Cuộc đời nàng Công chúa đầu tiên trong lịch sử La Mã

Thi San |

Hoàng đế La Mã Augustus chỉ có một người con là Công chúa Julia Augusti.

Nhưng chính ông ra lệnh đày người con này lên đảo Pandateria với lý do “dám cãi lệnh vua cha và làm mất mặt hoàng thất”.

“Cha đặt đâu, con ngồi đó”

Augustus (63 trước Công nguyên - 14 sau Công nguyên) là Hoàng đế đầu tiên của La Mã cổ đại. Hoàng đế Augustus đã thay thế nền cộng hòa La Mã bằng một nền quân chủ hiệu quả đồng thời đem lại hòa bình, ổn định trong suốt triều đại của mình.

Hoàng đế Augustus là người thừa kế của nhà độc tài Caesar và có 3 đời vợ. Người vợ thứ nhất của ông là Claudia, con gái riêng của Tướng Mark Antony. Vì mục đích liên minh chính trị, Augustus ly hôn với Claudia để cưới Scribonia, người có quan hệ họ hàng với Tướng Sextus Pompey.

Trước khi lấy Augustus, Scribonia đang chung sống với người chồng thứ 2. Bà bị ép phải bỏ chồng để cưới Augustus. Một năm rưỡi sau đám cưới của họ, Julia chào đời. Ngay trong ngày Công chúa lọt lòng mẹ, Augustus đưa cho Scribonia giấy ly dị và đuổi đi. Sau đó, ông kết hôn với người vợ thứ 3 là Livia.

Julia không biết mặt mẹ ruột và lớn lên dưới sự ghẻ lạnh của Hoàng hậu Livia. Nguyên nhân Hoàng hậu ghét Công chúa rất đơn giản, vì bà có 2 con trai riêng là Drusus và Tiberius. Vì lợi ích của 2 con trai, Hoàng hậu Livia vô cùng hà khắc với Julia. Hoàng đế Augustus không can dự vào việc nuôi dạy con cái của Livia, nhưng bày tỏ thái độ vô cùng chán ghét đối với 2 đứa con trai riêng của vợ, thậm chí gọi Tiberius là “thằng thộn”.

Julia không mấy thân thiết với Hoàng đệ Drusus chỉ nhỏ hơn 1 tuổi, nhưng rất yêu quý Hoàng huynh Tiberius. Vì là con gái, Công chúa không được xem như đối tượng kế vị. Mối bận tâm lớn nhất của Hoàng đế Augustus khi Công chúa đến tuổi thành niên là nên gả cho ai thì mới có lợi nhất.

Vào năm 25 trước Công nguyên, Hoàng đế Augustus quyết định gả Công chúa Julia khi đó 14 tuổi cho Marcellus, con trai của em gái ông là Octavia, đồng thời đưa Marcellus lên làm người thừa kế ngai vàng.

Không rõ cuộc hôn nhân cận huyết này có đem lại hạnh phúc cho đôi trẻ không nhưng chỉ sau 2 năm kết hôn, Marcellus đã lâm bệnh nặng và qua đời, khiến Julia trở thành góa bụa ở tuổi 16.

Marcellus vừa mất, Hoàng đế Augustus đã nhất quyết bắt Công chúa Julia phải cưới Phó tướng Marcus Vipsanius Agrippa. Vì quá thân thiết và tin tưởng Agrippa, Hoàng đế muốn giao lại ngai vàng cho vị phó tướng này và để Agrippa kết hôn với Julia là con đường hợp pháp nhất.

Agrippa lớn tuổi gấp đôi Julia, tính tình quan võ thô lỗ còn Julia được giáo dục để trở thành quý cô trang nhã. Công chúa thích ngâm thơ, kết bạn với các tác giả và cùng họ mở tiệc đàm đạo văn chương. Trong khi Agrippa liên tục ra chiến trường thì Julia ở yên trong cung điện, sống an nhàn và lần lượt sinh 5 người con (2 gái, 3 trai).

Năm 12 trước Công nguyên, Agrippa từ trần ở tuổi 51. Công chúa Julia mới 27 tuổi lần nữa thành góa bụa. Mặc dù đã có các con trai của Công chúa làm người kế vị, Hoàng đế Augustus vẫn tìm kiếm đối tượng liên hôn cho nàng và lần này, ông để mắt tới con trai riêng của Hoàng hậu Livia là Tiberius.

Tiberius lúc này đã kết hôn và đang sống hạnh phúc với vợ. Bị ép phải li dị, chàng ghét lây sang Julia và cuộc sống hôn nhân giữa 2 người không chút hạnh phúc. Năm 6 trước Công nguyên, Tiberius từ bỏ chức tước, một mình đến Rhodes ở ẩn, mặc kệ Julia bơ vơ giữa hoàng cung rộng lớn.

Lưu đày và cấm cung

Cuộc đời nàng Công chúa đầu tiên trong lịch sử La Mã - Ảnh 1.

Cả 3 cuộc hôn nhân của Công chúa Julia đều vì lợi ích của vua cha. Ảnh: Thecollector.com

Kể từ cuộc hôn nhân thứ 2, Công chúa Julia đã bị đồn đãi là thiếu đức hạnh. Người đời rỉ tai nhau, Công chúa thường xuyên mở tiệc với trai trẻ và các con cái của nàng có thể không phải là con của Phó tướng Agrippa.

Sau khi bị Tiberius bỏ mặc, Công chúa Julia thật sự chìm đắm vào lối sống buông thả. Nàng liên tục mở tiệc chiêu đãi bạn bè, uống rượu và có nhân tình.

Năm 2 trước Công nguyên, Công chúa tổ chức một buổi tiệc linh đình và say bét nhè. Hoàng đế Augustus tức giận tột độ, hạ lệnh trừng phạt những kẻ chè chén với Công chúa và đày con gái lên đảo Pandateria.

Pandateria là hòn đảo đá nhỏ, tứ bề mênh mông nước biển. Hoàng đế Augustus chỉ cho một vài tôi tớ là phụ nữ theo hầu Công chúa, không cho phép bất cứ nam giới nào vãng lai. Bất cứ ai muốn lên Pandateria thăm Công chúa đều phải viết đơn thỉnh cầu và chờ Hoàng đế xét duyệt, chấp nhuận.

Đổi lại, ông cho phép Scribonia, mẹ ruột của Công chúa đến Pandateria ở cùng nàng. Giữa người con chưa từng được mẹ chăm lo, dưỡng dục và người mẹ đang yên lành lại bị bắt đi đày với đứa con chưa từng được gặp mặt, cuộc hội ngộ và thời gian sống chung cũng không phải là những tháng ngày hạnh phúc.

Suốt thời gian bị lưu đày, công chúa Julia không một lần có ý định phản nghịch vua cha. Nàng chỉ lặng lẽ chấp nhận hình phạt và chờ đợi phụ hoàng nguôi giận.

Năm 14 sau Công nguyên, Hoàng đế Augustus qua đời và Phò mã Tiberius nghiễm nhiên kế vị. Vốn chán ghét Julia, Tiberius tước khỏi tay nàng mọi quyền hành, lợi ích và hạ lệnh cấm cung. Chẳng bao lâu sau thời gian bị nhốt trong cung điện, Julia cũng từ biệt cõi trần.

Tuy mang tiếng đứa con ngỗ nghịch và người đàn bà bất chính, Julia để lại hậu duệ cho Đế chế La Mã. Sau khi Hoàng đế Tiberius băng hà, cháu trai của bà là Caligula đã lên ngôi và tiếp đến là chắt của bà, Nero, đóng vai trò Hoàng đế cuối cùng của triều đại Julius - Claudius.

Theo thecollector.com

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại