Trong một video được đăng tải gần đây trên chuyên trang khám phá Florida, người ta có thể thấy một con cá sấu mõm ngắn đang càm xác của một con trăn khổng lồ và bơi lừ lừ trên mặt nước.
Con cá sấu dài khoảng 3,5 mét, trong khi con trăn, được xác định là loài trăn Miến Điện có độ dài thậm chí còn gấp đôi. Với tương quan kích thước chênh lệch này, trước đây, người ta thường chứng kiến trăn Miến Điện siết cổ và ăn thịt cá sấu Mỹ.
Một video năm 2022 lan truyền trên mạng xã hội cho thấy khi người ta mổ bụng một con trăn Miến Điện khổng lồ, họ đã tìm thấy xác một con cá sấu ở bên trong. Về mặt lý thuyết, trăn Miến Điện có thể nuốt một lúc 2 con cá sấu Mỹ vào bụng.
Nhưng bằng cách nào đó, con cá sấu lần này đã đánh thắng con trăn và trở thành kẻ ăn thịt.
Một con cá sấu Mỹ được tìm thấy bên trong bụng của trăn Miến Điện vào năm 2022.
Một video mới đây cho thấy cá sấu Mỹ mõm ngắn tha xác trăn Miến Điện khổng lồ.
Video mới này một lần nữa cho thấy "cuộc chiến vương quyền" giữa cá sấu và trăn ở Florida là một trong những " drama " đáng xem nhất trong thế giới động vật. Nó kể câu chuyện về một kẻ ngoại lai, đã đến và thách thức ngôi vua của một loài sinh vật đã trị vì các vùng đầm lầy ở Bắc Mỹ trong suốt hàng triệu năm.
Vậy loài nào sẽ giành chiến thắng trong trò chơi vương quyền này? Cá sấu Mỹ hay trăn khổng lồ Miến Điện? Hãy cùng tìm hiểu.
Trăn Miến Điện: Từ kẻ bị bỏ rơi trở thành kẻ thách thức vương quyền của cá sấu Mỹ
Cá sấu Mỹ mõm ngắn (Alligator) là một trong những sinh vật lâu đời nhất trên hành tinh. Tổ tiên của chúng đã sống từ trước thời kỳ Tiểu Trung Sinh ( Mesozoic Era ), tức khoảng hơn 200 triệu năm trước, từ khi Châu Mỹ còn chưa tách ra hẳn so với các lục địa còn lại.
Trong thời kỳ cổ đại, cá sấu đã thống trị các vùng đầm lầy ở Bắc Mỹ, đứng trên đỉnh chuỗi thức ăn của các loài bò sát, ngay cả dưới sự hiện diện của khủng long.
Tổ tiên của những con cá sấu Mỹ ngày nay có thể dài tới 12 mét và nặng 8 tấn. Với lực cắn hàm mạnh hơn cả khủng long bạo chúa T. rex, chúng có thể chết và ăn thịt bất cứ con khủng long nào dám bén mảng đến uống nước hoặc săn mồi gần lãnh địa của mình.
Đó là cách mà cá sấu Mỹ được sinh ra, tiếp quản bộ gen và ngai vàng mà tổ tiên mình đã để lại, và trở thành chúa tể của vùng đầm lầy ở Bắc Mỹ trong suốt hàng triệu năm.
Nhưng bây giờ, ngai vàng ấy của cá sấu đang bị thách thức, bởi một loài động vật mới xâm lấn vào nước Mỹ: Trăn Miến Điện.
Trăn Miến Điện, có danh pháp khoa học Python bivittatus, là một loài trăn bản địa ở Đông Nam Á. Chúng thường được tìm thấy ở Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia và Myanmar, nơi nó được đặt tên.
Những con trăn này là một trong những loài rắn lớn nhất thế giới còn tồn tại, với chiều dài trung bình từ 5-7 mét, và có thể nặng từ 90 đến hơn 180 kg.
Nếu như cá sấu là chúa tể vùng đầm lầy ở Bắc Mỹ thì ở quê hương của mình, trăn Miến Điện vốn thống trị các khu đầm lầy trong rừng rậm Đông Nam Á. Chúng ăn thịt tất cả các loài, từ thú nhỏ cho tới thú lớn, thậm chí cả con người.
Trong hàng chục triệu năm, cá sấu Mỹ và trăn Miến Điện, mỗi loài làm bá chủ một phương, nước sông không phạm nước giếng khi không loài nào biết đến sự tồn tại của loài nào. Nhưng mọi thứ bây giờ đã thay đổi, bắt đầu từ khoảng những năm 1970.
Đó là khoảng thời gian mà ở nước Mỹ rộ lên trào lưu nuôi thú cưng độc lạ. Để thể hiện cá tính của mình, nhiều người đã nuôi kỳ đà, nhện tarantula, thậm chí cả cá sấu làm cảnh. Một nhà buôn nào đó đã nhập khẩu trăn Miến Điện vào nước Mỹ, để giới thiệu nó cho những vị khách ngày càng lập dị của mình.
Khi những vị khách khoác lên cổ mình một tấm da trăn còn sống và đi đến các buổi họp mặt câu lạc bộ thú cưng kỳ lạ ở Florida, đặc biệt là Miami, họ đã không lường trước được một điều: Những con trăn này sẽ sớm ăn hết thức ăn trong tủ lạnh của họ.
Trung bình chỉ trong vòng 1 năm sau khi được nhận nuôi, một con trăn Miến Điện có thể tăng kích thước cơ thể của nó lên gấp đôi. Và gấp 4 lần sau 2 năm. Chúng có thể đạt tới độ dài hơn 6 mét và nặng hơn 100 kg vào năm tăng trưởng thứ 3.
Lúc này, những người nuôi thú cưng ở Florida không biết làm gì với một sinh vật khổng lồ đói khát trong nhà của mình nữa. Họ đã thả chúng ra ngoài tự nhiên, tại các khu rừng và khu bảo tồn thiên nhiên ở Florida.
Kể từ đây, một kỷ nguyên mới đã bắt đầu với loài trăn Miến Điện.
Loài sinh vật ăn tàn phá hại, leo lên đỉnh chuỗi thức ăn trong hệ sinh thái
Ngay sau khi được tự do khỏi những chiếc lồng nuôi nhốt của loài người, trăn Miến Điện đã tìm thấy được ở Florida vô số những đầm lầy ẩm ướt, về cơ bản giống với môi trường sống ở quê nhà Đông Nam Á của chúng.
Những con trăn nhanh chóng thích nghi với điều kiện sống ở đây. Chúng săn chuột, thỏ, thú có túi, các loài chim đầm lầy, thậm chí cả gấu mèo, nai và hươu lớn. Vũ khí lợi hại nhất của trăn là cơ thể dài tới 6 mét, với lực siết mạnh có thể bóp chặt và làm ngưng tim con mồi.
Thêm vào đó, với độ mở rộng hàm lên tới 26 cm và chu vi khoảng hở đạt hơn 80 cm, tương đương vòng eo của một người trưởng thành, trăn Miến Điện - với cái miệng rộng như cái xô của chúng - đã ăn tàn phá hại hệ sinh thái khắp Florida.
Kể từ khi những con trăn này được thả ra ngoài tự nhiên, người ta đã ghi nhận sự suy giảm của 99,3% quần thể gấu mèo trong khu vực, 98,9% lượng thú có túi và 87,5% quần thể mèo rừng.
Trăn Miến Điện cũng đã làm quần thể hươu đuôi trắng, một loài bản địa ở Nam Florida, suy giảm tới 94,1%. Một số loài vật như thỏ đầm lầy, thỏ đuôi bông và cáo thậm chí đã tuyệt chủng.
Vào những năm 2010, người Mỹ đã cố gắng tái thiết quần thể thỏ bằng cách thả lại chúng vào tự nhiên ở Nam Florida. Nhưng cứ 10 con thỏ thả ra thì 7-8 con sẽ bị trăn ăn thịt khiến quần thể thỏ không những không tăng trở lại mà những con trăn còn sinh sôi nảy nở mạnh hơn nữa.
Người ta ước tính chỉ trong vòng 50 năm, từ những con trăn Miến Điện đầu tiên được thả ra ngoài tự nhiên ở Florida, loài sinh vật khổng lồ này đã tự nhân kích thước quần thể của chúng lên hàng chục ngàn con.
Dân số bùng nổ của trăn Miến Điện ở Florida được thúc đẩy bằng một nút thắt vào năm 1992, khi cơn bão Andrew đổ bộ tiểu bang này và phá hủy một trung tâm nhân giống trăn cảnh. Hàng trăm con trăn đã thoát ra môi trường tự nhiên và tìm thấy những con trăn được người nuôi thú cưng thả ra trước đó.
Một khi tìm được bạn tình để giao phối, trăn Miến Điện sinh sản cực kỳ mạnh. Mỗi một con trăn cái có thể đẻ từ 50-100 trứng mỗi năm. Sau khi nở ra được từ trứng, những con trăn non trưởng thành rất nhanh.
Chúng có thể tăng gấp đôi chiều dài và trọng lượng cơ thể sau mỗi năm và đạt tới độ trưởng thành về mặt tình dục từ 18 tháng cho đến muộn nhất là 4 năm. Lúc này, trăn lớn trưởng thành lại tiếp tục đẻ trứng.
Khi trăn Miến Điện và cá sấu Mỹ đánh nhau, loài vật nào sẽ giành chiến thắng?
Với số lượng ngày càng lớn, trăn Miến Điện bây giờ đã trở thành loài động vật ngoại lai xâm hại phổ biến nhất ở Florida. Chúng bắt đầu thách thức cả cá sấu, chúa tể vùng đầm lầy ở Bắc Mỹ.
Đã có nhiều video và hình ảnh được ghi lại cho thấy trăn Miến Điện và cá sấu Mỹ đụng độ nhau. Những cuộc chạm trán này thường xảy ra khi trăn và cá sấu tranh giành chung một con mồi, xâm phạm vào lãnh thổ của nhau hoặc đơn giản là một trong hai con có ý định ăn thịt con còn lại.
Cả trăn Miến Điện và cá sấu Mỹ đều là những loài săn mồi đỉnh cao. Nên khi chúng đánh nhau, đó là một cuộc chiến sinh tử đầy kịch tính. Cả hai loài đều sở hữu những đặc điểm đáng sợ.
Cá sấu Mỹ với cơ thể chắc nịch, hàm răng sắc nhọn và lực cắn mạnh tới 2.980 psi có thể làm thủng cả thép. Trong khi trăn Miến Điện lại có thân dài, sức mạnh cơ bắp vượt trội và khả năng quấn chặt con mồi để bóp nghẹt.
Việc loài vật nào chiến thắng phụ thuộc vào việc con trăn có thể tránh được cú đớp ban đầu của cá sấu hay không. Còn cá sấu có thể tránh để bị trăn quấn chặt miệng và vô hiệu hóa thứ vũ khí mạnh mẽ nhất của nó không?
Một khi cá sấu đớp được vào gần phần đầu của trăn, có thể khiến con trăn bị thương nặng và không còn khả năng phản kháng. Tuy nhiên, nếu trăn có thể chặn được những cú cắn của cá sấu và quấn quanh cơ thể nó, đặc biệt là vô hiệu hóa phần hàm, trận chiến có thể kéo dài đến khi một bên kiệt sức.
Trăn thường có lợi thế trong các cuộc chiến dai sức này, bởi chúng có thể nhịn đói tới 127 ngày mà không chết, trong khi cá sấu sẽ nhanh chóng kiệt quệ.
Nhưng liệu trăn Miến Điện có thể thách thức vị trí thống trị của cá sấu Mỹ, trên chính vương quốc của chúng trong suốt hàng triệu năm hay không?
Câu trả lời hiện tại có lẽ là: Không, hay chính xác hơn là chưa. Dựa trên tương quan về mặt lực lượng, hiện ở Florida có khoảng hơn 1 triệu con cá sấu mõm ngắn. Trong khi chỉ có hơn 10.000 con trăn Miến Điện đang cố gắng thiết lập quần thể ở đây.
Chính quyền Florida cũng đứng về phía loài cá sấu Mỹ, loài động vật có trong danh sách bảo tồn. Trong khi, trăn Miến Điện bị coi là loài xâm lấn, gây hại đến hệ sinh thái bản địa và cần tiễu trừ.
Trong hơn một thập kỷ qua, tiểu bang Florida đã làm nhiều biện pháp tiễu trừ trăn Miến Điện, bao gồm cả việc thuê thợ săn và tổ chức các cuộc thi săn trăn thường niên. Nhưng suốt từ năm 2013, chỉ có khoảng 1.000 con trăn bị loại bỏ, đúng bằng lượng trứng mà một con trăn duy nhất có thể đẻ ra trong từng ấy năm.
Sự thất bại của các biện pháp này đã khiến chính Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS) phải khẳng định vào năm ngoái, rằng việc diệt trừ hoàn toàn trăn Miến Điện là "không thể đạt được".
Nếu ngay cả con người cũng không làm gì được loài trăn này, việc chúng còn tồn tại chắc chắn sẽ tiếp tục thách thức vị trí thống trị của cá sấu Mỹ. Chúng ta nên nhớ, cá sấu Mỹ đã tồn tại trên các vùng đầm lầy ở Florida trong suốt hàng triệu năm, còn trăn Miến Điện mới chỉ "đặt chân" đến mảnh đất này trong vòng nửa thế kỷ.
Trong vòng một thời gian ngắn như vậy, chúng đã có thể thách thức vị trí thống trị của cá sấu Mỹ. Vì vậy, chúng ta thực sự không biết, loài sinh vật này có thể làm được gì khi chúng tiếp tục ở lại đây lâu hơn.