Như VnEconomy đã đưa tin, Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Bộ Công an vừa có văn bản 4335 ngày 9/11 gửi UBND tỉnh Đồng Nai về việc đề nghị tạm dừng biến động phục vụ công tác điều tra, xác minh với Phạm Hoàng Minh, Hồ Thị Diễm Trang, Nguyễn Hoàng Phú, Lê Công Sương, Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích và Trần Quý Thanh theo đơn tố cáo có hành vi "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" thông qua việc chuyển nhượng dự án và cáo buộc "trốn thuế", xảy ra tại Công ty Cổ phần Bất động sản Minh Thành Đồng Nai và Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Nhơn Thành.
Theo tìm hiểu, tranh chấp của vụ việc này liên quan đến Khu dân cư - dịch vụ tại xã An Phước (Long Thành). Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 Khu dân cư - dịch vụ tại xã An Phước, huyện Long Thành do Công ty Cổ phần Bất động sản Minh Thành Đồng Nai làm chủ đầu tư được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt năm 2015.
Không phải vì thông tin trên mà giới đầu tư mới biết đến sự dịch chuyển dòng vốn của gia đình ông Trần Quý Thanh vào bất động sản, mà thực chất ông chủ Tân Hiệp Phát đã có sự đổ bộ khá lớn vào lĩnh vực địa ốc.
Tân Hiệp Phát được thành lập năm 1994 do ông Trần Quý Thanh là Chủ tịch Hội đồng quản trị. Công ty đã nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực nước giải khát ở Việt Nam. Năm 2019, Tân Hiệp Phát đạt doanh thu 9000 tỷ, lợi nhuận sau thuế khoảng 3.300 tỷ đồng.
Năm 2018, ông Trần Quý Thanh gây chú ý khi tuyên bố "chơi lớn" ở lĩnh vực bất động sản và coi đây là chiến lược kinh doanh mới của tập đoàn. Ngay sau đó, Tân Hiệp Phát đã thành lập hơn 20 doanh nghiệp vốn điều lệ 20.000 tỷ đồng để hiện thực hoá kế hoạch tỷ đô ở lĩnh vực địa ốc.
Công ty Đầu tư và Bất động sản Lộc Điền (vốn 3.830 tỷ), Công ty Đầu tư Bất động sản HBT (vốn 1.500 tỷ), Công ty Đầu tư Bất động sản HTK (1.500 tỷ), Công ty Đầu tư và Phát triển Bất động sản MDC (1.500 tỷ), Công ty Long Châu Thành (1.500 tỷ), Công ty Đầu tư và Phát triển Bầu Trời Xanh (1.500 tỷ), Công ty Đầu tư và Phát triển Bất động sản Nam Thiên Thanh (1.500 tỷ), Tân Quý Thanh (1.500 tỷ), Hồng Thiên Mã (1.500 tỷ), Công ty TNHH Đầu tư Quang Vinh (1.200 tỷ), Công ty Đầu tư Bất động sản Century Bay Đà Nẵng (772 tỷ), Number One Quang Vinh (300 tỷ)…
Quỹ đất của Tân Hiệp Phát được cho là trải rộng khắp đất nước. Nhưng khẩu vị yêu thích của đại gia ngành nước giải khát này đó là nhắm vào những khu đất Nhà nước hoặc ngân hàng mang ra đấu giá để tích lũy quỹ đất. Với chiến lược này, Tân Hiệp Phát đã sở hữu nhiều lô "đất vàng" tại nhiều tỉnh thành đang thu hút đầu tư như Đà Nẵng, Tp. HCM và Vũng Tàu.
Tại Đà Nẵng, Tân Hiệp Phát đang triển khai dự án Suntory Bay, nằm gần cầu sông Hàn với tổng vốn lên tới 5.000 tỷ đồng.
Tại Tp.HCM, vào tháng 4/2018, bà Đinh Thị Tuyết Nhung đã nhận 163 tỷ đồng từ Tân Hiệp Phát để chuyển nhượng 8 mảnh 'đất vàng' tại TP.HCM. Trước đó, 8 mảnh đất này đã được bà Nhung thế chấp ngân hàng.
Đặc biệt, mới đây, Tân Hiệp Phát đã trúng đấu giá nhiều quỹ đất lớn ở Vũng Tàu, ước khoảng 4,8ha, tương ứng 644 tỷ đồng.
Năm 2018, Công ty TNHH Mua bán nợ VNAMC được thành lập với vốn điều lệ ban đầu 100 tỷ đồng. Theo đăng ký kinh doanh, VNAMC có 2 cổ đông lớn là bà Trần Ngọc Bích và Trần Uyên Phương, mỗi người sở hữu tỉ lệ vốn góp 50%. Cả 2 đều là con gái của ông Trần Quý Thanh - nhà sáng lập, Chủ tịch Tân Hiệp Phát.
Công ty Mua bán nợ VNAMC ra đời sau gần 1 năm Quốc hội ban hành Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu. Cùng thời điểm đầu năm 2018, ngoài VNAMC, có hàng chục công ty mua bán nợ xấu khác ra đời, mục tiêu chính của các đơn vị này nhằm thâu tóm dự án bất động sản bị thế chấp tại ngân hàng với giá rẻ, từ đó tiến đến phát triển hoặc chuyển nhượng.