Cuộc điện đàm quan trọng giữa bối cảnh quan hệ Mỹ-Israel “căng như dây đàn”

Diệp Thảo |

Không đơn thuần chỉ là một trao đổi thông thường, cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Israel Joe Biden hôm 4/4 đã làm nổi bật mâu thuẫn sâu sắc trong quan điểm đôi bên đối với cuộc xung đột ở Gaza - một cuộc xung đột có thể khiến cả Nhà Trắng và Beit Aghion đổi chủ.

Tổng thống Biden rất cần kết thúc xung đột để xoa dịu sự tức giận của cử tri trước cuộc tổng tuyển cử tháng 11, trong khi Thủ tướng Netanyahu có thể sẽ phải kéo dài thời gian giao tranh để ngăn chặn cuộc bầu cử mà nhiều nhà lãnh đạo Mỹ tin rằng ông sẽ thất bại. Tuy nhiên, có thể chắc chắn một điều, cả hai nguyên thủ đều phải đối mặt với khả năng rời nhiệm sở nếu tình hình hiện nay không hạ nhiệt.

Cuộc điện đàm quan trọng giữa bối cảnh quan hệ Mỹ-Israel “căng như dây đàn”- Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) gặp mặt Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (phải) tại Israel hôm 18/10/2023. Ảnh: Reuters.

Bối cảnh căng thẳng của cuộc điện đàm quan trọng

Cuộc điện đàm giữa ông Biden và ông Netanyahu diễn ra trong bối cảnh Washington đang lo ngại rằng hành động của Israel có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột khác trong khu vực Trung Đông mà Mỹ không hề mong muốn. Hiện nay, cáo buộc Israel tấn công các nhân viên ngoại giao của Iran tại Syria 1/4 dẫn đến lời thề trả đũa đang đẩy quân đội Mỹ đóng tại khu vực này vào tầm ngắm nguy hiểm.

Trong cuộc điện đàm, Mỹ tỏ rõ thái độ tức giận đối với những hành động gần đây của Israel. Ông Biden cho rằng ông đã bị “xúc phạm”, đồng thời lên tiếng cáo buộc Israel đã “đã làm quá ít” để bảo vệ dân thường và nhân viên cứu trợ tại khu vực bị tàn phá.

Dù Mỹ ngày càng lộ rõ sự thất vọng đối với Israel trước bối cảnh leo thang xung đột trên Dải Gaza khiến con số thương vong tăng lên mỗi ngày và cơn khủng hoảng nhân đạo đang trở nên trầm trọng, Israel vẫn giữ vững niềm tin rằng Mỹ sẽ không bỏ rơi đồng minh truyền thống của mình.

Và Israel có cơ sở cho niềm tin đó. Dù liên tục đưa ra yêu cầu Israel tăng cường các biện pháp bảo vệ dân thường và ngăn nước này thực hiện kế hoạch tấn công Rafah, chính quyền ông Biden vẫn tiếp tục viện trợ quân sự cho Israel. Nhà Trắng khẳng định sẽ không có thay đổi nào trong chính sách hỗ trợ đồng minh của mình, dù áp lực từ cử tri và cộng động quốc tế về việc kiểm soát Israel vẫn đè nặng trên vai Tổng thống Mỹ.

“Không có quốc gia phải sống trong lo sợ vì mối nguy hại như Hamas sát gần bên. Israel sẽ tiếp tục có sự hỗ trợ của Mỹ cho cuộc chiến với Hamas”, Cố vấn Truyền thông An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby cho biết hôm 3/4.

Theo CNN, hôm 4/4, Mỹ đã cho phép chuyển giao 2.000 quả bom vào Israel, trong khi các nguồn tin khác cũng cho biết trong tuần này, Mỹ dự định sẽ phê duyệt việc bán máy bay chiến đấu F-15 trị giá 18 tỷ USD cho quốc gia đồng minh.

Động thái này của Mỹ cho thấy sự mâu thuẫn trong cách điều hành của ông Biden, đồng thời khiến nhiều người bất bình. Ông José Andrés, người sáng lập World Central Kitchen, phát biểu trước báo giới hôm 3/4: “Mỹ sẽ cử quân đội đến làm công tác nhân đạo ở Gaza, nhưng cũng đồng thời cung cấp vũ khí có thể sát hại dân thường”.

Không có bằng chứng nào cho thấy những lời kêu gọi “suông” của Mỹ về việc bảo vệ dân thường tại Gaza có hiệu quả trong tháng qua. Và hiện nay, vụ việc 7 nhân viên cứu trợ thiệt mạng có khả năng sẽ chặn đứng dòng chảy nhân đạo vào Dải Gaza để giải quyết nạn đói ở đây.

Tổng thống Biden bị đẩy vào thế khó

Tổng thống Biden đang ở tình thế tiến thoái lưỡng nan, vì sự nghiệp chính trị của ông đã và đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, dù sự ủng hộ của ông có nghiêng về phe nào. Nếu từ bỏ đồng minh truyền thông Israel, ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực Trung Đông sẽ thiệt hại đang kể, chưa nói đến khả năng quân đội Mỹ đóng tại khu vực này cũng bị đẩy vào tình thế nguy hiểm. Tuy nhiên, con số gần 33.000 người Palestine thiệt mạng tại Gaza cũng đang khiến mọi sự chỉ trích của cử tri Mỹ đổ dồn về phía Tổng thống, bởi họ cho rằng chính sự hậu thuẫn của Washington dành cho Israel là một trong những nguyên nhân dẫn đến thảm cảnh này.

Cuộc điện đàm quan trọng giữa bối cảnh quan hệ Mỹ-Israel “căng như dây đàn”- Ảnh 3.

Cuộc giải cứu người dân bị mắc kẹt trong đống đổ nát sau một trận chiến giữa Israel-Hamas hồi cuối năm ngoái. Ảnh Reuters.

Một số đảng viên Đảng Dân chủ đã kêu gọi tổng thống áp đặt các giới hạn đối với cách Lực lượng Phòng vệ Israel sử dụng vũ khí do Mỹ sản xuất, nhưng ông Biden đã từ chối. Gần đây, việc ông Netanyahu không sẵn lòng lắng nghe ông Biden trong việc triển khai các cuộc tấn công tại Gaza cũng làm dấy lên nghi ngờ về khả năng kiểm soát Israel của ông chủ Nhà Trắng.

Ở Mỹ, ông Biden đang phải trả giá đắt cho thái độ nhượng bộ đối với Israel. Tại Wisconsin hôm 2/4, gần 48.000 cử tri trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ đã bỏ phiếu phản đối cách xử lý chiến tranh của ông. Ông Biden đã đánh bại người tiền nhiệm Donald Trump với khoảng 20.000 phiếu bầu ở Wisconsin vào năm 2020 và đây cũng là một trong những chiến địa quan trọng có khả năng quyết định kết quả của cuộc bầu cử tháng 11.

Vụ tấn công vào Đại sứ quán Iran tại Syria mới đây dẫn đến khả năng đáp trả của Iran cũng gây thêm áp lực chính trị cho Tổng thống Mỹ từ chính nội bộ Đảng Dân chủ. “Chúng tôi không muốn Israel leo thang chiến tranh với Lebanon, và cũng không muốn Israel tiến quân vào Rafah. Đảng Cộng hòa, Đảng Dân chủ, đảng Độc lập, không một đảng nào muốn Mỹ vướng vào một cuộc chiến khác ở Trung Đông”, Hạ nghị sĩ Ro Khanna trả lời phỏng vấn với CNN hôm 1/4.

Chính quyền ông Biden đang lo ngại sự kiện hôm 1/4 sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến mới ở Trung Đông; và điều này có thể đe dọa đến khả năng tiếp tục ở lại Nhà Trắng của ông Biden trong nhiệm kỳ tới khi ông đang vuột mất sự ủng hộ của cử tri, đặc biệt là các cử tri gốc Trung Đông.

Hôm 2/4, Tiến sĩ Thaer Ahmad, một bác sĩ người Mỹ gốc Palestine có ý định trở lại Gaza để điều trị cho các nạn nhân chiến tranh, đã rời khỏi cuộc gặp với Tổng thống. Một bác sĩ khác, Tiến sĩ Nahreen Ahmed, người cũng có mặt trong buổi điều trần tại Nhà Trắng, cho rằng ông Biden không thực sự tập trung xử lý vấn đề Gaza mà chỉ “lo nghĩ cho sự nghiệp chính trị của mình".

Hiện tại, những gì Tổng thống Biden có thể làm để xoa dịu tình hình là bày tỏ “sự thương tiếc mất mát của mọi sinh mạng vô tội trong cuộc xung đột này”.

Thủ tướng Netanyahu lo sợ “mất ghế”

Giống như ông Biden, sự nghiệp chính trị của ông Netanyahu đang trong tình trạng bấp bênh.

Trong nước, hàng loạt cuộc biểu tình phản đối Thủ tướng Netanyahu đã diễn ra với quy mô lớn chưa từng có. Ngoài áp lực từ công chúng, đặc biệt là áp lực từ gia đình các con tin tại Gaza, ông Netanyahu cũng phải đối mặt với cuộc tranh cãi nảy lửa về việc có nên miễn nghĩa vụ quân sự cho những người theo học tại các trường tôn giáo chính thống hay không, điều này có nguy cơ làm tan vỡ liên minh do ông thành lập hồi năm 2022.

Hôm 3/4, ông Benny Gantz, thành viên nội các chiến tranh và là đối thủ của ông Netanyahu, đã kêu gọi tổ chức cuộc bầu cử sớm vào tháng 9 năm nay. Sau đó, một lãnh đạo phe đối lập khác là cựu Thủ tướng Yair Lapid cũng kêu gọi nội các của Thủ tướng Netanyahu sớm từ chức, với lý do chính phủ hiện tại thất bại trong việc giải cứu con tin và đảm bảo an ninh cho đất nước.

Chiến sự leo thang ở Trung Đông đang khiến Israel bị cô lập. Đặc biệt, vụ việc 7 nhân viên cứu hộ thiệt mạng, trong đó có công dân Anh, Australia và Canada khiến quan hệ ngoại giao của Israel với phương Tây chuyển biến xấu. Thậm chí, Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã nói với người đồng cấp Israel rằng tình hình ở Gaza “ngày càng không thể chấp nhận được”. Israel sau đó đã buộc phải lên tiếng thừa nhận rằng cuộc tấn công nhằm vào các nhân viên cứu trợ là một sai lầm và xin lỗi để xoa dịu cộng đồng quốc tế. Đây là một sự khác biệt lớn do với thời điểm Israel xử lý thông tin 30.000 người Palestine thiệt mạng.

Cuộc điện đàm quan trọng giữa bối cảnh quan hệ Mỹ-Israel “căng như dây đàn”- Ảnh 4.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak. Ảnh: Bloomberg.

Cho đến nay, những lo ngại về căng thẳng giữa Israel và Iran có thể leo thang thành xung đột vẫn chưa thành hiện thực. Hiện tại, các cuộc đụng độ ở cấp độ thấp hơn giữa Lực lượng phòng vệ Israel IDF và các lực lượng ủy nhiệm của Iran như Hezbollah ở Lebanon vẫn ở dưới ngưỡng có thể gây ra một cuộc đối đầu trực tiếp giữa hai bên. Tuy nhiên, sau sự kiện 1/4, với khả năng đáp trả mạnh mẽ của Iran, câu chuyện có lẽ sẽ khác.

Theo các chuyên gia, việc Israel ứng xử như thế nào trong tình huống Iran đáp trả là một vấn đề quan trọng. Ông Mark Esper, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump cho rằng đây có thể là “một cái bẫy”, đồng thời cảnh báo Israel nên cẩn trọng về các hành động tiếp theo của mình, tránh để xảy ra sai lầm đáng tiếc.

Trong tình hình hiện nay, Israel không thể rời xa Mỹ. Cuộc điện đàm hôm 4/4 có thể sẽ không tạo ra những thay đổi lớn trong quyết sách của ông Netanyahu, nhưng Thủ tướng Israel có thể sẽ cân nhắc về việc hạn chế các hoạt động quân sự và tăng cường các biện pháp bảo vệ người dân để có thêm một nhiệm kỳ nữa ở Beit Aghion.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại