Sinh vật "nửa người nửa máy" đầu tiên được thế giới công nhận: Mặt đối mặt ở Barcelona!

Công Khanh |

Với trí thông minh của mình, loài người đang bỏ qua các quy luật tự nhiên để tự tay thiết kế con đường tiến hóa của riêng.

Giống như mọi giống loài trên Trái Đất, con người là sản phẩm của hàng triệu năm tiến hóa. Tuy nhiên, với trí thông minh của mình, chúng ta đang bỏ qua các quy luật tự nhiên để tự tay thiết kế con đường tiến hóa của riêng mình.

Cuộc gặp gỡ thú vị giữa Max, phóng viên National Geographic với Neil Harbisson - người đầu tiên trên thế giới được công nhận là Cyborg (sinh vật "nửa người nửa máy"), sẽ hé lộ cho chúng ta thấy con đường tương lai của loài người. Rất có thể trong tương lai gần, những nhân vật như siêu anh hùng Cyborg trong Liên minh công lý sẽ không còn là chuyện khoa học viễn tưởng.

Sinh vật nửa người nửa máy đầu tiên được thế giới công nhận: Mặt đối mặt ở Barcelona! - Ảnh 1.

"Mặt đối mặt" ở Barcelona

Khi tôi gặp Neil Harbisson ở Barcelona, anh ta trông giống như một tên Hippie, ngoại trừ chiếc ăng-ten màu đen ấn tượng ở phía sau hộp sọ, trên mái tóc vàng của anh.

Harbisson, 34 tuổi, mặc một chiếc áo sơ mi màu xám có khóa kéo với một chiếc áo khoác màu đen và chiếc quần màu xám. Sinh ra ở Belfast và lớn lên ở Tây Ban Nha, anh mắc phải một căn bệnh hiếm gặp gọi là achromatopsia, khiến anh không thể cảm nhận được màu sắc. Tuy nhiên, chiếc ăng-ten đã giúp anh thay đổi điều đó.

Harbisson chưa bao giờ cảm thấy việc sống trong một thế giới đen trắng là một khiếm khuyết. "Tôi nhìn được xa hơn. Ngoài ra, tôi có thể ghi nhớ hình dạng dễ dàng hơn vì màu sắc không làm tôi phân tâm", anh nói với tôi.

Tuy nhiên, anh cũng tò mò sâu sắc về mọi thứ sẽ trông như thế nào nếu có màu sắc. Sau khi được đào tạo để trở thành một nhạc sĩ, anh đã có ý tưởng cảm nhận màu sắc thông qua âm thanh. Vào những năm đầu ở độ tuổi 20, anh đã tìm được một bác sĩ phẫu thuật (đến giờ vẫn còn ẩn danh), người đã đồng ý cấy ghép một thiết bị giúp nâng cấp cơ thể sinh học của anh.

Cảm biến sợi quang xác định các màu sắc trước mặt anh, và một con chip nhỏ được cấy vào hộp sọ của anh sẽ chuyển đổi tần số của chúng thành những rung động ở phía sau đầu. Chúng trở thành những tần số âm thanh, biến hộp sọ của anh thành một cái tai thứ ba.

Sinh vật nửa người nửa máy đầu tiên được thế giới công nhận: Mặt đối mặt ở Barcelona! - Ảnh 2.

12.500 năm trước - Tiến hóa để sống ở địa hình núi cao: Hầu hết chúng ta cảm thấy khó thở khi leo núi bởi vì phổi của chúng ta phải làm việc nhiều hơn để có thể hấp thu được lượng oxy ít ỏi trong không khí loãng. Tuy nhiên, những cư dân sống ở dãy Andes có một đặc tính di truyền cho phép hemoglobin của họ gắn kết được nhiều oxy hơn.

Anh đã xác định chính xác chiếc áo khoác của tôi là màu xanh lam, và chiếc áo khoác của Moon Ribas, một vũ công, là màu vàng - chính xác là màu vàng mù tạt, nhưng anh ấy đã giải thích rằng ở Catalonia "chúng tôi không dùng mù tạt".

Khi tôi hỏi Harbisson cách bác sĩ đã gắn thiết bị cho anh, anh vui vẻ vạch phần tóc ở phía sau đầu ra để cho tôi xem điểm vào của chiếc ăng-ten. Thịt màu hồng nhạt được ấn xuống bởi một tấm hình chữ nhật với hai thiết bị neo. Một cái là microchip rung, và cái còn lại là một trung tâm truyền thông Bluetooth, vì vậy bạn bè có thể gửi cho anh màu sắc thông qua chiếc smartphone.

Vượt qua giới hạn của con người

Giờ đây, chiếc ăng-ten đã trở thành một phần cơ thể của Harbisson. Thế giới bây giờ càng trở nên thú vị hơn với anh. Qua thời gian, anh cảm thấy chiếc ăng-ten không còn giống như thị giác hay thính giác nữa mà đã trở thành giác quan thứ sáu.

Tuy nhiên, phần hấp dẫn nhất của chiếc ăng-ten là nó mang lại cho anh những khả năng mà chúng ta không có. Khi nhìn những chiếc đèn trên trần nhà, anh cảm nhận được những tia hồng ngoại kích hoạt chúng đang tắt. Khi liếc nhìn những người trồng cây, anh có thể "nhìn thấy" các dấu hiệu của tia cực tím ở phần mật hoa nằm ở trung tâm của những bông hoa. 

Anh không chỉ có những khả năng của con người bình thường mà đã vượt qua chúng. Anh chính là bước khởi đầu trong mục tiêu mà Ray Kurzweil, một nhà tương lai học, đã đề cập trong cuốn sách nổi tiếng của ông "The Singularity Is Near" - "sự mở rộng tiềm năng to lớn của con người".

Tuy nhiên, kể từ khi trở thành cyborg chính thức đầu tiên trên thế giới (anh đã thuyết phục chính phủ Anh cho phép đeo ăng-ten trong ảnh hộ chiếu của mình bằng cách lập luận rằng nó không phải là một thiết bị điện tử, mà là một phần mở rộng của bộ não của anh), anh cũng đã trở thành một "người truyền giáo".

Ribas nhanh chóng theo bước anh bằng cách cấy ghép một nam châm rung vào cánh tay của cô. Thiết bị này được kết nối với một màn hình địa chấn trong điện thoại của cô cho phép cô nhận được các báo cáo về động đất trong thời gian thực. Điều đó khiến cô có cảm giác mình đang kết nối với các chuyển động của Trái đất. "Tôi đoán là mình đã ghen tị", cô nói.

"Chúng ta sẽ vượt qua tất cả những hạn chế sinh học của con người", Kurzweil khẳng định. "Đó là ý nghĩa của con người - để mở rộng khả năng của chúng ta".

Rõ ràng chiếc ăng-ten của Harbisson chỉ là bước khởi đầu. Nhưng có phải chúng ta đang trên đường định nghĩa lại cách chúng ta tiến hóa? 

Sự tiến hóa hiện nay không chỉ là sự chọn lọc tự nhiên của các gen mong muốn, mà còn là tất cả mọi thứ chúng ta có thể làm để khuếch đại sức mạnh của chúng ta và sức mạnh của những thứ mà chúng ta tạo ra - một liên minh gen, văn hóa và công nghệ? Và nếu vậy, nó sẽ dẫn chúng ta đến đâu?

Thuyết tiến hóa có còn đúng?

Con người vẫn không ngừng tiến hóa. Có nhiều ví dụ thực tế gần đây chứng minh cho điều này. Những thổ dân châu Úc sống trong vùng khí hậu sa mạc có một biến thể di truyền, được phát triển trong khoảng 10.000 năm qua, cho phép họ thích nghi dễ dàng hơn với nhiệt độ cực cao. 

Những người Eskimo ở đảo Greenland có một đặc điểm thích nghi giúp họ tiêu hóa các axit béo omega-3 trong cá tốt hơn nhiều so với chúng ta.

Trong 50 năm qua, các nhà nghiên cứu đã khám phá ra nhiều đặc điểm thích nghi ở những cư dân sống ở dãy Andes, Ethiopia và Tây Tạng cho phép họ hô hấp hiệu quả hơn trong điều kiện không khí loãng ở địa hình núi cao. Chẳng hạn, những người dân bản địa ở dãy Andes giữ được lượng oxy trong máu cao hơn chúng ta.

Sinh vật nửa người nửa máy đầu tiên được thế giới công nhận: Mặt đối mặt ở Barcelona! - Ảnh 3.

8.000 năm trước - Tiến hóa để thích nghi với khí hậu sa mạc: Những cư dân ở Sahul, phần lục địa đã từng hợp nhất Australia, New Guinea và Tasmania, đã phát triển một đặc điểm thích nghi cho phép họ sống sót dưới nhiệt độ đóng băng vào ban đêm và ban ngày thường vượt quá 37 độ C.

Đầu cuốn "Nguồn gốc muôn loài", Charles Darwin đã lập luận rằng: "Chọn lọc tự nhiên, như chúng ta thấy, là một sức mạnh sẵn sàng hành động không ngừng, và vô cùng vượt trội so với những nỗ lực yếu kém của con người".

Cuốn sách được xuất bản năm 1859. Tuy nhiên, những điều trong đó có còn đúng trong ngày hôm nay?

Trong thế giới của chúng ta bây giờ, động lực chính cho sự tiến hóa là công nghệ. Đó là bởi vì tiến hóa tự nhiên không còn phù hợp với tốc độ và sự đa dạng của cuộc sống hiện đại.

Nếu bộ máy di truyền của con người là một công ty công nghệ, nó sẽ bị phá sản khi động cơ hơi nước xuất hiện. Kế hoạch kinh doanh của nó là kêu gọi một đặc điểm thuận lợi xuất hiện một cách tình cờ và sau đó lan truyền bằng sinh sản hữu tính.

Phương thức này có thể hiệu quả ở loài chuột bởi vì chúng có thể tạo ra một lứa mới trong ba tuần. Tuy nhiên, ở con người mọi thứ diễn ra chậm hơn nhiều. Để tạo ra một thế hệ mới, chúng ta phải mất từ 25 đến 35 năm hoặc lâu hơn.

Với tốc độ này, có thể mất hàng ngàn năm để có được một đặc điểm thuận lợi được lan truyền khắp dân số. Với các giao thức cồng kềnh của tiến hóa sinh học, không có gì bất ngờ khi công nghệ sẽ thay thế nó.

Công nghệ hiện nay thực hiện nhiều công việc tương tự với tốc độ nhanh hơn nhiều: Nâng cao thể chất của chúng ta, giúp chúng ta thông minh hơn, và cho phép chúng ta sống trong môi trường mới khắc nghiệt hơn.

* Còn tiếp…

Nguồn: National Geographic/Tác giả: D.T. Max

Ảnh minh họa: Owen Freeman

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại