Cuộc đua không gian mới: Đến thời của các công ty tư nhân?

Phương Anh/VTC News |

Khoảng 80 quốc gia trên toàn cầu đang tham gia vào cuộc đua không gian, trong đó có Mỹ, Nga, Trung Quốc.

Cuối năm 2022, NASA tái khởi động các giai đoạn tiếp theo của chương trình Artemis, nhằm đưa con người quay trở lại Mặt trăng.

Trung Quốc cũng đẩy mạnh chương trình thám hiểm mặt trăng trong những năm gần đây và đã tiết lộ chương trình thám hiểm tiếp theo của tàu Hằng Nga 6, dự kiến khởi động năm 2024.

Gần nửa thế kỷ sau năm 1976, Nga tiếp tục phóng tên lửa lên Mặt trăng. Chuyến đi chưa diễn ra theo kế hoạch khi tàu vũ trụ Lunar 25 của Nga dường như đã đâm vào Mặt trăng, song các nhiệm vụ cũng dự kiến sớm bắt đầu trở lại.

Ấn Độ trở thành quốc gia thứ tư thực hiện sứ mệnh lên Mặt trăng và tàu vũ trụ của nước này đã hạ cánh gần cực nam an toàn.

Cuộc đua không gian mới: Đến thời của các công ty tư nhân? - Ảnh 1.

Khoảng 80 quốc gia trên toàn cầu đang tham gia vào cuộc đua không gian, trong đó có Mỹ, Nga, Trung Quốc. (Ảnh minh họa)

Tại sao lại là bây giờ?

Đã hơn nửa thế kỷ kể từ khi Eugene Cernan trở thành người cuối cùng đặt chân lên Mặt trăng. Vậy sau ngần ấy thời gian, tại sao các nước lại đột nhiên muốn quay trở lại?

Theo cây viết chính trị quốc tế Tim Marshall, hoạt động của các nước ngoài không gian bên cạnh mục đích khám phá, còn là vì những lợi ích thương mại tiềm năng mà họ có thể khai thác được, đặc biệt khi nói đến Mặt trăng.

“Hiện nay có thể nói lý do chủ yếu liên quan đến lợi nhuận và các nguồn năng lượng" , ông nói.

Một lý do khác là sự phát triển ồ ạt của các vệ tinh - đã trở thành một phần cơ sở hạ tầng quan trọng của các nước. Ví dụ các quốc gia châu Phi như Nigeria hiện đang lắp đặt vệ tinh của riêng họ, giúp cách mạng hóa khả năng của ngành nông nghiệp. “Bởi vậy, thực tế là không gian hiện nay rất mang tính thương mại và, đối với một số công ty, giúp mang lại lợi nhuận", chuyên gia bình luận.

Cuộc đua không gian mới: Đến thời của các công ty tư nhân? - Ảnh 3.

Trung Quốc khởi động chương trình khám phá nửa tối của Mặt trăng.

Cuộc đua không gian mới

Theo ông Marshall, nếu nhìn vào những năm 60, cuộc đua không gian “rất mang tính tư tưởng" , khi “người Liên Xô và người Mỹ đều muốn chứng minh rằng họ là tương lai".

“Chúng ta cần chiến thắng cuộc đua này một cách chính xác bởi vì có nhiều người trên khắp thế giới đang quyết định xem nên đi con đường nào. Còn bây giờ không thực sự như vậy. Nó không còn là cuộc đua tư tưởng để chứng minh hệ thống nào tốt hơn”.

Khác biệt thứ hai là sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân vào trung tâm cuộc đua, không chỉ ở Mỹ mà còn Pháp, Italia, Trung Quốc, Anh và cả thế giới.

Ví dụ, vẫn có nhiều công ty thương mại liên kết với NASA vào những năm 60 và 70 nhưng họ không ở mức như SpaceX. Chính bên thứ ba này mở rộng cuộc đua không gian không còn chỉ là để khám phá không gian mà để có thể khai thác nhiều hơn ở phương diện thương mại, đặc biệt với Mặt trăng.

Nếu trong những năm 50 và 60, lĩnh vực không gian chủ yếu là cạnh tranh giữa Mỹ và Nga, thì hiện đã có nhiều ứng viên cùng chạy đua hơn. Theo Tim Marshall, hiện 3 “ông lớn” vẫn là Mỹ, Trung Quốc và Nga, trong đó Mỹ và Trung Quốc đang dẫn trước, còn Nga dường như chững lại do các vấn đề kinh tế.

Cuộc đua không gian mới: Đến thời của các công ty tư nhân? - Ảnh 5.

Ấn Độ đưa tàu vũ trụ Chandrayaan-3 hạ cánh xuống vùng cực nam của mặt trăng.

Sau tốp này một chút được cho là các cường quốc không gian khác như Ấn Độ, Anh, Đức, Italia, Pháp, Các tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Israel. Dù vậy, nhóm thứ hai này vẫn còn con đường dài để bắt kịp nhóm đầu tiên, chuyên gia nhận định. “Tôi nghĩ nhiều người sẽ ngạc nhiên khi biết có khoảng 80 nước từng hiện diện ngoài không gian, vì giá vệ tinh đã giảm đi rất nhiều".

Các công ty tư nhân trở nên ngày càng quan trọng khi có khả năng đổi mới sáng tạo nhanh hơn, như SpaceX tiên phong trong tái sử dụng tên lửa. Họ cũng đi tiên phong với các vệ tinh siêu nhỏ. Nhiều vệ tinh có kích thước của một khối rubic, đồng nghĩa với việc có thể đặt đến 20 vệ tinh trong một quả tên lửa.

Nhờ những điều như vậy, các nước có thể chia sẻ chi phí với quốc gia khác đang đang có nhu cầu tương tự, mở ra không gian cho nhiều công ty tham gia hơn. Và sau đó có những công việc mà cả người Trung Quốc và người Mỹ đều tham gia làm.

“Tên lửa tiếp theo đưa con người lên Mặt trăng có thể sẽ được một công ty tư nhân cung cấp chứ không phải chính phủ", ông Marshall cho biết.

Cuộc đua không gian mới: Đến thời của các công ty tư nhân? - Ảnh 6.

Nga tiếp tục phóng tên lửa lên Mặt trăng sau gần nửa thế kỷ.

Nguồn năng lượng cho 10.000 năm tới?

Việc tăng cường khám phá không gian hiện tại có thể đem lại nhiều lợi ích, chuyên gia nói.

Từ tầng thấp nhất, chính là sự phát triển và ứng dụng của các vệ tinh. Như nước châu Phi đã cùng nhau tham gia Cơ quan Vũ trụ Châu Phi, trực thuộc Liên minh Châu Phi, cố gắng tập hợp các nền kinh tế châu Phi lại với nhau.

“Để làm được điều đó, bạn cần kết nối mạng lưới đường bộ và đường sắt của Châu Phi. Và họ đang sử dụng vệ tinh để lên kế hoạch chính xác nơi họ sẽ xây dựng. Bởi vì nếu bạn làm sai rồi đột ngột phải đi vòng qua một ngọn núi, tảng đá cứng hơn hay một thứ tương tự, thì chi phí của bạn sẽ bị tăng lên", ông Marshall cho biết.

Khi làm việc cùng nhau để giải quyết nhiều vấn đề trong không gian, các nước cũng mở ra cơ hội. Từ đó đạt được những thành tựu đáng kể. Chuyên gia lấy ví dụ về những thử nghiệm như làm chệch hướng tiểu hành tinh một cách an toàn. Hoặc mới vài tháng trước, gói năng lượng mặt trời đầu tiên đã được chiếu từ một tấm pin nhỏ trong không gian xuống Trái đất, khoảnh khắc được so sánh như cuộc gọi điện thoại đầu tiên của Al Alexander Graham Bell - một chùm năng lượng vi sóng được gửi trực tiếp từ vệ tinh trong không gian và được các nhà khoa học tiếp nhận trên Trái đất.

“Hiện tại, bạn chỉ có thể vận hành các tấm pin mặt trời vào ban ngày, và chúng sẽ vô dụng vào ban đêm. Và chúng ta chưa có loại pin có thể lưu trữ lượng dư thừa để sử dụng qua đêm. Như vậy bằng chứng trên cho thấy rằng trong vài năm tới, chúng ta sẽ có thể xây dựng những cánh đồng pin mặt trời khổng lồ trong không gian, ở nơi không bị hạn chế bởi ngày và đêm. Bạn có thể có nguồn năng lượng đó 24/7, 365 ngày một năm và có thể điều khiển nó bất cứ nơi nào bạn muốn...”

Cũng có rất nhiều thí nghiệm y tế có thể diễn ra ở không gian, những thí nghiệm không thực hiện được ở môi trường trọng lực của Trái Đất. Tất cả đều mang lại lợi ích to lớn.

Cuộc đua không gian mới: Đến thời của các công ty tư nhân? - Ảnh 7.

Lần đầu tiên truyền phát thành công điện Mặt trời từ ngoài không gian về Trái Đất. (Ảnh minh họa)

Tiếp đến là những tiềm năng của việc khám phá Mặt trăng. Hiện con người đã biết được trên vệ tinh Trái đất những vật liệu có thể ứng dụng được như titan, silicon, lithium, heli 3...

Ông Marshall phân tích: “Đầu tiên chỉ là kim loại. Đây là những kim loại mà chúng ta cần để chế tạo pin cho ô tô điện, hay dùng làm tua-bin gió khổng lồ, v.v. Ở trên mặt trăng hay trên trái đất thì nguồn này cũng hữu hạn, nhưng nếu khai thác được thì bạn đang đảm bảo nguồn cung cấp cho công nghệ thế kỷ 21.

Một ứng dụng khác lý thuyết hơn nhiều, là helium 3 có trong nước đá ở cực nam của Mặt trăng. Các nhà khoa học Trung Quốc đã tính ra rằng có đủ helium 3 để cung cấp năng lượng cho nhu cầu năng lượng của Trái đất trong 10.000 năm. Và đây là năng lượng sạch, bởi vì helium 3, không giống như helium 4, có thể tạo ra năng lượng hạt nhân không có bức xạ".

Cuộc đua không cân xứng

Tuy nhiên, cuộc đua không gian mới cũng mang lại những bất cập, theo chuyên gia. Thứ nhất, những ứng dụng trên vẫn mới chỉ mang tính lý thuyết và để thực sự khác thác được các tiềm năng này là một quá trình dài, tốn nhiều chi phí và sẽ phải thất bại nhiều lần, khiến lợi thế nghiêng về một số người nhiều hơn những người khác.

“Ai đến trước được trước. Một số người có thể nghĩ điều đó là công bằng. Nhưng không gian ở quỹ đạo thấp của Trái đất cũng hữu hạn. Elon Musk đang xây dựng thêm 10.000 vệ tinh trong thập kỷ này, người Trung Quốc cũng vậy. Và đến một lúc nào đó, không gian ở quỹ đạo thấp dù rộng lớn cũng đông đúc đến mức không còn chỗ trống".

Trong khi đó, các nước đang phát triển, chưa phải là cường quốc về không gian, tức là 2/3 thế giới chưa có chỗ trong không gian, sẽ bị chặn lại. Để khắc phục vấn đề này có thể sẽ có những hiệp ước mới được soạn thảo nói về lợi ích chung của không gian, khi các luật hiện tại đã lỗi thời.

Thứ hai, mỗi khi phóng tên lửa lên, hành tinh cũng bị ô nhiễm. Rồi quá trình quân sự hóa không gian đang tăng tốc, khiến các bên có khả năng mất vệ tinh hàng loạt do nhiều sự kiện khác nhau, bao gồm cả chiến tranh trong không gian, dù điều này khó xảy ra.

(Nguồn: Schroders)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại