Cuộc đời đầy thăng trầm của con gái "Hùm thiêng Yên Thế"

Nguyễn Hằng (biên tập) |

Hoàng Thị Thế, người con gái của vị anh hùng "Hùm thiêng Yên Thế" Hoàng Hoa Thám, có một cuộc đời nhiều thăng trầm mà không phải ai cũng biết.

Cách đây hơn 100 năm, Hoàng Hoa Thám tức Đề Thám, một trong những gương mặt quan trọng nhất của lịch sử Việt Nam, một trong những gương mặt quan trọng nhất của lịch sử Việt Nam trong cuộc xung đột với Pháp, đã qua đời.

Ông để lại một người con gái tên là Hoàng Thị Thế có vận mệnh khác thường, cùng một người con trai sinh năm 1908 là Hoàng Hoa Phồn, còn có tên gọi là Hoàng Bùi Phồn và Hoàng Văn Vi. Người con trai của Đề Thám đã qua đời một cách bi đát năm 1945.

Cuộc đời đầy "biến động" của người con gái Đề Thám – Hoàng Thị Thế

Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ về Hoàng Thị Thế, người con gái duy nhất của Hoàng Hoa Thám, có một vận mệnh và một cuộc đời đầy thăng trầm.

Hoàng Thị Thế sinh ngày 31/3/1901 ở Phồn Xương, Yên Thế (Bắc Giang). Mẹ là Đặng Thị Nho, tục gọi là bà Ba Cẩn, người vợ thứ ba đồng thời là cộng sự của của thủ lĩnh nghĩa quân Yên Thế Hoàng Hoa Thám. 

Theo như chia sẻ của Hoàng Thị Thế trong cuốn hồi ký "Kỷ niệm thời thơ ấu", bà được hứa hôn với một người con của hoàng đế Trung Hoa lúc lên ba.

Trong cuốn hồi ký viết bằng tiếng Pháp của mình, Hoàng Thị Thế đã chia sẻ những năm tháng thơ ấu không thể nào quên cùng với cuộc đời đầy sóng gió của gia đình vị anh hùng Hoàng Hoa Thám (1858-1913), đánh dấu những giai đoạn đấu tranh và trốn tránh trong núi rừng Yên Thế.

Tại vùng đất "oai hùng" Yên Thế, nơi từng diễn ra những cuộc phục kích liên tục, Hoàng Thị Thế đã bị người Pháp bắt vào tháng 6/1909 sau nhiều lần muốn tiêu diệt cuộc khởi nghĩa của phong trào nông dân Yên Thế và bắt sống thủ lĩnh Đề Thám.

Cuộc đời đầy thăng trầm của con gái Hùm thiêng Yên Thế - Ảnh 1.

Bà Hoàng Thị Thế và mẹ đẻ. Ảnh chụp năm 1909.

Sau đó, mẹ bà là Đặng Thị Nho cũng bị bắt vào ngày 1/12/1909. Bà Ba Cẩn bị đày sang Guyanne (Pháp) và qua đời ở trại cách ly Alger trên đường đi vào ngày 25-11-1910.

Cha bà, Hoàng Hoa Thám sau đó cũng bị giết ngày 10/2/1913 (tức mồng 5 tháng Giêng Âm lịch).

Về phần Hoàng Thị Thế, sau khi theo học trường Tây ở Bắc Kỳ, bà được đưa sang Pháp vào năm 1917 cùng với gia đình một viên chức nhà Đoan. Bà được Albert Sarraut (Toàn quyền Đông Dương lúc bấy giờ) nhận làm con nuôi và cho bà theo học ở trường nội trú Jeanne D’Arc ở Biarritz (Pháp). Bà lấy tên là Marie Beatrice Destham.

Trở về Bắc Kỳ, bà Hoàng Thị Thế làm thủ thư ở tòa Thống sứ Hà Nội với tư cách là viên chức Pháp. Bà ở đây từ năm 1925 đến năm 1927 và sống một thời gian cùng với người em trai là Hoàng Văn Vi, tức Phồn, tại phố Hàm Long.

Trở lại Pháp, bước chân vào nghệ thuật thứ 7 và những năm tháng "lạ thường"

Trở lại Paris, Albert Sarraut giới thiệu bà như là công chúa. Tổng thống nước Cộng hòa Paul Doumer trở thành người cha đỡ đầu và cấp cho bà một khoản trợ cấp gây nên nhiều tranh cãi.

Vào năm 1930, bà Hoàng Thị Thế bước chân vào con đường nghệ sĩ trong bộ phim của Louis Mercanton, dựa theo một truyện ngắn của William-Somerset Maugham: Lá thư. Bà tự xưng là "công chúa Hoàng Thị Thế" và báo chí gọi bà là "công chúa Trung Hoa".

Bà kết hôn ngày 14/8/1931, ở tòa thị chính Saint Amand ở Caudéran, cùng với Jean Joseph Bernard Robert Bourgès, 24 tuổi, không nghề nghiệp. Người làm chứng là Albert Sarraut, Thượng nghị sĩ toàn quyền các thuộc địa và Đại sứ Pháp. 

Cuộc hôn nhân này gây nên phản ứng trên một số tờ báo, vì những dòng chữ ghi trên giấy báo hỉ và danh xưng "công chúa" của bà.

Sau đó, bà sống tại 42, đường Moscou ở Paris. Chồng bà là giám đốc "Xinêma và quảng cáo" ở châu Phi và sống nhiều năm tại Alger. Trong năm đó, bà được quay trong bộ phim thứ hai, do Jack Salvatori thực hiện: La Donna Bianca, cũng được chuyển thể từ truyện của William-Somerset Maugham.

Ngày 6/5/1932, bà là người sơ cứu đầu tiên cho cha đỡ đầu, Paul Doumer, Tổng thống Cộng hòa Pháp, bị một người Nga Gorguloff ám sát ở dinh thự Salomon de Rothschild, 11 đường Berryer ở Paris.

Ngày 12/10/1932, người ta đưa tin bà Hoàng Thị Thế đi Sài Gòn, cùng với người tùy tùng, nữ công tước Nguyễn Thị Ba, trên chiếc tàu thủy Chantilly, trong một chuyến viễn du trên biển do Touring Club của Pháp tổ chức.

Ngày 14/5/1935, bà sinh hạ một con trai, Jean Marie Albert Arthur. Trong năm đó, bà đóng trong phim của Maurice de Canonge, "Bí mật của lục bảo".

Bà ly hôn ngày 19-1-1940 và mấy năm sau đó trở về Hà Nội.

Hồi ký "Kỷ niệm thời thơ ấu" được bà viết ở Hà Bắc năm 1963. Năm 1974, bà về sống tại phòng 31, khu tập thể Văn Chương.

Bà Hoàng Thị Thế qua đời ngày 9/12/1988. Bà được chôn tại Phồn Xương, Yên Thế, Bắc Giang ( tức 1 tháng 11 Âm lịch).

Cuộc đời đầy thăng trầm của con gái Hùm thiêng Yên Thế - Ảnh 2.

Cuốn hồi ký của bà Hoàng Thị Thế bằng tiếng Pháp do chính nhà thơ Hoàng cầm dịch. Ảnh: Omega+

Bài viết trên được trích rút từ cuốn sách: "Kỷ niệm thời thơ ấu Hoàng Thị Thế" do nhà thơ Hoàng Cầm dịch từ bản tiếng Pháp của cuốn hồi ký do chính bà Hoàng Thị Thế viết.

Cuốn sách mô tả những năm tháng thơ ấu không thể nào quên của Hoàng Thị Thế, con gái của người anh hùng Hoàng Hoa Thám tại quê hương Yên Thế (Bắc Giang) và giai đoạn bà học tập và sinh sống ở Pháp.

"Kỷ niệm thời thơ ấu Hoàng Thị Thế" được công ty CP sách Omega Việt Nam phối hợp với NXB Khoa học xã hội ấn hành.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại