Tuy nhiên báo chí Nga nhận xét, hiệu quả của các hệ thống đánh chặn trong bối cảnh chiến trường Ukraine vẫn còn nhiều nghi vấn.
Trên những đoạn hành trình có quỹ đạo phẳng, tên lửa Oreshnik có khả năng đạt độ cao 85 - 110 km, nơi nó có thể bị phát hiện bởi radar đa chức năng AN/TPY-2 TMD-GBR - một thành phần của tổ hợp THAAD.
Radar này phát hiện mục tiêu ở khoảng cách 700 đến 1.300 km và truyền dữ liệu để dẫn đường cho các tên lửa đánh chặn ngoài khí quyển. Mặc dù vậy, việc tiếp tục đánh chặn Oreshnik sẽ gặp phải một số khó khăn.
Ở giai đoạn đầu đạn phân tách, tên lửa Nga sử dụng mồi nhử hồng ngoại và màn chắn khí dung, khiến đầu dẫn hồng ngoại của hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD khó có thể khóa mục tiêu.
Hơn nữa, khi tên lửa hạ xuống độ cao dưới 70 - 80 km, các tên lửa đánh chặn sẽ mất hiệu quả do lực cản khí động học tăng lên, khiến việc đánh chặn ngoài khí quyển hầu như không thể thực hiện được.
Trong không gian hạn chế của chiến trường Ukraine, “cuộc đấu tay đôi công nghệ cao” do tổng thống Vladimir Putin đề xuất mới đây thậm chí còn mang lại ít lợi thế hơn cho THAAD.
Thời gian xuất hiện của tên lửa Oreshnik trong tầm bắn của tổ hợp THAAD là cực kỳ ngắn, vì ở giai đoạn cuối của quỹ đạo, nó đã chuyển sang dẫn đường riêng cho từng đầu đạn. Trong điều kiện như vậy, hiệu quả của THAAD gần bằng không.
Một tình huống khác có thể nảy sinh khi Oreshnik được sử dụng để tấn công các mục tiêu ở châu Âu. Trong trường hợp này, thời gian nằm trong tầm phủ sóng của THAAD sẽ tăng lên, làm tăng cơ hội đánh chặn thành công.
Tuy nhiên ngay cả trong những điều kiện thuận lợi nhất, xác suất đánh chặn thành công vẫn chỉ ở mức 7 - 15%. Điều này là do những hạn chế của bản thân hệ thống THAAD, vốn được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu đơn giản hơn.
Đáng chú ý là phía Ukraine sẽ không nhận được hệ thống THAAD từ Lầu Năm Góc, và Washington ở giai đoạn này không có kế hoạch cung cấp những hệ thống vũ khí công nghệ cao như vậy cho Kyiv, bất chấp căng thẳng ngày càng gia tăng trong khu vực.
Quyết định này loại trừ khả năng sử dụng chúng trên chiến trường Ukraine và hạn chế khả năng xảy ra va chạm giữa Oreshnik và THAAD chỉ ở các mô hình lý thuyết.
Tuy nhiên, tình hình có thể thay đổi nếu xung đột giữa Nga và NATO tiếp tục leo thang. Trong kịch bản như vậy, các khẩu đội THAAD được triển khai ở châu Âu có thể trở thành mục tiêu tấn công của Quân đội Nga và khả năng chúng bị phá hủy sẽ tăng lên.
Điều này tạo thêm rủi ro cho an ninh toàn cầu, làm nổi bật tính dễ bị tổn thương của ngay cả những hệ thống phòng không hiện đại nhất trong một cuộc đối đầu công nghệ cao.
Cần nhấn mạnh, Oreshnik là tên lửa đạn đạo tầm trung của Nga, được sử dụng lần đầu tiên vào ngày 21 tháng 11 năm 2024 để tấn công một cơ sở công nghiệp quốc phòng ở Dnieper.
Nó có khả năng tấn công mục tiêu ở khoảng cách lên tới 5.500 km và đạt tốc độ Mach 10, khiến tổ hợp trên gần như bất khả xâm phạm trước các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại.
Tên lửa được trang bị nhiều đầu đạn siêu thanh, đảm bảo độ chính xác và hiệu quả tác động cao. Tổng thống Vladimir Putin lưu ý rằng Oreshnik được tạo ra trên cơ sở công nghệ hoàn toàn của Nga và đã được đưa vào sản xuất hàng loạt.
Tên lửa Oreshnik tấn công mục tiêu trên đất Ukraine.