Cuộc khủng hoảng ngoại giao của Israel

Vũ Thanh |

Israel đang đối mặt với khủng hoảng ngoại giao ở khu vực với Ai Cập, Qatar, Jordan.

Cuộc khủng hoảng ngoại giao của Israel- Ảnh 1.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: Anadolu

Theo hãng thông tấn Anadolu (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 27/1, Israel đang rơi vào một cuộc khủng hoảng ngoại giao khu vực khi có mối quan hệ căng thẳng với Ai Cập, Qatar và Jordan.

Điều này được cho là do các chính sách của Thủ tướng Benjamin Netanyahu mà phe đối lập cho rằng đang đặt "Israel vào tình thế nguy hiểm".

Cuộc khủng hoảng giữa Tel Aviv với ba quốc gia chủ chốt trong khu vực bắt đầu chiếm ưu thế trên các phương tiện truyền thông Israel trong 24 giờ qua.

Với Ai Cập , nhà phân tích chính trị Israel Itamar Eichner mới đây tiết lộ rằng ông Netanyahu đã tìm cách gọi điện cho Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi nhưng bị từ chối.

Chuyên gia Eichner nhận định với tờ Yedioth Ahronoth: “Rõ ràng, Thủ tướng  Netanyahu đã đưa ra đề nghị điện đàm thông qua Hội đồng An ninh Quốc gia Israel, nhưng phía Ai Cập đã không đồng ý. Văn phòng Thủ tướng Israel đã nỗ lực làm dịu mọi chuyện, tuyên bố rằng cuộc gọi sẽ được thực hiện sau. Nhưng nỗ lực điện đàm không thành công của ông Netanyahu có thể liên quan đến những căng thẳng gần đây với Ai Cập với tuyên bố của Israel về Hành lang Philadelphia".

Hành lang Philadelphia là một dải hẹp ở Gaza, kéo dài 14 km dọc theo biên giới giữa vùng đất này và Ai Cập. Theo Hiệp định năm 1979 giữa Ai Cập và Israel, tuyến đường này là khu phi quân sự nằm dưới sự kiểm soát của Israel trước khi Tel Aviv rút khỏi Dải Gaza vào năm 2005.

Ông Netanyahu nhiều lần khẳng định trong những tuần trước rằng Hành lang Philadelphia phải nằm dưới sự kiểm soát của Israel.

Ai Cập đã cảnh báo Israel hồi đầu tuần rằng bất kỳ hành động quân sự nào nhằm tiếp quản Hành lang trên sẽ làm tổn hại đến mối quan hệ giữa Cairo và Tel Aviv.

Tờ Maariv cũng cho rằng cuộc xung đột ở Gaza đặt ra những thách thức cho quan hệ Israel-Ai Cập. Những thách thức đó là mối quan ngại của Ai Cập về dòng người Palestine từ Gaza vào Bán đảo Sinai, cung cấp viện trợ nhân đạo từ Ai Cập đến Gaza thông qua các cửa khẩu Rafah và Kerem Shalom cũng như quyền kiểm soát Hành lang Philadelphia.

Cuộc khủng hoảng ngoại giao của Israel- Ảnh 2.

Binh sĩ Israel triển khai tại Dải Gaza. Ảnh: THX/TTXVN

Với Qatar , một đoạn ghi âm bị rò rỉ của Thủ tướng Netanyahu trong cuộc gặp với gia đình các con tin Israel bị giữ ở Gaza tiết lộ rằng ông chỉ trích nỗ lực hòa giải của Doha giữa Israel và Hamas, nhằm đảm bảo thả các con tin còn lại.

Nhận xét của ông Netanyahu đã gây ra phản ứng gay gắt từ Doha. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Qatar Majed Al-Ansari nêu rõ: ''Chúng tôi kinh hoàng trước những nhận xét được cho là của Thủ tướng Israel trên nhiều phương tiện truyền thông về vai trò hòa giải của Qatar". Ông Al-Ansari nói thêm: “Những nhận xét này, nếu được xác thực, là vô trách nhiệm và phá hoại những nỗ lực cứu những sinh mạng vô tội".

Chính phủ Israel đã tìm cách đổ trách nhiệm về đoạn ghi âm bị rò rỉ cho gia đình các con tin, một tuyên bố bị họ phủ nhận mạnh mẽ. Haim Rubinstein, người phát ngôn của các gia đình có tin bị Hamas giam giữ ở Gaza, phản ứng trong một tuyên bố: “Tất cả các cuộc trò chuyện diễn ra trong cuộc gặp với Thủ tướng Netanyahu đều được văn phòng của ông ấy và các cố vấn có mặt tại cuộc họp ghi lại”.

Liên quan đến Jordan, Chính phủ Israel cho biết họ đang xem xét quyết định không gia hạn thỏa thuận về nước với quốc gia láng giềng phía Đông này, do Amman chỉ trích cuộc tấn công của quân đội Israel nhằm vào Dải Gaza, theo truyền thông Israel.

Đài truyền hình công cộng KAN của Israel thông báo: “Bộ Năng lượng Israel đang xem xét quyết định không gia hạn thỏa thuận về nước với Jordan vì những tuyên bố chống Israel của các quan chức cấp cao Jordan”.

Jordan và Israel có một thỏa thuận trong đó quốc gia Arab này mua 50 triệu mét khối nước từ Tel Aviv theo thỏa thuận hòa bình năm 1994. Năm 2021, hai nước đã ký thỏa thuận cho phép Amman mua thêm 50 triệu mét khối nước từ Israel để đổi lấy sản lượng điện chuyển từ Amman đến Tel Aviv.

Đài truyền hình KAN cho biết: “Quyết định cuối cùng vẫn chưa được đưa ra. Vấn đề phụ thuộc vào diễn biến của mối quan hệ với Jordan và cách phía Jordan bày tỏ lập trường của họ về cuộc chiến trong tương lai gần".

Trang web YNET mới đây cũng lưu ý rằng ông Netanyahu bất đồng với hai nhà hòa giải chủ chốt là Qatar và Ai Cập, trong bối cảnh các cuộc đàm phán để thả con tin Israel. YNET nhấn mạnh rằng mối quan hệ với Doha và Cairo là vô cùng quan trọng để đạt được thỏa thuận với Hamas để thả con tin.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại