Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 2023 đã chính thức khai mạc tại thành phố San Francisco, bang California, Mỹ. Ngoài hội nghị, một trong các sự kiện được dư luận đặc biệt chú ý, đó chính là cuộc gặp dự kiến giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ diễn ra vào tuần tới.
Đây sẽ là cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một năm qua. Kể từ tháng 11 năm ngoái, tại Hội nghị Thượng đỉnh G20, hai nhà lãnh đạo cấp cao Mỹ và Trung Quốc không có cuộc gặp trực tiếp nào. Và cũng kể từ đó đến nay, 2 siêu cường cũng nỗ lực để giảm bớt căng thẳng.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp nhau bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm 2022 ở Indonesia. Ảnh: Reuters
Trong thời gian qua, Trung Quốc và Mỹ thường xuyên có những tương tác trên nhiều lĩnh vực và thúc đẩy các chuyến thăm con thoi của giới chức hai nước tới quốc gia của nhau nhằm xoa dịu quan hệ song phương. Thông qua các chuyến thăm, hai bên cũng cùng phát đi tín hiệu tích cực về việc ổn định và cải thiện quan hệ song phương. Mặc dù còn nhiều khác biệt với nhiều vấn đề chưa được giải quyết, song cả Mỹ và Trung Quốc đều tin rằng việc duy trì đối thoại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới là cần thiết và có lợi cho hai bên.
Cuộc gặp thượng đỉnh lần này được xem là chỉ dấu quan trọng nhằm giải quyết những căng thẳng trong quan hệ giữa 2 nước lớn. Ông Vinnie Aggarwal, Giáo sư khoa học chính trị thuộc trung tâm Apec Berkeley nhận xét: “Việc người đứng đầu Mỹ và Trung Quốc gặp nhau là một ý tưởng rất hay vì giữa hai nước đang tồn tại nhiều bất đồng trong các vấn đề về chất bán dẫn, chuyển giao công nghệ và những thứ tương tự. Đây sẽ là cơ hội để hai bên ngồi lại với nhau tìm giải pháp ổn định quan hệ giữa hai nước lớn. Cuộc gặp bền lề APEC là thời điểm quan trọng và có thể là bước ngoặt trong quan hệ Mỹ - Trung, vốn đã xấu đi trong nhiều năm qua”.
Ngoài ổn định quan hệ Mỹ - Trung, cuộc gặp thượng đỉnh lần này cũng được kỳ vọng sẽ đặt nền móng cho sự hợp tác mang tính xây dựng giữa 2 nước trong tương lai trong việc giải quyết một số vấn đề lớn của thế giới, đặc biệt là về một số vấn đề toàn cầu cấp bách nhất như Trung Đông, Ukraine. Việc quản lý hiệu quả các mâu thuẫn, đối đầu, cũng như tìm ra các giải pháp nhằm tăng cường hợp tác, đối thoại giữa Mỹ và Trung Quốc không chỉ mang lại hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung của hai nước mà cả thế giới.
Chuyên gia về mối quan hệ Mỹ - Trung thuộc viện Brookings Patricia Kim nói: “Kết quả quan trọng từ hội nghị APEC lần này phải là những cam kết vững chắc, một tín hiệu mà cả Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cần Bình cần phải phát đi. Đó là họ có ý định đưa mối quan hệ Mỹ - Trung đi vào chiếu hướng ổn định và mang tính xây dựng hơn. Điều này không chỉ có lợi cho 2 nước mà cả thế giới”.
Trước đó, theo thông báo được Nhà Trắng đưa ra hôm qua, cuộc gặp sẽ được tổ chức vào ngày 15/11. Chương trình nghị sự của hội đàm dự kiến đề cập đến quan hệ song phương cho đến các vấn đề toàn cầu như xung đột Hamas - Israel, xung đột Nga – Ukraine, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), cũng như lĩnh vực thương mại và kinh tế.
Trong khi đó cùng ngày, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng thông báo, nhận lời mời của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đến San Francisco từ ngày 14 - 17/11, gặp Tổng thống nước chủ nhà Joe Biden và tham dự Hội nghị Các nhà lãnh đạo kinh tế APEC.