Tuy nhiên, ông đã quyết định phá lệ để giải oan cho một luật sư người da màu tại Anh.
Những lá thư nặc danh
Sau thành công với nhân vật thám tử Sherlock Holmes, tác giả Conan Doyle đã nhận được nhiều thư từ người hâm mộ trên khắp thế giới, trong đó có những bức thư nhờ ông phá án, giải oan.
Tuy nhiên, Conan Doyle chưa từng nhúng tay vào một vụ án có thật nào. Tất cả đều bị ông từ chối, song vụ án của George Edalji là ngoại lệ duy nhất khi Conan Doyle trổ tài.
Câu chuyện của George, 27 tuổi, bắt đầu từ trước khi anh được sinh ra. Sinh năm 1876, George Edalji là con trai của cha xứ người Ấn Độ Shapurji Edalji và người phụ nữ Anh, Charlotte. Họ chuyển từ Bombay đến ngôi làng toàn người da trắng, Great Wyrley, hạt Staffordshire. Ông Shapurji trở thành cha xứ gốc Nam Á đầu tiên ở Anh.
Năm 1892, khi George 16 tuổi, nhà Edalji bắt đầu nhận được những bức thư đe dọa nặc danh qua đường bưu điện. Các giáo sĩ trong khu vực cũng nhận được những bức thư lăng mạ với chữ ký giả của Shapurji khiến ông và gia đình bị căm ghét. Không ít lần, gia đình ông bị đập vỡ cửa sổ, ném phân vào nhà nhưng không thể tìm ra thủ phạm cho những trò đùa quái ác.
Bất chấp những khó khăn trên, George vẫn chăm chỉ học hành, trúng tuyển trường luật và trở thành một luật sư giỏi. Điều này càng khiến thái độ thù địch với gia đình Edalji tăng cao.
Đỉnh điểm vào năm 1903, làng Great Wyrley trải qua sự việc kinh hoàng khi xác một con ngựa bị rạch bụng được tìm thấy trên cánh đồng. Trong bốn tháng tiếp theo, thêm ba con ngựa, ba con bò và một con cừu bị xẻo thịt và bỏ mặc đến chết. Nội tạng của chúng vương vãi trên mặt đất.
Vào thời điểm đấy, Great Wyrley được gọi là “ngôi làng của sự sợ hãi”. Mọi cuộc tấn công đều theo một khuôn mẫu, kẻ giết người đến trong đêm khuya, chém chết các con vật rồi lặng lẽ bỏ đi. Người dân nhốt gia súc trong nhà vào ban đêm còn trẻ em bị cấm ra khỏi nhà khi trời tối. Cảnh sát địa phương không tìm ra nghi phạm dù đã tăng cường 20 người để tuần tra thường xuyên.
Bất chấp cả làng đề cao cảnh giác, nỗi kinh hoàng vẫn tiếp tục diễn ra. Song song là những lá thư nặc danh đe dọa sẽ làm điều tương tự với 20 cô gái trong làng.
Kẻ đứng sau những lá thư còn tiết lộ đằng sau sự việc là một băng nhóm giết người, thường hoạt động vào đêm trăng tròn. Một trong những thành viên của băng đảng là George Edalji. Những lá thư được gửi dưới tên một nam sinh là Wilfred Greatorex.
Cảnh sát địa phương bắt đầu theo dõi gia đình Edalji. George, khi ấy đang là luật sư, nổi tiếng là người nhút nhát và hiếu học. Anh từng giành huy chương tại trường đại học và viết một cuốn sách về luật đường sắt. Chàng trai trẻ có một cuộc sống tương đối êm đềm, bình lặng bên cha mẹ.
Mỗi sáng, George bắt chuyến tàu từ Great Wyrley đến văn phòng làm việc tại Birmingham rồi trở về nhà vào chiều tối. Anh không uống rượu, không giao du với người xấu hay các băng đảng trong khu vực.
Gia đình nhà George gồm ông bà Shapurji Edalji và Charlotte cùng các con George, Maud, Horace.
Nỗ lực kêu oan
Sáng 18/8, một con ngựa bị chém, đi khập khiễng được phát hiện cách nhà George chưa đầy một km. Ngay lập tức, cảnh sát ập vào nhà George khám xét và tìm thấy một đôi ủng dính bùn cùng một chiếc áo khoác cũ, một dao cạo râu. Họ khẳng định đã phát hiện lông ngựa dính trên áo khoác còn dao cạo râu là vũ khí nhưng cha của George khẳng định đó chỉ là một sợi chỉ.
Ông đứng ra làm chứng rằng George đã không rời khỏi nhà vào tối hôm trước, thời điểm con ngựa bị giết. Hơn nữa, George cũng không dùng dao cạo để cạo râu mà luôn đến tiệm cắt tóc gần nhà.
Tuy nhiên, không ai lắng nghe vị cha xứ. George bị bắt tại văn phòng luật ở Birmingham và bị biệt giam, từ chối bảo lãnh vì số tiền quá lớn. Trong thời gian George bị giam giữ, một con ngựa khác trong làng bị giết với cách thức tương tự. Điều này những tưởng sẽ giúp George giải oan nhưng phía công tố viên phủ nhận. Họ cho rằng, băng đảng của George đã gây án để đánh lạc hướng điều tra của cảnh sát.
Tại phiên tòa xét xử vào tháng 10 cùng năm, cảnh sát tuyên bố thu thập được 29 sợi lông ngựa từ áo khoác của George và tìm thấy những vết bẩn nghi là máu. Họ cũng phát hiện những dấu chân trùng khớp với dấu chân của George trên cánh đồng nơi con ngựa bị chém. Những bằng chứng này chưa từng được công bố chính thức.
George bị kết án 7 năm tù khổ sai vì tội cố ý làm thương một con ngựa. Sau đó vài tuần, cha của George đã thu thập chữ ký kiến nghị trả tự do cho George gửi đến Bộ Nội vụ. Sự việc thu hút hàng nghìn người quan tâm, được đăng tải trên các phương tiện truyền thông. Nhiều luật sư hàng đầu nước Anh cũng đặt ra nghi vấn về vụ kết án oan.
Do thời điểm đó, nước Anh chưa có tòa phúc thẩm nên đơn kháng cáo được Bộ Nội vụ chuyển cho GA Anson, cảnh sát trưởng hạt Staffordshire. Tuy nhiên, ông này đã gạt phăng đơn kháng cáo với hơn 10.000 chữ ký. Sự việc vẫn tiếp tục được công chúng quan tâm. George sau đó được giảm xuống còn 3 năm tù giam và bị cấm hành nghề luật sư vĩnh viễn.
Trong thời gian ở tù, George say sưa đọc các tác phẩm trinh thám về thám tử Sherlock Holmes của Conan Doyle. Tin rằng chỉ Conan Doyle mới có thể giúp mình giải oan, George đã sưu tầm các mẩu tin, bài báo về vụ án của mình và gửi cho tác giả kèm một bức thư sau khi được trả tự do.
Conan Doyle nhận được bưu phẩm từ George khi ông đang trải qua giai đoạn đen tối trong cuộc đời. Vợ ông, Louise, đã qua đời vài tháng trước đó vì bệnh lao. Vụ án của George không chỉ thu hút sự quan tâm của Conan, mà còn dấy lên trong ông khát vọng bảo vệ chính nghĩa cho một gia đình đang bị áp bức.
Các tờ báo đưa tin về vụ án oan của George.
Luật sư George Edalji.
Đi tìm sự thật
Nhà văn hẹn gặp George tại một khách sạn ở London. Từ những phút đầu tiên, ông nhận ra George chắc chắn không phải thủ phạm nhờ tài quan sát.
George phải đưa tờ menu lên gần mắt để chọn món. Điều này chứng tỏ anh ấy bị cận thị nặng. Trong khi đó, đêm 17/8 – thời điểm con ngựa bị tấn công, trời vô cùng tối và lộng gió.
Conan Doyle phỏng đoán rằng một người có thị lực kém như George không thể băng qua cánh đồng đen kịt. Nhà văn đã đưa ra những lập luận quan trọng về George trước cả khi nói chuyện với anh ấy, giống như cách làm việc của thám tử Holmes.
“Anh bị loạn thị đúng không?” - Conan Doyle hỏi. “Đúng vậy” - George trả lời, thêm phần xác nhận thông tin của tác giả.
Hôm sau, Conan đưa George đi kiểm tra thị lực, bước đầu trong việc chứng minh người này vô tội. Kết quả chứng minh George gần như bị mù.
Sau đó, ông đến thăm làng Great Wyrley, trò chuyện với cha mẹ George rồi ra quan sát hiện trường các vụ án.
Đó là một cánh đồng cỏ, được bao quanh bởi những bụi cây có gai lởm chởm. Đối với một người có thị lực kém như George, việc vượt qua những bụi cây này vào ban đêm là một điều phi thường. Hơn nữa, ông phát hiện trong đêm 17/8, trời đổ mưa lớn. Cánh đồng biến thành một vũng bùn nhớp nháp, càng gây cản trở cho quá trình di chuyển của George.
Cuối cùng, Conan Doyle đến thăm cảnh sát trưởng, GA Anson. Dù Conan đã trình bày những lập luận của mình, viên cảnh sát vẫn khăng khăng George là thủ phạm vì... màu da và gốc gác Ấn Độ của anh. Điều này khiến Conan tin rằng Anson là một kẻ phân biệt chủng tộc.
Đòi lại công lý
Nhà văn Conan Doyle, 'cha đẻ' của nhân vật giả tưởng thám tử Sherlock Holmes.
Ngày 11/1/1907, Conan Doyle đăng bài báo đầu tiên về vụ án George Edalji trên tờ “The Daily Telegraph”. Bài báo, gồm 2 phần, đã tạo nên một cơn “địa chấn” trong xã hội lúc bấy giờ. Bài báo viết về hoàn cảnh của đôi vợ chồng cha xứ già cùng đứa con trai mù lòa bị kết tội oan và viên cảnh sát trưởng ngạo mạn. Ông từ chối nhận nhuận bút.
Bài báo đã biến George Edalji thành người nổi tiếng. Vận dụng lối lập luận kinh điển của Holmes cùng nghệ thuật ngôn từ khéo léo, chính xác, Conan Doyle đã lật tẩy vụ án và chỉ ra những sai sót trong từng diễn biến của phiên tòa.
Mọi tang vật từ đôi ủng ướt, áo khoác cho đến dao cạo râu đều được chứng minh là không phù hợp và không có căn cứ. Các chẩn đoán từ bác sĩ nhãn khoa cũng khẳng định George không thể đi hơn một km từ nhà ra cánh đồng trong đêm tối. Các bức thư nặc danh cũng được chứng minh không phải do George viết.
Nhưng bài báo của Conan còn vượt ra khỏi vụ án. Ông tiết lộ những điều chưa từng được công bố tại phiên tòa. Đó là câu chuyện đau xót về những hành động công kích độc ác nhắm vào gia đình George; những trò lừa bịp, những lời đe dọa nặc danh trong nhiều thập kỷ.
Hàng trăm lá thư phẫn nộ của người dân khắp cả nước được gửi đến Bộ Nội vụ. Dưới áp lực ngày càng tăng, Bộ cũng quyết định thành lập một ủy ban điều tra và ân xá cho George. Tuy nhiên, Bộ không bồi thường và chỉ ra rằng George đã viết những bức thư nặc danh và tự chuốc lấy rắc rối.
Phản đối quyết định trên, Conan Doyle tiếp tục tự mình truy tìm hung thủ. Ông đã viết nhiều bài báo, trả lời nhiều cuộc phỏng vấn, đến thăm và tìm hiểu làng Great Wyrley thường xuyên.
Qua tìm hiểu, Conan Doyle nghi ngờ nghi phạm là Royden Sharp, bạn học cùng trường và từng công khai chế nhạo George. Chữ viết tay của Royden trùng khớp với thư nặc danh đe dọa gia đình George cùng những bức thư tố cáo gửi đến văn phòng cảnh sát.
Người này hiện đang làm nghề bán thịt. Conan lưu ý rằng những vết thương trên các xác ngựa do một dụng cụ có cạnh cắt tròn gây ra, giống với dụng cụ xẻ thịt của Royden.
Ông đã gửi những phát hiện của mình cho cảnh sát trưởng GA Anson nhưng bị người này gạt bỏ với lý do “đừng dạy tôi cách phá án”. Royden chưa từng bị bắt và vụ án tại Great Wyrley vĩnh viễn không có lời giải.
Về phía George, anh được khôi phục chức danh luật sư và tìm kiếm một công việc mới ở London. Anh cùng gia đình đã chuyển đi nơi khác sinh sống và không bao giờ trở về thăm Great Wyrley.
Vụ án của George đã dẫn đến việc thành lập Tòa phúc thẩm hình sự Anh vào năm 1908. Tuy nhiên, bản thân gia đình Edalji gần như bị lãng quên.