'Cuộc chiến vệ tinh' giữa Mỹ và Trung Quốc

Thu Thủy |

Các cơ quan truyền thông Trung Quốc hôm 27/12 đưa tin Ủy ban Liên Hợp Quốc (LHQ) về sử dụng hòa bình không gian ngoài Trái đất mới đây đã thông báo: Phái đoàn thường trực Trung Quốc tại LHQ ngày 3/12 đã gửi công hàm lên Tổng thư ký LHQ thông báo về sự kiện đe dọa tính mạng và sức khỏe của các phi hành gia trong Trạm Vũ trụ Trung Quốc.

Ngày 29/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã công khai việc này trong cuộc họp báo thường kỳ. Ông nói: "Tôi xin chịu trách nhiệm xác nhận với các bạn rằng, trong tháng 7 và tháng 10/2021, các vệ tinh Starlink do Tập đoàn Mỹ SpaceX phóng đã hai lần tiếp cận Trạm Vũ trụ Trung Quốc trong khi các phi hành gia Trung Quốc đang thực hiện nhiệm vụ trong trạm vũ trụ. Vì lý do an toàn, Trạm vũ trụ Trung Quốc đã phải thực hiện các biện pháp khẩn cấp để tránh va chạm".

Phát biểu của Triệu Lập Kiên đã gây sự chú ý rộng rãi của giới truyền thông Trung Quốc. Công ty công nghệ thám hiểm không gian của Mỹ được nhắc đến chính là Công ty SpaceX của tỷ phú Elon Musk. Dự án Starlink là một kế hoạch "hoành tráng" của công ty, mục tiêu là xây dựng một cụm vệ tinh khổng lồ trên quỹ đạo Trái đất tầm thấp, hiện tại SpaceX đã phóng tổng cộng 1.944 vệ tinh, trong đó có 1.797 vệ tinh hiện còn trên quỹ đạo, trong tương lai, dự kiến ​​sẽ tăng con số này lên 42 ngàn chiếc.

Cuộc chiến vệ tinh giữa Mỹ và Trung Quốc - Ảnh 1.

Một vệ tinh Starlink của SpaceX

Đây không phải là lần đầu tiên các vật thể không gian của Trung Quốc và Mỹ tiếp cận nhau. Vào tháng 11/2021, Mỹ tiết lộ, một cuộc chạm trán suýt xảy ra trên quỹ đạo cao 36.000 km từ Trái đất vào cuối năm 2020. Vào thời điểm đó, vệ tinh USA- 271 đã định tiếp cận vệ tinh Thực Tiễn - 20 của Trung Quốc, nhưng vệ tinh Trung Quốc đã khẩn cấp di chuyển và cách xa vệ tinh của Mỹ.

Truyền thông Trung Quốc cho rằng, việc Trung Quốc và Mỹ thường xuyên xảy ra các sự cố tiếp cận trong vũ trụ cho thấy cuộc đấu trí giữa hai nước trong lĩnh vực này ngày càng trở nên công khai. Mặc dù Elon Musk luôn quảng cáo là thân thiện với Trung Quốc, nhưng trong bối cảnh đối đầu Trung-Mỹ, Dự án Starlink của ông có thể trở thành thứ vũ khí mới được Mỹ sử dụng để kiềm chế sự phát triển công nghệ không gian của Trung Quốc.

Luật pháp Mỹ quy định cấm cơ quan không gian Mỹ liên lạc với Trung Quốc, số vệ tinh do Space X phóng lên hiện đã chiếm một nửa số lượng vệ tinh trên bầu trời, trong tương lai khi tổng số vệ tinh của Starlink đạt đến 42.000, tất sẽ trở thành mối đe dọa cho việc triển khai kế hoạch thăm dò không gian của Trung Quốc. Điều đáng chú ý là giá thành của vệ tinh Starlink rất thấp và Công ty Space X có quan hệ chặt chẽ với quân đội Mỹ. Nếu vụ tiếp cận Trạm Vũ trụ Trung Quốc lần này không phải là sự cố ngẫu nhiên thì Trung Quốc phải xem xét thận trọng.

Truyền thông Trung Quốc cũng đưa tin, theo thống kê của nhà vật lý thiên văn Jonathan McDowell ở Trung tâm Vật lý Thiên văn Harvard-Smithsonian, có 26 trong số 1.797 vệ tinh Starlink đã hoàn toàn mất kiểm soát, nhưng chúng vẫn đang ở quỹ đạo thấp, chỉ có thể chờ đợi chúng từ từ đi xuống dưới tác động của khí quyển và rơi trở lại Trái đất.

Dự án Starlink đã gây ra nhiều cuộc thảo luận và chỉ trích trong lĩnh vực khám phá không gian. Vào tháng 8/2021, Hugh Lewis, nhà khoa học chính của Nhóm Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ tại Đại học Southampton, Anh - một chuyên gia về mảnh vỡ không gian, đã đăng trên Twitter kết quả ước tính các sự cố tiếp xúc gần do dự án Starlink. Theo ông, kể từ năm 2019, một số lượng lớn các sự cố tiếp xúc gần (trong vòng 1 km) giữa các vệ tinh là do vệ tinh Starlink gây ra.

Đến tháng 5/2021, tổng số sự cố tiếp xúc gần do vệ tinh Starlink gây ra đã chiếm hơn một nửa. Trước sự chỉ trích và nghi ngờ rộng rãi, SpaceX đã thiết kế hệ thống tránh va chạm tự động cho dự án Starlink. Tuy nhiên, sự cố với vệ tinh Aeolus năm 2019 và sự cố tránh va chạm khẩn cấp của Trạm vũ trụ Trung Quốc lần này cho thấy hệ thống này rõ ràng là không hoàn hảo.

Ngoài ra, một vấn đề lớn khác do dự án Starlink gây ra là ô nhiễm ánh sáng. Quá nhiều vệ tinh Starlink được phóng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động quan sát thiên văn và gây ra phản đối trong cộng đồng thiên văn học. Ông Elon Musk tuyên bố sẽ cải tạo vệ tinh Starlink để giảm độ phản quang của vệ tinh nhằm giảm ô nhiễm ánh sáng. Tuy nhiên, đầu tư của SpaceX vào lĩnh vực này rất hạn chế, các vệ tinh mới sau khi cải tạo vẫn sẽ gây trở ngại đáng kể cho hoạt động quan sát thiên văn.

Cuộc chiến vệ tinh giữa Mỹ và Trung Quốc - Ảnh 2.

Trạm Vũ trụ Trung Quốc đang hoạt động trên quỹ đạo


Sau khi tin tức về sự cố được Thời báoHoàncầuđưa tin, các cư dân mạng Trung Quốc đã tấn công Elon Musk, khẳng định Starlink về cơ bản là "vũ khí chiến tranh không gian của Mỹ" và Musk "đã gây ra một đống rác không gian", "là chiếc găng tay trắng (công cụ) của quân đội Mỹ", và thậm chí hô hào tẩy chay xe điện Tesla của ông.

Tuy nhiên, theo dữ liệu từ trang web thông tin phóng vào vũ trụ của Đức Gunter’s Space Page, Trung Quốc là nước đã phóng nhiều tên lửa nhất trong ba năm qua, chỉ trong năm 2020 đã 39 lần phóng lên quỹ đạo. Trung Quốc còn sử dụng tên lửa để phá hủy một trong các vệ tinh của họ vào đầu năm 2007, gây ra nhiều mảnh rác không gian bay vòng và gây chết chóc xung quanh Trái đất, khiến tổng số mảnh vỡ rác vũ trụ tăng thêm 17%.

Thông tin liên quan về vụ thử sau đó đã được người phát ngôn của Hội nghị An ninh Quốc gia Mỹ xác nhận. Trung Quốc ban đầu không công khai bày tỏ thái độ cho đến khi Bộ Ngoại giao chính thức công nhận vụ thử nghiệm này đã diễn ra vào ngày 23/1/2007.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại