Đứa trẻ giàu có nhưng bất hạnh
Nhắc đến những nàng thơ, những "It Girl" nổi bật của văn hóa
Mỹ thế kỷ 20, không thể không nhắc đến Edie Sedgwick (1943-1971).
Edie Sedgwick sinh ngày 20/4/1943, mất ngày 16/11/1971.
Tên thật của
cô là Edith Minturn Sedgwick, cô sinh ra trong một gia đình có gốc gác danh giá
và giàu có ở Santa Barbara, California, Mỹ.
Cha của cô, Francis, một nhà hoạt động từ thiện và là một
nhà điêu khắc có tính cách gia trưởng, sở hữu một điền trang lớn. Mẹ cô là là
con gái của Henry Wheeler de Forest -chủ tịch một hãng vận tải lớn ở châu Âu.
Lớn lên bên điền trang của gia đình với mọi điều kiện vật chất
đủ đầy, tưởng chừng tuổi thơ của Edie sẽ rất êm đềm, nhưng đáng tiếc bão tố đã
ghé thăm cuộc đời cô từ rất sớm.
Vì người cha có tính gia trưởng và ít tình cảm, Edie và 7
người anh chị em của mình phải sống trong một môi trường biệt lập với thế giới
bên ngoài. Những đứa trẻ của gia đình Sedgwick không được đến trường như bạn bè
cùng trang lứa. Edie và anh chị em học tại nhà để cha mẹ dễ kiểm soát.
Khuôn phép của một
gia đình quyền quý đã gây áp lực nặng nề, khiến những đứa trẻ của gia đình
Sedgwick sớm bị ảo tưởng rằng chúng là những người quyền quý trong xã hội. Dần
dần, hầu hết 8 người con của gia đình Sedgwick đều có tính tình lập dị và mắc
các chứng bệnh thần kinh.
Edie có một mối quan hệ rất khó khăn với cha cô khi ông có rất
nhiều người đàn bà khác nhau. Có lần cô đã bắt gặp ông đang ngoại tình với một
phụ nữ và đã rất giận dữ, song cha cô khẳng định rằng
cô đã tưởng tượng ra mọi chuyện.
Chính mối quan hệ phức tạp với gia đình và sống trong một
môi trường hà khắc dị biệt, Edie đã bắt đầu chứng biếng ăn ngay từ khi còn
ở tuổi 13, rồi sau đó mắc chứng rối loạn ăn uống cho tới suốt cuộc đời.
Edie bị chứng biếng ăn năm 13 tuổi và sau này cô mắc chứng rối loạn ăn uống cho tới cuối đời.
19 tuổi, Edie được gửi điều trị chứng biếng ăn tại Bệnh viện
Silver Hill ở New Canaan, Connecticut, sau đó là một cơ sở kín đáo hơn ở
Bloomingdale Insane Asylum (Westchester, New York). Trước khi ra viện, chuyện
tình chóng vánh với một sinh viên Harvard khiến Edie mang bầu song đã đi phá
thai với sự giúp đỡ của mẹ.
Những năm tiếp theo là những năm sóng gió của gia đình Sedgwick. Chị cả Alice ("Saucie") tuyên bố từ gia đình, còn 2 trong số 3 người
anh của Edie đã qua đời khi còn rất trẻ.
Francis ("Minty"), vốn không
chịu được tính cách của người cha, đã tự tử ở một khu điều trị tâm thần vào năm
1964. Robert ("Bobby") cũng phải chịu nhiều vấn đề tâm lý, đã qua đời
trong một vụ tai nạn xe máy vào năm 1965.
Khi 2 người anh trai của Eide qua đời chỉ cách nhau đúng 18
tháng, cuộc sống tinh thần của cô đã u tối lại càng bế tắc, rối loạn hơn.
Cô
không còn bộc lộ cảm xúc nữa và quyết định vùi mình vào những bữa tiệc ở New
York. Cùng với cuộc sống phóng túng là những màn tiêu xài hoang phí và thậm chí
Eide còn thử sử dụng ma túy như một cách đối diện với rắc rối về tâm lý.
"Youthquaker" – kẻ
gây chấn động giới trẻ
Không lâu sau cái chết của Bobby, Edie bị gãy chân sau một tai
nạn xe hơi ở Califorina. Lo sợ người cha sẽ viện cớ này để gửi cô lại khu điều
trị tâm thần, Edie đã bí mật rời thành phố quê hương và quay trở về New York.
Tại New York, người đẹp có cuộc gặp gỡ định mệnh vào tháng 3
năm 1965 khi lần đầu được tiếp xúc với danh họa Andy Warhol tại căn hộ của Lester
Persky. Đây là bước ngoặt trong cuộc đời giúp cô tiến tới làng giải trí
Hollywood.
Andy Warhol và Edie Sedgwick năm 1965.
Thân hình mảnh mai, khuôn mặt trẻ thơ đối lập với đôi mắt vừa đượm buồn vừa hoang dại, đó chính là vẻ đẹp đặc trưng của Edie.
Để nói về sự nghiệp Edie Sedgwick, đầu tiên phải nói tới
Andy Warhol và "The Factory". Andy là người tiên phong của xu hướng nghệ thuật
Pop-art. Đây là xu hướng đưa những hình ảnh, biểu tượng quen thuộc, phổ biến
trong cuộc sống vào nghệ thuật nhằm đối nghịch với xu hướng nghệ thuật siêu thực
trước đó.
Andy mở một studio mang tên "Factory" (Nhà máy) và tìm kiếm
các "siêu sao" làm chủ đề cho các tác phẩm của mình. Khi gặp gỡ Edie, Andy đã bị
mê hoặc bởi nhan sắc đặc biệt của cô, một vẻ đẹp vừa trầm buồn lại rất đỗi ngây
thơ.
Kể từ đó, Edie tham gia thường xuyên với The Factory cùng
người bạn thân Chuck Wein. Một trong những bộ phim đầu tiên của họ là "Poor
Little Rich Girl" (1965), vốn được Andy Warhol thực hiện nhằm cho một dự án
phim dành riêng cho Edie Sedgwick.
Hình ảnh của Edie Sedgwick đã trở thành một biểu tượng của những năm cuối thập niên 60, khi mà văn hóa và thời trang đều như nhuốm một màu hoang mang vô định.
Những năm sau này, Edie xuất hiện trong hàng
loạt phim cả dài lẫn ngắn của Andy và các đồng nghiệp của ông, trong đó có "Factory
Girl", "Horse", "Match Girl", "The Chelsea Girls" và "Ciao! Manhattan".
Dần dần, truyền thông bắt đầu chú ý tới Edie như một làn gió
mát lành của làng nghệ thuật. Trong những thước phim của Andy Warhol, dáng vẻ
năng động kỳ lạ của Edie, làn da trắng mờ ảo, những cử chỉ, biểu hiện nhỏ nhặt
như thể có hàng triệu chi tiết biểu cảm trên cơ thể cô khiến người xem mê đắm.
Chỉ trong vài tháng, cụm từ "Andy và Edie" đã trở thành câu
nói cửa miệng giới trẻ hâm mộ. Cô xuất hiện trên trang bìa tạp chí thời trang
Vogue và được đặt biệt danh "Youthquaker" ("Kẻ gây chấn động giới trẻ").
Phong cách của Edie, với áo khoác da báo, đồ bó đen, khuyên
tai lớn cùng cơ thể mảnh mai đã trở thành hình ảnh được các cô gái trẻ thời đó
thần tượng.
Đặc biệt, cái tên Edie Sedgwick luôn được nhắc đến đầu
tiên mỗi khi người ta bàn về kiểu tóc pixie. Chỉ qua một đêm, cô đã
trở thành hiện tượng tóc ngắn điển hình khi cắt phăng đi mái tóc nâu dài bồng
bềnh và nhuộm màu bạch kim rực rỡ.
Mái tóc ngắn cùng phong cách thời trang trứ danh của Edie.
Phong cách và cá tính vừa đời thường,
vừa duyên dáng, quý phái của Edie đã mang lại cho cô biệt danh "It girl" - cô
gái có sức cuốn hút tuyệt đối không thể diễn tả bằng lời, một biệt danh chỉ được
đặt cho vài người phụ nữ trong lịch sử.
Edie từng được một số tờ báo ca ngợi với tên gọi "nàng thơ đẹp nhất Hollywood" và cho rằng Edie hoàn toàn có khả trở thành một huyền thoại như Marilyn
Monroe.
Ngôi sao vụt tắt
Nói về đời sống tình cảm của Edie, Lilian Swann Saarinen, chị
họ của cô từng nhận xét: "Cô ấy luôn cảm thấy bất an về đàn ông, cho dù
người đàn ông nào cũng đều yêu cô ấy".
Không chỉ là nàng thơ của Andy Warhol, Edie còn là nàng thơ "bất
tử" của nhạc sĩ đồng quê lừng danh Bob Dylan. Cũng như bao người đàn ông khác,
Bob Dylan nhanh chóng bị mê hoặc trước vẻ quyến rũ của Edie Sedgwick. Giữa Edie
và Bob còn có mối quan hệ tình cảm dù Bob đã có gia đình.
Edie là nàng thơ của nhạc sĩ đồng quê nổi tiếng Bob Dylan.
Nguồn cảm hứng từ Edie dã giúp Bob Dylan viết những ca khúc nổi
tiếng như "Just Like A Woman", "Like a Rolling Stone",và "Leopard-Skin Pill-Box
Hat".
Tuy nhiên, khi biết được Bob đã có cuộc hôn nhân với người
đàn bà khác, trái tim Edie như tan vỡ. Cô từng muốn dấn thân vào mối quan hệ nghiêm
túc với Bob nhưng sự thật này đã giúp Edie nhận ra ông ta không phải là người
trung thực.
Sau khi chấm dứt mối hợp tác nghệ thuật Andy Warhol, cùng với
nỗi buồn về Bob Dylan, Edie Sedgwick lao vào nghiện ngập. Nữ diễn viên trải qua
nhiều mối tình chóng vánh và tất nhiên không hề hạnh phúc.
Những năm cuối thập niên 60, cuộc đời Edie xuống dốc dữ dội,
cô liên tục ra vào viện tâm thần. Tháng 8 năm 1969, cô bị đưa tới bệnh viện
Cottage Hospital để điều sau khi bị bắt vì sử dụng ma túy tại một bốt điện thoại.
Tại đây, cô gặp phu quân tương lai của mình, Michael Brett Post.
Edie Sedwick kết hôn với Michael Brett Post ngày 24/7/1971. Tháng
10 năm đó, cô gặp rắc rối với sức khỏe và phải nhờ tới một số loại thuốc an thần.
Không lâu sau cô trở nên phụ thuộc vào các loại dược phẩm này, thậm chí thường
xuyên uống thuốc với rượu.
Dù cuộc đời của Edie khá ngắn ngủi, nhưng hình ảnh của cô còn sống mãi trong lòng người hâm mộ.
Đêm ngày 15/11/1971, Edie trở về nhà sau khi tham dự bữa tiệc
tại buổi diễn thời trang tại Bảo tàng Santa Barbara trong trạng thái say xỉn và
căng thẳng vì bị một khán giả chỉ trích thói nghiện ngập.
Trước khi đi ngủ, Michael
có để cho cô những loại thuốc đã được chỉ định. Anh kể lại rằng cô đã thiếp đi
rất nhanh, song nhịp thở thì "rất tệ, như kiểu có một cái hang trong
phổi cô ấy vậy".
Khi Michael thức giấc vào lúc 7.30 sáng hôm sau, Edie
Sedgwick đã qua đời. Những báo cáo đã ghi lại rằng cái chết của cô thuộc dạng
"không xác định/tai nạn/tự sát" với nguyên nhân
"có lẽ bị ngộ độc do quá liều barbiturate".
Edie ra đi ở tuổi 28, cuộc đời cô ngắn ngủi như một ngôi sao
sáng vụt tắt trên bầu trời cao.
Có lẽ 28 năm Edie sống cũng như một buổi trình
diễn nghệ thuật, cũng như một bức ảnh trong triển lãm... Tất cả nhuốm màu buồn bã
và bất hạnh, dù cô giàu có và được giới trẻ mến mộ, dù cô là biểu tượng thời
trang, là nàng thơ vĩnh hằng của biết bao gã làm nghệ thuật.