Cuộc rút lui lận đận của những tỷ phú từng giàu nhất sàn chứng khoán Việt

Quang Huy |

Từng được xướng danh ở vị trí người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam trong vòng 10 năm trở lại đây, nhưng ông Trương Gia Bình, Đoàn Nguyên Đức hay Đặng Thành Tâm giờ đây đều đã rời khỏi top 10.

Từ những cái tên ở top đầu...

Năm 2006, danh sách đầu tiên về người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam được xướng danh. Với tổng tài sản gần 2.400 tỷ đồng nhờ nắm giữ khoảng 5,12 triệu cổ phiếu FPT (thời điểm đó FPT mới lên sàn 16 ngày), ông Trương Gia Bình khi đó là người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Vị trí này sang đến năm 2007 được chuyển giao cho một doanh nhân khác, là ông Đặng Thành Tâm. Khi ấy, ông Tâm với tư cách là Chủ tịch Sài Gòn Investment Group (SIG) trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán nhờ vào lượng cổ phiếu mới lên sàn của Tân Tạo (ITA) và Kinh Bắc (KBC).

Theo danh sách tài sản, ông Tâm khi ấy giữ khoảng 6.300 tỷ đồng cổ phiếu, cao gần gấp đôi người đứng thứ hai là chủ tịch Phạm Nhật Vượng của Vincom. Đây cũng là năm đầu tiên tỷ phú đôla Việt Nam được Forbes vinh danh lọt vào top 10 người giàu nhất trên sàn chứng khoán, ngay sau khi VIC niêm yết.

Tương tự người tiền nhiệm, chiếc ghế của ông Đặng Thành Tâm chỉ tồn tại được trong vòng 1 năm. Năm 2008, ông chủ Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức là người có tổng tài sản cổ phiếu trên sàn cao nhất.

Nhờ việc giá cổ phiếu HAG tăng trưởng tốt, lại là cổ đông nắm giữ phần vốn lớn nhất ở đây, bầu Đức vượt qua sự tăng trưởng vượt bậc của ông Phạm Nhật Vượng, với 6.150 tỷ đồng tài sản.

Lúc này, những cái tên đứng thứ hai và thứ ba lần lượt là ông Vượng (5.225 tỷ đồng) và ông Tâm (3.279 tỷ đồng).

Dù năm 2009, tổng tài sản của bầu Đức có lúc lên tới 11.500 tỷ đồng, giúp ông trở thành người đầu tiên bảo toàn được danh hiệu người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam nhưng rốt cuộc, ông chủ Hoàng Anh Gia Lai không thắng được sức vươn lên của chủ tịch Vingroup.

Kể từ năm 2010 đến 2015, tỷ phú trẻ tuổi Phạm Nhật Vượng giữ vị trí người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, với tổng tài sản gia tăng từ mức 17.5000 tỷ đồng lên 30.554 tỷ đồng.

Tài sản của ông Vượng hiện cao gấp 2,5 lần so với người đứng thứ hai, đại gia Trịnh Văn Quyết. Đây cũng là khoảng cách tài sản lớn nhất trong danh sách người giàu trên sàn chứng khoán Việt trong vòng 10 năm qua.

... đến sự rút lui lận đận

Đến năm 2016, với sự lên ngôi của các tỷ phú trẻ mới nổi, ngoại trừ ông chủ Vingroup, những cái tên gạo cội khác trong danh sách người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam đã thụt lùi lại rất sâu, .

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình tính tới ngày 12/10 chỉ còn sở hữu khối tài sản tương đương 1.431 tỷ đồng, ở vị trí thứ 17 trong danh sách người giàu. Dưới một bậc là ông Đặng Thành Tâm, người từng soán ngôi ông Bình vào năm 2007, với khoảng 1.370 tỷ đồng.

Trong khi đó, nếu đầu năm, ông Đoàn Nguyên Đức còn tại vị ở vị trí thứ 3 với gần 4.000 tỷ đồng cổ phiếu thì đến nay, do sự sụt giảm lớn của giá chứng khoán, hơn 347 triệu cố phiếu HAG của vị này chỉ tương đương mức giá 1.794 tỷ đồng, đẩy ông chủ Hoàng Anh Gia Lai xuống vị trí thứ 12 trong bản xếp hạng.

Ngoài trừ công ty FPT của chủ tịch Trương Gia Bình vẫn được đánh giá là nhân vật có sức ảnh hưởng trong ngành dịch vụ công nghệ, hai ông lớn HAG và SIG giờ đây đã không còn ánh hào quang như trước đây.

HAG mở rộng kinh doanh ra ngoài ngành bất động sản, tìm kiếm cơ hội trong ngành nông nghiệp, thủy điện... tại một số thị trường Đông Nam Á. Tuy nhiên, thị trường không thuận lợi, các khoản nợ đến hạn khó có khả năng thanh toán khiến bầu Đức buộc phải bán nhà máy đường, bán thủy điện, và tính toán bán cả rừng cao su, thu hẹp sản xuất.

Trong khi đó, các đơn vị thuộc SIG của ông Đặng Thành Tâm ngày càng lâm vào kinh doanh khó khăn. Cổ phiếu của SaigonTel bị cảnh báo do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối giữa năm 2016 là số âm, cổ phiếu của Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn bị hủy niêm yết vào tháng 5/2015 do thua lỗ liên tiếp trong 3 năm.

Riêng ITA, nơi từng làm nên danh tiếng cho cả ông Tâm và chị gái là bà Đặng Thị Hoàng Yến giờ đây lún sâu vào nợ nần. Dòng tiền yếu, nợ quá hạn chưa trả vượt 80 tỷ đồng, liên tục nhận "tối hậu thư" thu hồi dự án do chậm tiến độ, ITA giờ đây chỉ còn là cổ phiếu rau, có mức giá giao dịch dưới 5.000 đồng, khác xa với năm 2007, khi mức giá duy trì ở khoảng 125.000 đồng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại