Cuộc đời cay đắng của người phụ nữ lao công từng là nghệ sĩ cải lương lừng lẫy một thời

Lan Chi |

Từng là nghệ sĩ cải lương nổi tiếng một thời nhưng hiện tại, bà Lê Ánh Nguyệt hiện đang gắn bó với công việc tạp vụ tại một chung cư thuộc quận 8, TP.HCM.

Thời vàng son rực rỡ

8h sáng, bà Lê Ánh Nguyệt (ngụ quận 8, TP.HCM) cầm chổi dọn dẹp hành lang rộng lớn của khu chung cư, xong việc, bà lại quay sang chùi từng cạnh cầu thang một cách tỉ mẩn. Nhiều tháng qua, cư dân chung cư đã quen với hình ảnh người phụ nữ nhỏ nhắn, hay lam hay làm bất kể nắng mưa. 

Ít ai biết được rằng hơn 30 năm trước, bà Nguyệt từng là một nghệ sĩ cải lương lừng lẫy, đi bất kì đâu đều được đưa đón bằng ô tô. 

Cuộc đời bà Nguyệt là những chuỗi ngày thăng trầm, trải qua thời vàng son của cải lương, chứng kiến gia đình chồng gặp biến cố. Sau cùng, ở tuổi xế chiều, hai vợ chồng bà đành thuê một căn trọ nhỏ tại phường 16, quận 8, TP.HCM để sinh sống qua ngày. 

Bà Nguyệt trầm ngâm nhớ lại: "Tôi sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu âm nhạc. Ngày bé, tôi thường tập ngân nga mấy câu vọng cổ theo ba má, anh trai tôi cũng theo nghề đánh đàn. Cứ như thế, tôi yêu cái nghề hát lúc nào không hay. Thời vàng son nhất của cải lương, tôi đã từng được diễn chung với nghệ sĩ cải lương Hoài Thanh, Minh Vương, Ngân Giang, Minh Tiến... 

Cuộc đời cay đắng của người phụ nữ lao công từng là nghệ sĩ cải lương lừng lẫy một thời - Ảnh 1.

Bà Nguyệt

Tôi lấy nghệ danh là Thanh Như Nguyệt. Tuồng nhỏ rồi tuồng lớn, tôi được khán giả biết đến nhiều hơn, đi đâu cũng có người đưa đón. Người xin chụp ảnh, bắt tay, người xin chữ kí, tôi rất hạnh phúc khi bước qua quãng thời gian như thế". 

Năm 1982, bà Nguyệt về đoàn Hương Mùa Thu, được thành lập bởi soạn giả Thu An. Chính ông là người đưa đoàn lên đỉnh cao của ánh đèn sân khấu, với nhiều vở tuồng để lại dấu ấn đậm sâu trong lòng khán giả. Sau đó, bà Nguyệt đã kết hôn cùng con trai soạn giả Thu An. 

"Thời gian trôi qua, khán giả họ không lui tới sân khấu cải lương nhiều nữa, đoàn hát buồn hiu hắt. Tôi còn nhớ dấu mốc là năm 1992, các đoàn hát bắt đầu đóng cửa vì không thể duy trì được, chúng tôi bước vào cuộc sống vô cùng khó khăn. 

Công việc hằng ngày của người phụ nữ từng là nghệ sĩ cải lương

Ba má chồng tôi là nghệ sĩ Ngọc Hương - soạn giả Thu An vô cùng thương gánh hát, không buông được. Ông bà tiếp tục nuôi 80 người trong đoàn, bao gồm chi phí sinh hoạt, tiền xăng xe... Đến lúc không còn tiền, cả hai bán căn nhà ở đường Nam Kì Khởi Nghĩa được 68 cây vàng. Sau đó, ba chồng tôi bị viêm phế quản, phải thở oxy, tinh thần ông cũng suy sụp rồi qua đời", bà Nguyệt nói. 

Ước mơ con gái học hành tử tế

Biến cố gia đình đã khiến vợ chồng bà rơi vào cảnh thất nghiệp. "Do mắc nợ, gia đình tôi đành bán luôn cái nhà nhỏ rồi đi thuê trọ. Giờ đây, má chồng tôi là nghệ sĩ Ngọc Hương phải vào nhà dưỡng lão ở. Tôi cũng không thể nương tựa vào ai nữa tự lực đi làm.

Khi đoàn đóng cửa, tôi bán cơm tấm, cà phê, bánh tai yến... Trong những tháng năm khó khăn nhất, tôi cũng tủi thân lắm chứ, không ai biết mình từng là nghệ sĩ cải lương. Nhiều lúc tôi cũng buồn và nhớ nghề lắm, tôi thèm hát, thèm được đứng trên sân khấu...

Mùa dịch vừa qua, vợ chồng tôi không thể đi làm khiến nhà trọ cắt điện, con gái phải học trong bóng tối. Tôi bấm bụng cầm chiếc xe máy để trang trải trong cả tháng trời. Đó là những kí ức cùng cực nhất trong cuộc đời", bà Nguyệt nghẹn ngào.

Hai vợ chồng bà Nguyệt có người con gái năm nay đã 18 tuổi. Theo lời kể của bà, em rất ngoan, học giỏi và vẽ tranh đẹp. "Sau khoảng thời gian dài dịch bệnh, tôi xin vào làm tạp vụ của một chung cư tại quận 8, TP.HCM. Mỗi tháng, chồng tôi đi làm xin ứng lương 1 lần để xoay sở mua đồ ăn, lúc lãnh lương ra chỉ còn khoảng 1 triệu đồng. Tôi thì lo tiền điện, tiền nước, tiền rác... Tôi còn nhớ ngày xưa, lúc đi hát, tôi có thể mua được vàng nhưng tất cả đã mất đi sau quá nhiều biến cố", bà Nguyệt nói. 

Không phấn son, không ánh đèn sân khấu, không còn những hào quang rực rỡ nhất, giờ đây, bà Nguyệt đã chọn cách lui về toàn tâm toàn ý lo cho gia đình. Đôi lúc, bà cũng chạnh lòng vì những gì đã mất đi sẽ không quay trở lại nữa. Tuy nhiên, bà luôn động viên chính mình rằng phải nỗ lực, cố gắng để con gái được học hành tử tế. 

Mỗi buổi sáng, bà Nguyệt đều tỉ mỉ lau cầu thang, dọn dẹp hành lang. Công việc xong xuôi, chỉ kịp ngả lưng vài phút trên chiếc ghế rồi ăn vội hộp cơm. Người dân trong chung cư ai cũng quý mến người phụ nữ chịu thương, chịu khó không một lời than van này. 

Bà Nguyệt kể, trong căn trọ vỏn vẹn mấy mét vuông, bà vẫn thường xuyên cất tiếng hát. Những giai điệu, thanh âm của ngày xưa trở về nhắc nhớ bà một quá khứ đầy rực rỡ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại