Nhà thám hiểm người Anh Robert F. Scott đã viết trong nhật ký như sau: "Một buổi chiều khó nhọc khác và thêm năm dặm nữa. Cơ hội của chúng tôi vẫn còn nếu chúng tôi tiếp tục nỗ lực, thế nhưng đây là quãng thời gian thử thách khủng khiếp".
Đó là vào giữa tháng 1/1912, đoàn thám hiểm của Scott đã đi được gần 1290 km trong hành trình đến một trong những địa điểm cuối cùng được khám phá trên Trái Đất. Trong suốt chuyến đi, năm người đàn ông đã phải chịu đựng những cơn bão tuyết khắc nghiệt.
Giờ đây họ chỉ còn cách đích chưa đầy 130 km, nhưng câu hỏi duy nhất vẫn luôn hiện diện trong tâm trí của họ: Họ là nhóm người đầu tiên trong lịch sử đặt chân đến điểm Cực Nam hay là thứ hai?
Cuộc hành trình khó khăn của Scott bắt đầu từ hơn một năm trước đó, khi con tàu Terra Nova của ông cập bến đảo Ross ở McMurdo Sound, Nam Cực. Ông đã để lại 34 thành viên bên bờ biển làm nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và thu thập mẫu vật.
Trước khi rời đi, Scott thề "sẽ đến được Cực Nam và đảm bảo Đế quốc Anh sẽ giành được vinh quang này".
Nhiệm vụ của Scott được thực hiện cấp bách hơn khi ông biết tin một nhà thám hiểm khác cũng đang tìm được tới tận cùng Trái Đất. Roald Amundsen là một người Na Uy 39 tuổi, giành gần như cả cuộc đời để khám phá những vùng đất xa xôi trên thế giới.
Amundsen từng đến Nam Cực vào những năm cuối thế kỷ 19, sau này trở thành người đầu tiên trong lịch sử từng đi thuyền buồm từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương thông qua Hành lang Tây Bắc nguy hiểm.
Năm 1909, Amundsen thông báo một cuộc thám hiểm mới hướng đến Bắc Cực. Sau khi biết hai nhà thám hiểm người Mỹ Frederick Cook và Robert Peary lần lượt là những người đầu tiên chinh phục Cực Bắc, Amundsen bí mật thay đổi kế hoạch.
Ông hướng con tàu Fram đến Nam Cực mà không nói cho nhà tài trợ, thậm chí cả các thuyền viên của mình ngay từ đầu. Trước khi đến nơi, Amundsen gửi một bức thư cho Scott, khi đó đang chuẩn bị cho một cuộc thám hiểm ở Úc, với nội dung như sau: "Xin thông báo với ngài Fram đang hướng tới Nam Cực. Amundsen."
Chuyến thám hiểm người Na Uy được hưởng một vài lợi thế trong cái thứ mà báo chí gọi là "cuộc đua đến Cực Nam". Amundsen hạ trại ở Thềm băng Ross thuộc vịnh Cá Voi, địa điểm này gần địa cực hơn 96 km so với với trại của Scott ở McMurdo Sound.
Và không giống như Scott, thám hiểm và mang nặng trách nhiệm làm khoa học, Amundsen chỉ tập trung vào việc đến được đích và trở về an toàn.
Sau khi giành thời gian đầu năm 1911, chuẩn bị thực phẩm và vật tư cho chuyến đi, đoàn của Amundsen và Scott mất vài tháng trong nơi trú ẩn để đợi cho qua mùa đông lạnh lẽo và tối tăm của Nam Cực.
Amundsen đã cố gắng khởi đầu chuyến đi trước đầu tháng 9/1911, nhưng buộc phải quay lại do nhiệt độ xuống dưới âm 68 độ. Ngày 20/10/1911, điều kiện chuyển biến tốt đủ để nhóm gồm năm người đàn ông của Amundsen khởi hành đến Cực Nam. Đến ngày 1/11, đội của Scott cũng lên đường.
Amundsen và Scott lựa chọn phương thức chuyên chở khác nhau. Scott sử dụng kết hợp chó kéo, ngựa Mãn Châu và cả một vài máy kéo cơ giới.
Máy móc nhanh chóng bị hỏng, còn đàn ngựa yếu dần, buộc ông phải bắn bỏ. Sau khi gửi những con chó trở về trại, đội của Scott buộc phải dành phần lớn hành trình kéo những xe trượt chở hàng nặng bằng sức người.
Trong khi đó, Amundsen dựa hoàn toàn vào ván trượt và chó kéo xe băng qua vùng lãnh nguyên. Đàn chó giúp những người đàn ông tiết kiệm sức lực của mình. Sau đó các nhà thám hiểm đã giết những con yếu nhất để bổ sung nguồn cung cấp thực phẩm.
Nhờ tốc độ của đàn chó, đội của Amundsen dẫn đầu cuộc đua đến địa cực với tốc độ hơn 32 km một ngày. Những người Na Uy đi vào một con đường chưa được kiểm tra, buộc họ phải băng qua mê cung lạnh giá với các vết nứt nguy hiểm, núi và sông băng.
Tuy nhiên đến tháng 12/1911, họ đã đi sâu hơn vào lục địa Nam Cực hơn bất cứ ai trong lịch sử. Sau này Amundsen viết lại rằng ông có cùng cảm giác giống như một cậu bé vào đêm trước Giáng sinh –một hy vọng mãnh liệt vào điều sắp xảy ra.
Cuối cùng, ngày 14/12/1914, ông và đồng đội đã đến được Cực Nam của Trái Đất. Họ cắm cờ Na Uy, hút xì gà ăn mừng và tạo dáng chụp ảnh lưu niệm. \
Nhưng họ chỉ ở đó vài ngày trước khi bắt đầu chuyến đi gian khổ trở về căn cứ. Amundsen đã viết: "Mục tiêu đã đạt được, cuộc hành trình của chúng tôi đã kết thúc".
Hơn một tháng sau đó, ngày 17/1/1912, Scott và nhóm người Anh mệt mỏi cũng đến được Cực Nam. Tinh thần suy sụp hơn khi họ phát hiện tàn tích trại của Amundsen ngay khi đang tiến đến đích cuối.
Scott đã viết lại trong nhật ký: "Lạy Chúa! Đây là một nơi tồi tệ và đủ khủng khiếp cho chúng tôi vì đã lao động cực nhọc để đến mà không giành được vị trí đầu tiên".
Scott đã chinh phục được Cực Nam nhưng rắc rối mới chỉ bắt đầu. Đoàn thám hiểm người Anh đã chạm đến thời điểm cuối mùa hè ở Nam Cực và nhiệt độ bắt đầu giảm nhanh chóng.
Họ bắt đầu tiến chậm chạp về phía Bắc trong tình trạng kiệt sức, tê cóng và suy dinh dương đang lan rộng trong đội. Ngày 17/2, hơn 20 ngày sau khi đội của Amundsen trở về căn cứ, Edgar Evans trở thành người đầu tiên trong đội của Scott tử vong.
Sau đó một tháng, Lawrence Oates đã hy sinh bản thân trong một trận bão tuyết để không làm chậm các đồng đội. "Tôi chỉ đi ra ngoài và có thể mất một lúc", ông nói trước khi rời khỏi lều và biến mất.
Robert Scott, Edward Wilson và Henry Bowers tiếp tục hành trình thêm vài ngày, nhưng nhiệt độ tiếp tục lao dốc. Họ bị kẹt trong một trận bão tuyết tại vị trí cách một trong những kho cung cấp của họ chưa đầy 18 km. Cả ba chết dần trong căn lều của họ chỉ vài ngày sau đó.
Scott đã viết những dòng nhật ký cuối cùng như sau: "Chúng tôi sẽ nỗ lực tới cùng, nhưng chúng tôi đang yếu dần, tất nhiên, cái kết có thể không còn xa. Có vẻ thật đáng tiếc, nhưng tôi không nghĩ tôi có thể viết nhiều hơn nữa."
Vào thời điểm tháng 11 năm đó, Amundsen đã trở về nhà với niềm hân hoan và tiến hành một chuyến diễn thuyết. Mặc dù thắng cuộc đua mà không mất một người nào, Amundsen dường như bị lu mờ bởi Scott. Cái chết của Scott khiến ông trở thành anh hùng ở nước Anh quê nhà của mình.
Không nản lòng, Amundsen tiếp tục những cuộc phiêu lưu, ông thậm chí đã khám phá Bắc Cực cả trên biển lẫn trên không. Ông lái khinh khí cầu đến Cực Bắc năm 1926. Hai năm sau, Amundsen qua đời trong một vụ tai nạn máy bay khi tìm kiếm một nhà thám hiểm mất tích trên quần đảo Svalbard của Na Uy .
Các nhà thám hiểm tiếp tục mạo hiểm chinh phục Nam Cực nhiều năm sau cuộc đua huyền thoại của Amundsen và Scott, nhưng đến năm 1956 mới lại có một đoàn thám hiểm đứng tại Cực Nam của Trái Đất.
Từ đó đến nay, điểm tận cùng phía Nam của thế giới luôn có người ở và hai nhà tiên phong chinh phục nó được vinh danh trong cơ sở nghiên cứu trường kỳ tại đây: Trạm Amundsen – Scott Nam Cực.