Cuộc đoàn viên bất ngờ của đại dòng họ Hoàng Thái hậu Từ Dũ

Đại Dương |

Từ một bài viết đăng trên báo Tiền Phong năm 2007, đại dòng họ Phạm Đăng của Lễ bộ Thượng thư Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng, cha của Hoàng Thái hậu Từ Dũ và là ông ngoại vua Tự Đức đã bất ngờ đoàn viên sau hàng trăm năm thất lạc nhau.

Quảng Ngãi có một địa chỉ rất nổi tiếng và độc đáo, đó là làng cà phê . Nơi đây có nhiều quán cà phê sân vườn nối tiếp nhau, quán nào cũng nằm trong không gian rợp bóng cây. Nơi đây vốn là làng. Quá trình đô thị hóa đã khiến ngôi làng nằm lọt giữa phố, song vẫn giữ nguyên dáng vẻ xưa cũ . Cũng chính vì sự độc đáo đó mà các quán luôn đông khách, nhất là buổi tối và những ngày cuối tuần.

Mỗi lần về Quảng Ngãi tôi thường đến làng cà phê, vừa để thưởng thức những ly cà phê thơm lừng và “ngon líu lưỡi”, vừa để đắm mình trong không gian xanh mát, dịu êm. Nhờ thế tôi phát hiện chủ nhân của những quán cà phê làm một việc chưa từng có tiền lệ là xây dựng thương hiệu cho làng cà phê và bắt đầu bằng việc đăng ký bản quyền thương hiệu của quán. Người tiên phong là ông Phan Tâm, chủ quán Tuế Mai Viên.

Cuộc đoàn viên bất ngờ của đại dòng họ Hoàng Thái hậu Từ Dũ - Ảnh 1.

Lăng Hoàng gia tại Gò Công

Tuế Mai Viên nằm trong khu vườn rộng, nơi có nhà thờ của dòng họ Phạm Đăng - họ ngoại vua Tự Đức. Ông Phan Tâm là con rể của dòng họ này. Trong vườn có nhiều cây cổ thụ và mai vàng, đặc biệt hai cây Thiên Tuế mấy trăm năm tuổi. Đó cũng là lý do ông Tâm đặt tên quán là Tuế Mai Viên.

Từ những khám phá thú vị, tôi viết bài Xây thương hiệu cho làng, đăng trên báo Tiền Phong ra ngày 17/8/2007. Sau đó không lâu, ông Tâm gọi điện cho tôi. Từ đầu bên kia, ông Tâm reo lên: “Nhờ bài viết Xây thương hiệu cho làng của báo Tiền Phong mà nhiều chi dòng họ Phạm Đăng tìm được nhau và đoàn viên sau hàng trăm năm biệt tích”.

Đoàn viên sau trăm năm ly biệt

Ông Tâm kể, đọc được bài viết trên báo Tiền Phong, một người cháu trong dòng họ Phạm Đăng ở Củ Chi (TPHCM) là Phạm Đăng Hoàng đã tìm ra số điện thoại của ông và liên lạc. Sau đó, Hoàng về Quảng Ngãi và gặp được mọi người trong dòng họ. Mừng không kể xiết. Nhiều người khác ở Củ Chi cũng tìm về Quảng ngãi, rồi từ đó ra Huế đoàn viên cùng những người trong dòng họ Phạm Đăng.

Cuộc đoàn viên bất ngờ của đại dòng họ Hoàng Thái hậu Từ Dũ - Ảnh 2.

Ông Phạm Đăng Được (áo dài khăn đóng), hậu duệ đời thứ 10 của dòng họ Phạm Đăng, hiện ngoài 80 tuổi và là trưởng họ Phạm Đăng tại Gò Công

Ông Tâm cho biết, từ đó đến nay những người trong dòng họ Phạm Đăng ở các địa phương liên tục gặp gỡ, thăm viếng nhau, nhất là những ngày giỗ lớn . Ông cũng từng vào Củ Chi để thăm viếng họ hàng.

Một ngày cuối tháng 10 vừa qua, tôi tìm về xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi để gặp ông Nguyễn Minh Chánh - cháu ngoại của dòng họ Phạm Đăng. Ông Chánh kể: “Từ khi dòng họ kết nối được với nhau, tôi và nhiều người khác đã nhiều lần về Quảng Ngãi, rồi ra Huế thăm những người trong họ hàng Phạm Đăng ở đó. Nhiều người ngoài đó cũng vào Củ Chi thăm viếng. Lần đầu gặp nhau nhưng ai cũng cảm thấy rất gần gũi, thân thương như từng gắn bó từ lâu”.

Ông Chánh, sinh năm 1958, là Trung tá Công an, làm việc tại Công an TPHCM. Từ khi nghỉ hưu, ông có nhiều thời gian hơn để quan tâm, chăm lo chuyện dòng họ. Trên đường đưa tôi đi thăm nhà thờ họ, ngang qua những dãy nhà, khu mộ, ông Chánh cho biết đó đều là của người trong dòng họ Phạm Đăng, có đến hàng trăm gia đình. Nhà thờ do mẹ ông, bà Phạm Thị E (sinh năm 1925), đời thứ 10 của gia tộc Phạm Đăng, đứng ra huy động xây dựng và bà trực tiếp chăm sóc đến khi mất (năm 2015).

Ông Chánh cho biết, cùng với việc tìm về Quảng Ngãi và Huế, nhiều người trong họ Phạm Đăng ở Củ Chi đã tìm về Gò Công (Tiền Giang) và đã kết nối được với dòng họ ở đây. Cũng từ bài báo của Tiền Phong, một nhánh họ Phạm Đăng ở Tây Ninh tìm về Củ Chi và các nơi để nhận nhau. Việc tìm nhận cứ thế dây chuyền trong dòng tộc.

Lý giải việc vì sao có nhánh họ Phạm Đăng ở Củ Chi và Tây Ninh, ông Chánh cho rằng, do nhiều người họ Phạm Đăng tham gia chống Pháp dưới ngọn cờ của Bình Tây đại Nguyên soái Trương Định. Sau khi Trương Định qua đời, sợ bị Pháp truy sát, một số người trong dòng họ Phạm Đăng từ Gò Công đã về Củ Chi sinh sống để lánh nạn. Khu vực này ngày xưa rất hoang vu, không có đường bộ, chủ yếu đi lại bằng đường thủy. Với tâm thế ở ẩn nên họ ít giao du bên ngoài và cũng vì thế đứt toàn bộ mối liên hệ dòng họ. Cũng vì lý do lánh nạn, một số người đã về Tây Ninh và đổi thành Phạm Văn hay các chữ đệm khác. Khi gặp lại nhau, đối chiếu các mảnh ghép tư liệu có được thì hoàn toàn trùng khớp với dòng họ Phạm Đăng.

Dòng họ Hoàng gia

Trên mảng tường lớn trong nhà thờ Phạm Đăng ở Củ Chi có tấm phả hệ khá to với hơn chục đời, kể từ cụ tổ Phạm Đăng Khoa. Đến khoảng đời thứ 7 thì có tên nhiều thành viên. “Đây là của một chi ở Củ Chi, và chưa kịp cập nhật các đời con cháu sau này”, ông Chánh giải thích.

Cuộc đoàn viên bất ngờ của đại dòng họ Hoàng Thái hậu Từ Dũ - Ảnh 3.

Những người trong dòng họ Phạm Đăng đoàn viên tại Củ Chi

Theo các nguồn tư liệu của dòng họ Phạm Đăng để lại, ông Phạm Đăng Khoa là thủy tổ dòng họ, theo chúa Nguyễn vào Đàng Trong ở Quảng Trị, rồi di chuyển vào Thuận Hóa. Dòng họ tiếp tục cuộc Nam tiến khi Phạm Đăng Tiên (con trai ông Khoa) vào làm Huấn đạo phủ Tư Nghĩa (tỉnh Quảng Ngãi ngày nay). Con trai ông Tiên là Phạm Đăng Dinh vào Gò Công, trấn Gia Định (Tiền Giang ngày nay) và sinh ra ông Phạm Đăng Long. Ông Phạm Đăng Hưng (đời thứ 5) là con ông Long. Ông Hưng có 4 người con đều làm quan to dưới triều Nguyễn, trong đó Phạm Đăng Thuật là chồng của công chúa Nguyễn Phúc Vĩnh Trinh (con gái thứ 18 của Minh Mạng), được phong Phò mã Đô úy. Trong khi đó, con gái ông Phạm Đăng Hưng là Phạm Thị Hằng là vợ vua Thiệu Trị, mẹ vua Tự Đức. Bà Hằng nổi tiếng là người phụ nữ thông minh, cao quý, thương dân, hiếu đễ và sau này bà trở thành Hoàng thái hậu Từ Dụ (Từ Dũ).

Tên bà được đặt cho một bệnh viện phụ sản nổi tiếng ở TPHCM: Bệnh viện Từ Dũ. Trong khuôn viên bệnh viện có bức tượng chân dung bà. Tại nhà thờ họ Phạm Đăng ở Gò Công và Củ Chi đều có tấm bia bằng đồng ghi vắn tắt tiểu sử, công đức bà Từ Dũ. Ông Chánh cho biết, bia này do Bệnh viện Từ Dũ đặt và hàng năm, đến ngày giỗ họ Phạm Đăng ở Gò Công và Củ Chi, Bệnh viện lại cử người về tham dự để tưởng nhớ công đức của bà.

Sau khi Lễ bộ Thượng thư Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng mất, triều đình nhà Nguyễn cho xây dựng lăng mộ của ông và nhà thờ dòng họ Phạm Đăng ở Gò Công, trên diện tích rộng hàng ngàn mét vuông và được người dân địa phương gọi là Lăng Hoàng Gia. Khu phức hợp gồm các công trình được xây dựng, tu sửa ở nhiều thời điểm khác nhau, từ nửa đầu thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20.

Tại Quảng Ngãi, có tài liệu ghi, bà Từ Dũ cho xây dựng đền thờ trong khu vườn họ Phạm Đăng, có tên gọi Thích Thiện từ. Trải qua chiến tranh, công trình đã bị phá hủy, chỉ còn lại một vài phần phụ như bia, trụ cổng. Nhà thờ họ Phạm Đăng hiện nay được con cháu phục dựng trên nền của đền thờ trước đây.

Tại đây có tấm bia đá cẩm thạch trắng ghi lại công trạng của Phạm Đăng Hưng, do Phan Thanh Giản và Trương Quốc Dụng soạn năm 1858 theo chỉ dụ của vua Tự Đức. Khi di chuyển từ Huế vào Gò Công, đến Sài Gòn thì bia rơi vào tay quân Pháp. Năm 1860, khi đại úy Barbé bị tử trận trong cuộc đụng độ với nghĩa quân Trương Định, quân Pháp lấy tấm bia của ông Phạm Đăng Hưng cắm lên mộ Barbé tại nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi (sau này là công viên Lê Văn Tám, quận 1, TPHCM) và khắc chồng lên đó dòng chữ bằng tiếng Pháp:

Đây là nơi an nghỉ của Barbé, đại úy thủy quân lục chiến tử trận trong một cuộc phục kích ngày 07.12.1860

Kỷ niệm của các thân hữu.

Sau đúng 140 năm luân lạc, năm 1998 tấm bia ghi lại công trạng của Phạm Đăng Hưng mới trở về đúng nơi cần đến: Lăng Hoàng gia.

Sự luân lạc và đoàn viên của tấm bia mang hai ngôn ngữ và hai tên người chết này cũng ly kỳ và bất ngờ như sự luân lạc và đoàn viên của đại dòng họ Phạm Đăng của Hoàng Thái hậu Từ Dũ.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại