Ngày 19-4, ngồi trên chuyến xe đi công tác trong sớm bình minh, nhìn những vườn cây thấp thoáng bên đường, nhà báo Hàn Ni, Báo Sài Gòn Giải Phóng chợt nghĩ: “Mình thích đến lúc già được trở về làm vườn, trồng cây, thả cá.
Hổng lẽ số phận hay tai nạn nghề nghiệp lần này sẽ khiến mình phải thực hiện ước mơ đó sớm hơn - trong vài ngày tới!”. Đó là ngày vụ quán cà phê Xin Chào khởi đăng.
Chỉ trong buổi sáng, bài viết: “Bán phở chậm đăng ký kinh doanh 5 ngày - Bị khởi tố hình sự” của nhà báo Hàn Ni gây nên cơn “bão” dư luận khi nhận được hàng trăm ngàn lượt quan tâm, chia sẻ, bình luận của các báo, đài bạn và độc giả trong, ngoài nước.
Chắt lọc 300 trang hồ sơ cho 1.900 chữ
Nhà báo Hàn Ni kể: Duyên cớ dẫn dắt tôi đến vụ án “Xin chào” cũng thật tình cờ. Hôm ấy, trong bữa cơm tối với nhóm bạn, anh bạn bác sĩ ở Bệnh viện Chợ Rẫy than: “Bữa nay đi khám bệnh mà phải ngồi cả buổi với bà bệnh nhân bị cao huyết áp”.
Kinh nghiệm của một bác sĩ mách bảo cho anh nguyên nhân khiến bệnh này không thuyên giảm phải do một cú sốc tâm lý rất lớn. Bệnh nhân nữ ấy chính là mẹ ông Tấn - chủ quán Xin Chào.
Cuộc trò chuyện với bà về những uất ức, lo lắng dồn nén khi con trai sắp phải ra hầu tòa vì một lý do quá đỗi vô lý đã khiến vị bác sĩ thấy lạ. Ông mang theo câu chuyện ra bên ngoài cánh cổng bệnh viện.
Tôi hỏi đi hỏi lại anh bạn mấy lần, cảm thấy hơi khó tin. Anh bác sĩ tức tốc bốc điện thoại về bệnh viện xin số liên lạc của bệnh nhân rồi gọi cho tôi nói chuyện với bà cụ.
Không quen biết với bà cụ, cũng chưa có bất cứ hồ sơ tài liệu gì trong tay nhưng linh cảm nghề nghiệp mách bảo tôi đây là một sự kiện đáng theo đuổi.
Trở về, tôi tìm cách xin hồ sơ vụ việc. Ban đầu, các mối quan hệ chỉ gửi cho tôi những tài liệu cơ bản của bất cứ vụ án nào như kết luận điều tra, cáo trạng của Viện kiểm sát, Biên bản xử phạt… Chưa thể viết báo với những chứng cứ như thế này.
Những zích zắc đằng sau các vụ án có vấn đề nhiều khi lại nằm trong chính các bút lục.
Phải thu thập đầy đủ toàn bộ bút lục không sót trang nào nhằm đảm bảo trong trường hợp khi vụ việc được đưa ra công luận - sẽ không ai có thể vận dụng các “thủ thuật” như tạo ra những bút lục mới, ký lùi ngày vào biên bản… hòng thay đổi bản chất vụ việc.
Vậy là lại tìm đủ cách thu thập. Cuối cùng, tôi đã có trong tay chừng 300 trang hồ sơ.
Những ngày nghỉ lễ “Giỗ tổ Hùng Vương, tôi nằm nhà sáng đêm đọc tài liệu. Những chi tiết quan trọng trong hồ sơ, tôi tô màu rồi dán lên tường. Càng đọc, càng thấy có quá nhiều vấn đề vô lý.
Nhưng để chắc rằng mình không đánh giá chủ quan, tôi hẹn gặp hai người bạn - một làm trong ngành công an, một làm ở tòa án để nghe thêm ý kiến đánh giá về toàn bộ sự việc.
Đến khi đã chắc chắn với các nhận định của mình, tôi quay về nhà, quyết định viết bài.
Lúc này, tôi hầu như đã thuộc lòng hồ sơ. Khuôn khổ bài viết đăng báo thông thường chỉ trên dưới 1.000 từ. Tôi chắt lại những thông tin có tính bản chất và cố gắng diễn đạt một cách dễ hiểu nhất.
Rà đi soát lại nhiều lần, công cụ đếm chữ trên máy tính vẫn báo 1.900 chữ.
Không thể tiếp tục cắt chữ để nén thêm thông tin câu chuyện liên quan đến số phận pháp lý của một con người, tôi đề xuất tòa soạn phá lệ đăng dài hơn thông lệ.
Đấu tranh trực diện
Sáng 19-4, khi tôi ngồi trên xe đò đi Cà Mau dự một phiên tòa, các cuộc điện thoại bắt đầu gọi về dồn dập. Bạn bè, người thân bày tỏ lo lắng.
Người thì dặn tôi cảnh giác kẻo bị trả thù. Nhiều đồng nghiệp báo, đài bạn xin tài liệu - tôi mở máy chụp, gửi cho từng người rồi lại trả lời các cuộc điện thoại thắc mắc tình tiết vụ việc của đồng nghiệp nhằm hỗ trợ các bạn.
Một mặt, tôi liên hệ với các chuyên gia lấy thêm ý kiến nhận định về sự việc để đăng tiếp hôm sau. Mọi việc tạm xong thì cũng vừa đến Cà Mau. Chiều tối hôm đó, dự phiên xét xử xong, tôi lên xe về Sài Gòn.
Hiệu ứng xã hội và phản hồi của bạn đọc rất nhiều nên tòa soạn chỉ đạo viết ngay một bài bình luận. Thực hiện xong bài viết này, trong lòng tôi bỗng thấy lo.
Xưa nay, công an, tòa án, viện kiểm sát luôn là những “lãnh địa” khó đụng chạm.
Người làm báo tự mặc định trong đầu rằng kiến thức pháp luật và sự hiểu biết các vấn đề pháp lý của mình không thể bằng những cán bộ lão luyện trong ngành.
Cất lên tiếng nói trái ngược với ý kiến của cả một hệ thống cơ quan pháp luật, liệu mình có đủ sức?
Nếu mình thua, hậu quả sẽ ra sao? Nghĩ tới giọng nói khẩn khoản và sự bất lực của mẹ con ông Tấn - chủ quán Xin Chào, tôi nghĩ mình có lý do để theo đuổi đến cùng.
Mục đích chính là giành lại công bằng cho người dân chứ không nhằm “hạ bệ” hay “đánh đấm” một ai cả.
Xe về tới Sài Gòn lúc 6g sáng. Chờ đến giờ làm việc, tôi quyết định gọi điện cho anh Quý - Trưởng Công an huyện Bình Chánh và anh Tòng - Phó viện trưởng VKSND đề nghị được gặp để trao đổi thêm về vụ việc.
Anh Quý có hỏi tôi vì sao không gặp anh trước khi viết bài, tôi trả lời vì thấy hồ sơ đã đầy đủ rồi.
Anh Quý bảo có khi hồ sơ tôi có còn thiếu, có khi tòa giữ lại một ít chứng cứ để “thủ” (ông nói đúng như những gì tôi dự liệu).
Tôi tự tin trả lời là đã có trong tay đầy đủ tất cả bút lục hồ sơ. Anh Quý hẹn gặp tôi vào buổi chiều nhưng sau đó không tiếp với lý do bận họp.
Cũng trong chiều cùng ngày, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng có ý kiến yêu cầu bên công an và viện kiểm sát báo cáo lại vụ việc.
Cho đến lúc này, mọi việc vẫn chưa ngã ngũ. Ngày hôm sau, công an TP tổ chức họp báo. Tình hình có vẻ càng căng thẳng khi Thiếu tướng Phan Anh Minh - Phó giám đốc Công an TP cương quyết khẳng định việc khởi tố vụ án là có cơ sở.
Trực tiếp “đấu lý” với vị tướng dày dặn kinh nghiệm mà mình vốn kính trọng, quả thực, có lúc tôi cảm thấy lo lắm.
Thế nhưng, những chứng cứ mình đã có, những hy vọng của gia đình ông Tấn và sự quan tâm của hàng trăm ngàn bạn đọc buộc tôi phải “chiến đấu” bằng hết sức mình.
Cuộc họp báo dần đi đến kết thúc khi mọi thông tin vẫn chưa có gì khả quan đối với ông Tấn. Bước ra khỏi phòng họp, điện thoại réo vang.
Giọng anh thư ký tòa soạn như reo: “Thủ tướng chỉ đạo dừng hình sự hóa vụ án”. Tôi cảm thấy ngực mình nhẹ đi. Tuy trong tố tụng ông Tấn vẫn chưa thoát tội. Nhưng có chỉ đạo đó là có tia sáng cuối đường hầm.
Trong những ngày kể từ sau khi vụ việc của ông Tấn được SGGP đăng tải, nhiều người dân gửi đơn thư đến cho tôi, trong số đó có người dân Bình Chánh.
Lọc trong rất nhiều đơn thư đó, tôi chú ý đến trường hợp của ông Nguyễn Văn Bỉ, chủ mảnh đất cho ông Tấn thuê mở quán. Tôi viết tiếp bài “Chủ khu đất kêu cứu bị xử lý hình sự vì… dựng chòi nuôi vịt”.
Bài viết cũng nhận được sự quan tâm của dư luận. Vụ việc dần được gỡ ra khi lần lượt Cả ông Tấn và ông Bỉ đều được đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can.
Những giọt nước mắt đã rơi. Ông Tấn đã khóc mà không dám tin mình thật sự đã thoát khỏi nguy cơ tù tội.
Trong quãng đời làm báo chưa phải là dài của mình, không ít lần tham gia những tuyến bài điều tra nhưng vụ quán Xin chào là việc mang đến cho tôi nhiều cung bậc cảm xúc nhất.
Vượt lên trên nỗi lo sợ về những rủi ro, hậu quả cho bản thân, có một nỗi lo lớn hơn thường trực trong lòng tôi từ khi nhấn nút gửi bài viết cho báo: Nếu mình thua, số phận của những người dân thấp cổ bé họng ông Tấn, ông Bỉ sẽ ra sao?
Nếu mình thua, vụ án này sẽ còn tạo tiền lệ cho bao nhiêu chuyện bất công, vô lý khác trên đất nước này.
Kết thúc có hậu của vụ việc là một mũi neo neo giữ niềm tin vào công lý, niềm tin vào lẽ phải của người dân, đồng thời cũng góp thêm cho lòng mình một ngọn lửa.
Nhà báo Đặng Thị Hàn Ni, sinh năm 1977, hiện đang công tác tại Ban Kinh tế, Báo Sài Gòn Giài Phóng. Chị là cử nhân báo chí, thạc sĩ Luật học; từng là luật sư. Chị đã xuất bản 2 quyển sách liên quan đến nghề báo gồm: "25 tình huống pháp lý đời thường" và "Viết báo và theo đuổi sự kiện".
Loạt bài viết về quán Xin chào của chị đã đạt giải Nhất giải Báo chí TP.HCM năm 2015 thể loại Phóng sự điều tra.