Trước các diễn biến leo thang của thương chiến Mỹ-Trung, Mỹ tăng cường kiểm tra các khoản đầu tư từ Trung Quốc (TQ), ban hành các lệnh cấm đối với doanh nghiệp TQ và áp đặt các quy định nhập cư ngặt nghèo đối với các chuyên gia gốc Hoa. Nhưng cũng chính từ những khó khăn này TQ đã nắm bắt cơ hội xây dựng “tài sản cốt lõi” để vươn lên dẫn đầu một trong những ngành công nghệ được kỳ vọng sẽ đem đến nhiều đột phá trong tương lai: Trí tuệ nhân tạo (AI).
AI và an ninh quốc gia
Bên cạnh những đóng góp vào phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống, công nghệ AI cũng đang từng bước thay đổi bộ mặt của lĩnh vực quân sự. Các vũ khí được trang bị công nghệ AI hỗ trợ như các hệ thống nhận dạng mục tiêu, hoặc các loại vũ khí do AI trực tiếp điều khiển phần lớn đều mang lại khả năng thực chiến hiệu quả mà không cần sự can thiệp của con người.
Theo chuyên gia James Johnson thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury (Mỹ), Lầu Năm Góc từ lâu đã nhận ra rằng AI sẽ biến đổi đáng kể hay thậm chí định hình lại thế cân bằng quân sự giữa các cường quốc thế giới. Trước tình hình đó, Washington đặt mục tiêu phải đuổi kịp và sau đó vượt mặt hai đối thủ hiện tại đã đạt được những thành tựu nhất định trong nghiên cứu phát triển công nghệ AI là Nga và TQ.
Tờ Military Times dẫn một báo cáo hồi tháng 2-2019 khẳng định ở tương quan lực lượng hiện tại, TQ hoàn toàn có thể đánh bại Mỹ về các khoản đầu tư phát triển AI phục vụ quân sự. Thậm chí Bắc Kinh cũng được cho là đang mở một số dự án liên quan nhằm khai thác các điểm yếu của Mỹ thông qua lợi thế vượt trội của loại công nghệ đặc biệt này.
Hồi năm 2018, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã cho thành lập một cơ quan đặc biệt - Trung tâm Nghiên cứu trí tuệ nhân tạo chung (JAIC) trực thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ - với nhiệm vụ thúc đẩy quá trình phát triển công nghệ AI trong nước, đồng thời phối hợp với các tập đoàn công nghệ tư nhân nhanh chóng áp dụng công nghệ này vào các hoạt động quân sự. Động thái này tuy nhiên cũng đặt ra một số lo ngại về nguy cơ những công nghệ do Mỹ thiết kế có thể bị rò rỉ cho TQ.
Bên cạnh các cáo buộc TQ ăn cắp tài sản trí tuệ, Washington còn chỉ trích Bắc Kinh đã trợ cấp “không công bằng” cho các tập đoàn công nghệ của nước này. Washington trong năm 2019 đã thêm “gã khổng lồ viễn thông” Huawei vào danh sách các thực thể bị hạn chế hoạt động ở Mỹ và sắp tới có thể sẽ nhắm vào những công ty khởi nghiệp nhỏ hơn.
Trung Quốc nắm bắt thời cơ
Theo tờ The South China Morning Post, Washington tính đến tháng 10 đã thêm 28 cơ quan và công ty TQ vào danh sách hạn chế. Tám trong số này là công ty phát triển AI bị cấm mua bán những linh kiện quan trọng từ Mỹ để phát triển công nghệ này.
Chủ tịch quỹ đầu tư Sinovation Ventures (TQ) Ning Tao cho rằng những hạn chế trên đã gây ra nhiều tác động nghiêm trọng hơn trong thời gian gần đây, đặc biệt là đối với các công ty khởi nghiệp. “Điều này đã gây khủng hoảng và làm chậm tốc độ phát triển của chúng tôi. Nhưng nó cũng đưa ra cho chúng tôi một bài học về tầm quan trọng của việc đầu tư vào nghiên cứu khoa học cơ bản” - bà Tao cho biết.
Chúng tôi dựa vào tài năng khoa học và công nghệ để đạt được những bước đột phá, vì vậy điều quan trọng nhất là chúng tôi thu hút được nhiều nhân tài hơn. Hơn nữa, những phát minh mới trong những bài báo học thuật không phải là những thứ có thể bị một quốc gia khác cấm cản hay gây khó khăn.
Bà NING TAO, Chủ tịch quỹ đầu tư Sinovation Ventures (TQ)
Tuy nhiên, bà Tao cũng khẳng định chính những chính sách ngặt nghèo này của Washington đã khiến Bắc Kinh nỗ lực hơn và có thể vượt mặt Mỹ trong lĩnh vực AI. Trong khi Mỹ gây khó dễ với những nhà nghiên cứu người TQ hay người Mỹ gốc TQ, Bắc Kinh lại chớp lấy thời cơ và tìm cách lôi kéo những nhân tài này về nước. “Nhân tài chính là tài sản cốt lõi để giúp TQ trỗi dậy trong lĩnh vực này” - bà Tao tuyên bố.
Tờ South China Morning Post cho rằng các lãnh đạo TQ muốn đưa nước này lên vị trí số một trong lĩnh vực phát triển AI trước năm 2030 với giá trị ngành trong nước dự báo đạt khoảng 150 tỉ USD vào thời điểm đó. Với lợi thế nắm giữ kho dữ liệu người dùng cá nhân khổng lồ thông qua các ứng dụng dựa trên AI trong những năm gần đây, “thứ TQ còn thiếu chỉ là những bước đột phá trong công nghệ cốt lõi và nghiên cứu để củng cố vị thế dẫn đầu của mình” - Chủ tịch quỹ đầu tư Sinovation Ventures, bà Ning Tao, kết luận.
Mỹ cảnh báo vũ khí Trung Quốc “kém chất lượng”
Tuyên bố hôm 31-10 với đại diện nhiều quốc gia tại Trung tâm Quốc tế Meridian ở thủ đô Washington, D.C., trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách các vấn đề chính trị - quân sự Clarke Cooper khẳng định vũ khí của Trung Quốc (TQ) chất lượng kém, không chỉ sát thương kẻ địch mà còn sát thương cả chính quân mình.
“TQ đang lợi dụng việc chuyển giao vũ khí như cách để thâm nhập, từ đó lợi dụng để gây ảnh hưởng và thu thập tình báo” - ông Cooper cho biết, đồng thời chỉ trích Bắc Kinh đang cố gắng tăng thị phần bán vũ khí bằng những biện pháp như giảm giá bán, bẫy nợ hay hối lộ nhằm “làm giảm ảnh hưởng của Mỹ trên bình diện quốc tế”. Ông Cooper cũng đề cập đến việc nhiều quốc gia Trung Đông mua máy bay không người lái CH-4 của TQ “nhưng nhanh chóng bị hỏng sau vài tháng sử dụng” và khách hàng đang loay hoay tìm cách loại bỏ chúng.