Cuộc đua xuất khẩu vũ khí khốc liệt: Mỹ cho Nga "hít khói", giữ vững ngôi vương

Tất Đạt |

Với đà tăng trưởng mạnh, Mỹ tiếp tục bỏ xa các quốc gia khác trong lĩnh vực xuất khẩu vũ khí.

Nga "hụt hơi" trong cuộc đua

Doanh số bán vũ khí toàn cầu đang có chiều hướng tăng - tỉ lệ thuận với những cuộc mâu thuẫn và thương vong từ chiến tranh. Mỹ và đồng minh là những quốc gia hưởng lợi nhiều nhất. Trong khi đó, doanh số vũ khí bán ra của Nga bắt đầu giảm.

Theo một bài viết trên tờ Bloomberg, đây là dấu hiệu cho thấy "ván cược" của tổng thống Vladimir Putin không đem lại ảnh hưởng lâu dài.

Thế giới đã giảm bớt đổ máu rất nhiều từ sau những năm 1950, nhưng con số vũ khí bán ra trong những năm gần đây lại tăng lên rất nhiều. Mối đe dọa từ Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), vụ đụng độ ở miền đông Ukraine,... là những ví dụ điển hình nhất cho những mâu thuẫn thời hiện đại.

Số người thiệt mạng vì đụng độ vũ trang còn gia tăng mạnh hơn thế - theo như Chương trình Dữ liệu Chiến tranh Uppsala. Từ năm 2011 tới năm 2017, số người thiệt mạng hàng năm do các cuộc giao tranh lên tới gần 97.000 người, gấp 3 lần so với giai đoạn 7 năm trước đó.

Cuộc đua xuất khẩu vũ khí khốc liệt: Mỹ cho Nga hít khói, giữ vững ngôi vương - Ảnh 1.

Doanh số bán vũ khí của Mỹ tiếp tục tăng, lượng xuất khẩu của Nga giảm mạnh. Ảnh: Bloomberg/SIPRI

Điều này giúp lí giải phần nào con số gia tăng 7,8% trong doanh số vũ khí được bán ra toàn cầu trong giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2018 - so với giai đoạn 5 năm trước đó - trong dữ liệu mới nhất của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), cơ quan quốc tế chuyên nghiên cứu về giao dịch vũ khí. Khu vực Trung Đông đã mua vũ khí với một tỉ lệ đáng báo động: dòng vũ khí chuyển tới vùng này đã gia tăng tới 87% trong vòng 5 năm trở lại đây.

Nga đã góp mặt trong một số cuộc giao tranh đẫm máu, tuy nhiên số vũ khí Nga bán ra không cao như dự kiến. Quốc gia này là nước duy nhất trong 5 nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu của thế giới có doanh số sụt giảm mạnh. Hiện tại, Nga vẫn đứng thứ 2 trong số các nước bán vũ khí trên thế giới.

SIPRI có hệ thống riêng, và khá phức tạp, để đánh giá số lượng vũ khí được bán ra, dựa trên giá trị quân sự của các thiết bị hơn là giá của chúng trên thị trường. Nhưng kể cả khi quy ra tiền mặt, thì Nga vẫn đứng sau Mỹ.

Các đối tác của Mỹ - Nga

Tháng trước, ông Yury Borisov, Phó Thủ tướng Nga phụ trách công nghiệp quốc phòng, nói Nga đã ổn định chạm mốc 15 tỉ USD vũ khí bán ra mỗi năm và hi vọng sẽ giữ được thành tích này. Điều này khiến các chuyên gia tin rằng doanh số bán vũ khí của Nga đã chạm đỉnh.

Ngược lại, Mỹ kết thúc năm 2018 với 55,6 tỉ USD giá trị vũ khí bán ra, cao hơn 33% so với năm 2017 - nhờ chính sách của ông Trump trong lĩnh vực xuất khẩu vũ khí. Theo số liệu của SIPRI, xuất khẩu Mỹ cao hơn Nga 75% trong giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2018 - cách biệt xa hơn nhiều so với giai đoạn 5 năm trước đó.

Đối với Mỹ, các quốc gia Trung Đông đặc biệt quan trọng - cụ thể là Ả Rập Saudi, khách hàng lớn nhất thế giới trong lĩnh vực vũ khí, và cả Qatar - "cái gai trong mắt" Ả Rập Saudi. Khoảng 52% doanh số bán vũ khí của Mỹ được đưa tới Trung Đông trong 5 năm vừa qua.

Dưới thời tổng thống Mỹ Donald Trump, mối quan hệ với Ả Rập Saudi càng đem lại nhiều lợi ích hơn cho ngành vũ khí quốc phòng Mỹ.

Đối với Nga, trong cùng giai đoạn nói trên, Trung Đông chỉ đóng góp 16% khối lượng xuất khẩu và phần còn lại hầu hết được bán cho Ai Cập và Iraq.

Các đối tác chính của vũ khí Nga là Ấn Độ, Trung Quốc và Algeria - nhưng khối lượng bán tới Ấn Độ đã giảm mạnh khi chính phủ nước này tìm cách đa dạng hóa các nguồn hàng và mua nhiều hơn từ Mỹ, Hàn Quốc, và thậm chí từ Ukraine.

Nhiều nhà thầu máy bay chủ chốt ở Ấn Độ đã chuyển sang mua hàng của Mỹ. Sự suy sụp trong nền kinh tế của Venezuela - một trong những khách hàng lớn khác của Nga - và biến động chính trị ở Algeria cũng khiến doanh số bán vũ khí của Nga sụt giảm nghiêm trọng.

Bloomberg cho hay, doanh số bán vũ khí có lẽ phản ánh rõ ràng nhất ảnh hưởng quốc tế của các cường quốc quân sự. Thị trường vũ khí không chỉ có cạnh tranh về giá cả và chất lượng; mà đó còn là về mối quan hệ đồng minh lâu dài, đồng minh theo thời điểm.

Khoảng cách ngày càng mở rộng giữa xuất khẩu của Mỹ và Nga cho thấy mục tiêu mở rộng ảnh hưởng của Nga tại các khu vực như Trung Đông đã thất bại.

Mặc dù mối quan hệ của ông Putin với tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah el-Sisi và đồng minh Iran đã tốt đẹp hơn - và bù đắp được phần nào, nhưng sẽ không thể thay thế được những gì đã mất ở các khu vực khác.

Các nước đồng minh của Mỹ, bao gồm Pháp, Đức và Anh, đã nhanh chóng chiếm được thị phần lớn. Nhờ tầm ảnh hưởng của Mỹ, cánh cửa xuất khẩu vũ khí đã mở ra không ít cơ hội cho đồng minh của Washington, đặc biệt đối với các quốc gia khó có thể thiết lập quan hệ đối tác với Nga và Trung Quốc.

Nhiều người cho rằng Mỹ đã thất bại trong việc dẫn đầu thế giới về tầm ảnh hưởng. Nhưng nếu sử dụng doanh số bán vũ khí để đánh giá, thì sự hiện diện của Mỹ vẫn khó có thể bị đánh bại. Giữa bối cảnh thế giới đầy cạnh tranh, mâu thuẫn, Mỹ đang thực hiện khá tốt năng lực của mình trong khi các đối thủ khác bị bỏ lại phía sau.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại