Trên khắp thế giới, nhiều công trình kiến trúc do con người tạo ra đã có thời điểm được coi là tòa nhà cao nhất thế giới. Dưới đây là dòng thời gian chi tiết về những công trình từng giữ kỷ lục này từ hơn 4.500 năm trước đến nay, do tờ Smith Sonian (Mỹ) tổng hợp.
Đại kim tự tháp (Giza, Ai Cập)
Đại kim tự tháp tại Giza. Ảnh: AP
Giai đoạn giữ kỷ lục: Khoảng năm 2550 trước Công nguyên đến năm 1311 sau Công nguyên; 1548-1569; 1573-1625
Độ cao: 138,68 m
Đại kim tự tháp còn được gọi là Khufu - tên pharaoh Ai Cập được chôn cất trong công trình này. Đây là kim tự tháp lớn nhất ở Giza. Hiện nay, nó tựa như một khối đá khổng lồ màu vàng cát, nhưng vào thời hoàng kim, kim tự tháp có màu trắng lấp lánh nhờ lớp vỏ đá vôi. Lớp vỏ này hao mòn dần theo thời gian.
Đại kim tự tháp đã ba lần giữ danh hiệu công trình cao nhất thế giới khi các đối thủ được xây dựng rồi lại sụp đổ trong thời trung cổ và thời Phục hưng. Trong thời gian đầu, đối thủ cạnh tranh duy nhất đạt được độ cao gần như vậy là Ngọn hải đăng Alexandria, cao khoảng 106,68 m trước khi sụp đổ.
Nhà thờ Lincoln (Lincoln, Anh)
Nhà thờ Lincoln. Ảnh: Smith Sonian
Giai đoạn giữ kỷ lục: 1311-1548
Độ cao: 160 m
Công trình này được xây dựng trong 3 thế kỷ. Sau khi ngọn tháp trung tâm được dựng lên, nhà thờ Lincoln “thống trị bầu trời” từ vị trí trên đỉnh đồi ở Lincolnshire.
Với việc xây dựng Nhà thờ Lincoln, danh hiệu “tòa nhà cao nhất thế giới” bước vào kỷ nguyên các nhà thờ Thiên chúa giáo cạnh tranh nhau. Năm 1548, sau khi ngọn tháp Lincoln bị đổ trong một cơn bão dữ dội, nhà thờ St. Mary ở Stralsund (Đức) đã giành được danh hiệu này với chiều cao 150,87 m. Sau đó, ngọn tháp của St. Mary sụp đổ, nhường chỗ cho một nhà thờ Pháp.
Nhà thờ Đức bà Strasbourg (Strasbourg, Pháp)
Nhà thờ Đức bà Strasbourg. Ảnh: Smith Sonian
Giai đoạn giữ kỷ lục: 1647-1874
Độ cao: 142 m
Trong số các nhà thờ đạt kỷ lục về chiều cao sau Lincoln, Strasbourg giữ danh hiệu này lâu nhất. Đại văn hào Victor Hugo gọi công trình này là một “điều kỳ diệu tinh tế”, trong thi hào Goethe ví nó như “cây cao chót vót với tán rộng của Chúa”.
Trải qua lịch sử lâu năm, nhà thờ đã bị hư hại trong nhiều cuộc chiến, từ Chiến tranh Pháp-Phổ năm 1870 cho đến Thế chiến thứ nhất rồi Thế chiến thứ hai. Quân đội phát xít Đức đã đánh cắp các cửa sổ kính màu của nhà thờ này. Vào năm 1945, những cửa sổ đó đã được phát hiện lại tại một mỏ muối của Đức.
Kỷ lục về chiều cao được chuyển về Đức vào năm 1874, với việc hoàn thành Nhà thờ St. Nicholas cao 147,5 m ở Hamburg. Năm 1876, Nhà thờ Rouen của Pháp giành được danh hiệu này với chiều cao 150,87 m. Và vào năm 1880, Nhà thờ Cologne cao 157 m của Đức đã trở thành nhà thờ cuối cùng giữ kỷ lục về chiều cao.
Đài tưởng niệm Washington (Washington, D.C. Mỹ)
Đài tưởng niệm Washington. Ảnh: AP
Giai đoạn giữ kỷ lục: 1884-1889
Độ cao: 169,28 m
Đài tưởng niệm Washington được dựng lên để tôn vinh vị tổng thống đầu tiên của Mỹ George Washington. Khó khăn về kinh phí khiến việc xây dựng phải tạm dừng và đài tưởng niệm được xây trong hai giai đoạn, từ năm 1848 đến năm 1854 và lần thứ hai là từ năm 1880. Điều kỳ diệu là người ta không sử dụng vữa trong xây dựng đài tưởng niệm. Công trình được hỗ trợ bởi trọng lượng của những viên đá và ma sát giữa chúng.
Tháp Eiffel (Paris, Pháp)
Tháp Eiffel. Ảnh: Smith Sonian
Giai đoạn giữ kỷ lục: 1889-1929
Độ cao: 312 m
Kỹ sư Alexandre-Gustave Eiffel ra mắt thiết kế của mình tại Hội chợ Thế giới năm 1889, ban đầu ông gọi nó đơn giản là “Tháp 300 mét”. Nhưng chiều cao của Tháp Eiffel không hoàn toàn cố định. Sắt của công trình này giãn ra hoặc co lại khi nhiệt độ thay đổi. Tòa tháp cao thêm vài cm vào mỗi mùa Hè rồi co lại vào mùa Đông. Nó đã được sơn 19 lần, chủ yếu bằng tay, để bảo vệ và giữ gìn tính nguyên vẹn của kim loại.
Tòa nhà Chrysler (New York, Mỹ)
Và tòa nhà Chrysler giữ vị trí cao nhất thế giới trong hơn một năm. Ảnh: Smith Sonian
Giai đoạn giữ kỷ lục: 1929-1931
Độ cao: 318,8 m
Kỹ sư, nhà sáng lập hãng xe Chrysler - ông Walter P. Chrysler (1909-1988) đã ủy quyền cho kiến trúc sư William Van Alen thiết kế tòa nhà cao nhất thế giới. Và Tòa nhà Chrysler thực sự đã giữ vị trí hàng đầu trong hơn một năm. Được trang trí bằng tượng đầu thú và thép mạ chrome-nickel, tòa tháp còn là nơi tổ chức trưng bày ô tô Chrysler vào những năm 1930.
Tòa nhà Empire State (New York, Mỹ)
Tòa nhà Empire State. Ảnh: Smith Sonian
Giai đoạn giữ kỷ lục: 1931-1970
Độ cao: 381 m
Tòa nhà Chrysler không giữ được vị trí dẫn đầu lâu. Vào thời điểm nó ra mắt, Tòa nhà Empire State đã được động thổ. Tòa nhà Empire State đã giành lấy danh hiệu của Tòa nhà Chrysler chỉ sau 13 tháng xây dựng. Được coi là điểm thu hút du lịch hàng đầu của Mỹ, Tòa nhà Empire State thu hút 4 triệu du khách - và khoảng 25 lần bị sét đánh - mỗi năm.
Trung tâm Thương mại Thế giới (New York, Mỹ)
Giai đoạn giữ kỷ lục: 1970-1973
Độ cao: 381 m
Trung tâm Thương mại Thế giới. Ảnh: Smith Sonian
Anh em nhà Rockefeller là John D. Rockefeller, David Rockefeller đã vận động Cơ quan quản lý cảng New York và New Jersey xây dựng Trung tâm Thương mại Thế giới, nhằm khuyến khích hoạt động kinh doanh quốc tế ở khu hạ Manhattan đồng thời làm biểu tượng cho sự lãnh đạo thương mại toàn cầu của Mỹ. Cảng vụ New York và New Jersey tiếp nhận dự án, trong khi một nhân vật nhà Rockefeller khác là Nelson Rockefeller, với tư cách là Thống đốc New York khi đó, đã ký luật cho phép xây dựng dự án.
Tháp Willis (Chicago, Mỹ)
Giai đoạn giữ kỷ lục: 1973-1996
Độ cao: 442 m
Tháp Willis. Ảnh: Smith Sonian
Với việc hoàn thành Tháp Willis, thành phố Chicago đã “kế vị” New York với tư cách là "thủ đô chiều cao" của thế giới. Được xây dựng cho cửa hàng bách hóa khổng lồ Sears, tòa nhà ban đầu được gọi là Tháp Sears. Vào những ngày thời tiết "chiều lòng người", du khách có thể nhìn thấy bốn tiểu bang từ sân thượng nổi tiếng của Tháp Willis: Indiana, Wisconsin, Michigan và tất nhiên là Illinois.
Tháp Petronas (Kuala Lumpur, Malaysia)
Tháp Petronas. Ảnh: AP
Giai đoạn giữ kỷ lục: 1996-2004
Độ cao: 452 m
Được xây dựng làm trụ sở của công ty dầu mỏ Petronas của Malaysia, hai tòa tháp đôi này được nối với nhau bằng một cây cầu cao hai tầng ở tầng 41 và 42. Móng của tòa nhà được đào sâu tới 122 m. Hình dạng của mỗi tòa tháp được lấy cảm hứng từ một ngôi sao tám cánh, hoa văn Hồi giáo truyền thống của Malaysia.
Tháp Đài Bắc 101 (Đài Loan, Trung Quốc)
Tháp Đài Bắc 101. Ảnh: AP
Giai đoạn giữ kỷ lục: 2004-2010
Độ cao: 508 m
Trung tâm Tài chính Đài Bắc ra mắt hoành tráng vào đêm giao thừa năm 2004. Đối với một số người, thiết kế của tòa tháp gợi nhớ đến một ngôi chùa nhưng trên thực tế kiến trúc sư của tòa tháp lại lấy cảm hứng từ thân tre. Tháp Đài Bắc 101 có đài quan sát trong nhà và ngoài trời, trung tâm mua sắm và nhà hàng cao cấp.
Tòa tháp Burj Khalifa (Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất)
Người dân bơi ở khu vực gần Tòa tháp Burj Khalifa. Ảnh: AP
Giai đoạn giữ kỷ lục: 2010 đến nay
Độ cao: 828,14 m
Tòa nhà chọc trời này được xây dựng chỉ trong sáu năm, với chi phí 1,5 tỷ USD. Là tòa nhà cao nhất thế giới, Burj Khalifa còn giữ kỷ lục về đài vọng cảnh cao nhất, trục thang máy dài nhất... Tòa tháp cao 200 tầng nhưng chỉ có 160 tầng có thể ở được. 29% tầm vóc cao nhất của nó gồm các tầng chứa đầy kết cấu hỗ trợ, được xây dựng để tăng chiều cao của tòa nhà. Bên trong tòa nhà có khách sạn năm sao, văn phòng, nhà hàng và khu dân cư do Giorgio Armani thiết kế.