Cuộc phản công của Ukraine và ván cược nhiều rủi ro đối với Tổng thống Biden

Hồng Anh |

Sau hơn một năm chiến sự bùng phát, Ukraine được cho là đang chuẩn bị cho một cuộc phản công lớn trong mùa Xuân mà các quan chức nước này hy vọng sẽ thay đổi cục diện cuộc xung đột.

Mục tiêu của Kiev là phá vỡ vòng kìm kẹp của Nga ở miền Đông và miền Nam đất nước, lấy lại các vùng lãnh thổ đã mất.

Thời gian không đứng về phía Mỹ

Các quan chức Mỹ cho rằng, nếu Ukraine thành công, Tổng thống Putin có thể đồng ý tham gia các cuộc đàm phán hòa bình và nhất trí với những điều khoản mà Ukraine có thể chấp nhận được. Nhưng nếu Kiev thất bại, xung đột có khả năng biến thành một cuộc chiến tiêu hao kéo dài. Tổng thống Putin từng tuyên bố rằng trong kịch bản đó, thời gian sẽ đứng về phía Nga.

Cuộc phản công của Ukraine và ván cược nhiều rủi ro đối với Tổng thống Biden - Ảnh 1.

Binh sỹ Ukraine trên chiến tuyến gần Bakhmut. Ảnh: Getty

Cuộc phản công của Ukraine cũng có thể tạo ra những tác động nhất định tới nền chính trị nội bộ của Mỹ và các đồng minh châu Âu – những nước đã viện trợ quân sự và kinh tế cho Ukraine. Nếu cuộc tấn công của Ukraine đạt hiệu quả, những nước phương Tây ủng hộ họ sẽ cảm thấy như trút được gánh nặng, trái lại sự ủng hộ về mặt chính trị và quân sự của họ dành cho Kiev sẽ bị xói mòn. Nhưng Tổng thống Ukraine Zelensky không phải nhà lãnh đạo duy nhất đang “chạy đua với thời gian”, nhà lãnh đạo Mỹ Joe Biden cũng vậy.

Ông Michael Kofman, nhà phân tích quân sự kiêm giám đốc Chương trình Nghiên cứu Nga tại CNA nhận định, xét về mặt quân sự “nếu Ukraine càng chần chừ trong việc khởi động cuộc phản công thì họ sẽ càng gặp nhiều khó khăn bởi Nga sẽ có thêm nhiều thời gian để củng cố các vị trí phòng thủ”.

Xét về quan điểm chính trị, thời gian cũng không đứng về phía Tổng thống Biden. Ở giai đoạn đầu xung đột, dư luận ở Mỹ và châu Âu đã ủng hộ Ukraine một cách rộng rãi, nhưng sự hỗ trợ này dành cho Kiev đã suy yếu hơn khi cuộc chiến kéo dài kéo theo những thiệt hại nghiêm trọng về nhân lực lẫn vật lực. Tổng thống Biden từng cam kết Mỹ sẽ hỗ trợ cho Ukraine “chừng nào còn cần thiết” để đẩy lùi Nga ra khỏi các vùng lãnh thổ. Nhưng các nhà phân tích cho rằng, ông Biden có thể sẽ không giữ được lời hứa nếu ông không chiến thắng trong cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào năm 2023.

Các chuyên gia cho rằng, cuộc phản công của Ukraine có thể chưa diễn ra trong vài tuần nữa khi phần lớn băng tan trong mùa xuân, biến các cánh đồng và con đường ở nông thôn thành những vũng bùn lầy lội, gây khó khăn cho các phương tiện bọc thép trong quá trình di chuyển. Chưa kể, một số phương tiện và trang thiết bị tiên tiến của phương Tây mà chính quyền ông Zelensky mong đợi hiện giờ mới bắt đầu được chuyển tới Ukraine, chẳng hạn như xe tăng hạng nặng của Đức và Anh cùng các phương tiện chiến đấu bọc thép của Mỹ. Quân đội Ukraine cần phải có thời gian để thích nghi, phối hợp và đưa vào vận hành trên chiến trường.

Theo các nhà phân tích, sau khi tiếp nhận các phương tiện chiến đấu mới của phương Tây, Ukraine có thể cố gắng đánh bật Nga ra khỏi khu vực phía Nam và phía Đông đất nước. Mục tiêu đầu tiên nhiều khả năng sẽ là bờ biển phía Đông Nam mà Nga đang kiểm soá, một cây cầu đất liền kết nối Crimea với lục địa Nga. Cựu tướng của Mỹ Douglas Lute cho rằng, “việc cắt đứt cây cầu này sẽ làm suy giảm mạnh mẽ tinh thần và động lực chiến đấu của Nga”.

Bài toán chính trị của ông Biden

Mỹ và Liên minh châu Âu đã gửi hàng nghìn viên đạn pháo cho Ukraine thông qua việc huy động các nhà máy tăng cường sản xuất vũ khí. Washington cũng cung cấp cho Kiev bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất GLSDB có tầm bắn tới 150km, xa hơn so với những loại tên lửa hiện có của Ukraine, nhưng vẫn chưa bằng loại tên lửa tầm xa mà họ đang trông đợi.

Điều đó vẫn chưa đủ, một số nhà phân tích phương Tây lưu ý. “Chúng ta mới chỉ cung cấp các hệ thống mà họ cần cách đây 6 tháng. Xung đột không phải là một phương trình toán học. Phương Tây cần phải cung cấp nhiều hơn mức độ cần thiết”, cựu tướng Douglas Lute nhấn mạnh. Nhưng tại Mỹ, cuộc tranh luận về viện trợ vũ khí cho Ukrine ngày càng nóng lên. Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng, những người đóng thuế tại Mỹ đang phải chi trả quá nhiều cho nỗ lực ủng hộ Ukraine, đồng thời khẳng định ông có thể giải quyết xung đột Nga - Ukraine trong một ngày và các cuộc đàm phán sẽ "rất đơn giản".

"Nếu chiến sự Nga - Ukraine chưa được giải quyết, tôi có thể làm điều đó trong vòng 24 giờ với sự tham gia của Tổng thống Putin và Zelensky", ông Trump nói song từ chối tiết lộ dự định chi tiết.

Thống đốc bang Florida, ông Ron DeSantis cũng tham gia cho rằng Washington không có lợi khi bị “vướng sâu hơn vào tranh chấp lãnh thổ giữa Ukraine và Nga”.

Một cuộc thăm dò dư luận do hãng tin AP tài trợ cho thấy tỷ lệ người Mỹ ủng hộ viện trợ quân sự cho Ukraine đã giảm xuống 48% trong tháng 2/2023 từ mức 60% trong tháng 5/2022. Kết quả thăm dò cũng cho thấy sự chia rẽ sâu sắc giữa đảng phái, với việc ngày càng có nhiều thành viên đảng Cộng hòa phản đối chính sách của ông Biden.

Một số nhà phân tích đánh giá, kết quả cuộc tấn công mùa Xuân của Ukraine có thể ảnh hưởng nhiều hơn đến dư luận. Cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine Steven Pifer lưu ý: “Nếu xung đột trở thành một cuộc chiến khốc liệt không có hồi kết, thì việc duy trì sự ủng hộ của phương Tây đối với Ukraine sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều”. Theo ông Steven Pifer, xung đột càng kéo dài thì Ukraine sẽ càng chịu tổn thất nhiều hơn và người dân phương Tây sẽ mệt mỏi hơn. Trong một cuộc chiến tiêu hao, bên nào có khả năng cầm cự, duy trì thế trận lâu hơn, bên đó sẽ có lợi hơn và thời gian có thể đứng về phía Nga. Để lật ngược tình thế, phương Tây cần phải cung cấp cho Ukraine những gì họ cần ngay lúc này, ông Steven Pifer nhấn mạnh./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại