở về khu tập thể. Đêm diễn thành công, vở mới nhận được nhiều lời khen từ khán giả đã khiến những mệt nhọc, lo toan nhanh chóng tan đi trên gương mặt người nghệ sĩ.