Cuộc chiến ở Ukraine đẩy châu Âu đến mùa đông suy thoái không thể tránh khỏi

Kiều Anh |

Ngay cả khi lợi thế của cuộc xung đột thực sự nghiêng về phía Ukraine như những gì Kiev tuyên bố thì châu Âu vẫn không thể tránh khỏi rơi vào suy thoái trong mùa đông này.

Ảnh minh họa: Reuters

Ảnh minh họa: Reuters

Mùa đông suy thoái của châu Âu

Quân đội Ukraine đã tiến hành chiến dịch phản công trong những ngày gần đây, tuyên bố giành lại khoảng 6.000 km2 lãnh thổ với tốc độ có thể buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin phải cân nhắc lại về chiến lược của mình cũng như các mục tiêu sau hơn 6 tháng xung đột.

Tuy nhiên, ngay cả khi lợi thế của cuộc xung đột thực sự nghiêng về phía Ukraine thì châu Âu vẫn không thể tránh khỏi rơi vào suy thoái trong mùa đông này, giữa bối cảnh châu Âu đang đối mặt với khủng hoảng năng lượng do ảnh hưởng từ cuộc chiến ở Ukraine.

"Tôi không nghĩ nếu quân đội Ukraine có thể đột nhiên đẩy lùi quân đội Nga và chiến tranh kết thúc thì dòng chảy khí đốt từ Nga sang châu Âu sẽ được nối lại và giá khí đốt sẽ giảm xuống. Điều này sẽ không xảy ra", Neil Shearing, nhà kinh tế học tại Capital Economics cho hay.

Các hợp đồng khí đốt giao sau ở châu Âu đã giảm gần 50% sau khi ghi nhận mức giảm kỷ lục mới vào cuối tháng 8. Chỉ riêng tuần trước chúng đã giảm 20% khi quân đội Ukraine phản công. Tuy nhiên, chúng vẫn cao hơn 460% so với thời điểm cách đây 1 năm.

Hiện chưa rõ động thái tiếp theo của Nga sẽ là gì sau khi nước này rút quân ở một số nơi để tái tổ chức lực lượng. Một số nhà quan sát phương Tây cho rằng Moscow có thể sẽ cắt lượng khí đốt còn lại tới châu Âu chảy qua Ukraine và khiến cuộc khủng hoảng năng lượng của khu vực ngày càng tồi tệ hơn hoặc quay trở lại các động thái "bên miệng hố chiến tranh" với những hình thức gây lo ngại hơn nếu bị dồn vào thế bí.

Châu Âu đang chạy đua tích trữ năng lượng để các hộ gia đình và doanh nghiệp có điện và khí đốt sử dụng khi thời tiết ngày càng lạnh hơn. Cho tới nay, nỗ lực này đã thành công với các kho dự trữ đều được lấp đầy khoảng 84%, mặc dù có giá rất cao.

Các chính phủ cũng đưa ra những gói hỗ trợ hào phóng để bảo vệ người tiêu dùng và các công ty nhỏ trước tác động của giá cả tăng. Anh và Đức, cùng với các nước EU khác đã thông báo dành hơn 500 tỷ bảng (509 tỷ USD) để trợ cấp hóa đơn tiêu dùng cũng như các biện pháp can thiệp khác để làm giảm tác động này.

Dù vậy, các nhà kinh tế học cảnh báo, việc thu hẹp các hoạt động kinh tế trong những tháng tới là điều không thể tránh khỏi. Sản lượng ở Anh đã đình trệ trong 3 tháng, tính tới tháng 7, dữ liệu được công bố ngày 12/9 cho hay. Trong khi đó, Viện Ifo của Đức đã hạ ước tính tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất châu Âu này.

"Chúng ta đang tiến tới tình trạng suy thoái vào mùa đông", chuyên gia Timo Wollmershäuser thuộc Viện Ifo cho hay.

Hầu hết các dự báo đều cho rằng nền kinh tế châu Âu sẽ thu hẹp trong 3 tháng cuối năm 2022 và 3 tháng đầu năm 2023. Những điều xảy ra sau đó vẫn chưa chắc chắn.

Cái giá khi phụ thuộc vào khí đốt Nga

Sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt Nga đã khiến châu lục này dễ bị tác động khi thị trường trải qua những biến động chưa từng có. Nga hiện cung cấp khí đốt ít hơn 78% so với cùng kỳ năm ngoái, Kaushal Ramesh, chuyên gia phân tích về khí đốt tại Rystad Energy cho hay.

Giá khí đốt đã tăng mạnh giữa bối cảnh các khách hàng châu Âu đang ráo riết tìm kiếm các nguồn cung thay thế. Giá năng lượng tăng cũng thay đổi mạnh mẽ tình hình kinh tế, khiến hóa đơn của các hộ gia đình tăng vọt và buộc người dân châu Âu phải thắt chặt chi tiêu, khiến ngành công nghiệp nặng phải đóng cửa các nhà máy.

"Việc cắt giảm khí đốt từ Nga trong mùa hè và giá cả tăng vọt đã hủy hoại triển vọng khôi phục kinh tế sau đại dịch Covid-19", chuyên gia Wollmershäuser nói, đồng thời nhận định: "Chúng ta không thể mong đợi việc khôi phục bình thường trở lại cho tới năm 2024".

Chỉ Số Cảm Tính Kinh Tế (Economic Sentiment Index) của Trung Tâm Nghiên Cứu Kinh Tế châu Âu (Zentrum für Europäische Wirtschaftsforschung - ZEW) lại giảm vào tháng 9, một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế có vẻ sẽ ngày càng ảm đạm.

"Tình hình trong 6 tháng tới sẽ ngày càng tồi tệ hơn" Chủ tịch ZEW Achim Wambach nói, đồng thời cho biết: 'Nguy cơ thiếu hụt năng lượng vào mùa đông khiến những dự đoán trở nên tiêu cực hơn đối với phần lớn ngành công nghiệp Đức".

Tăng trưởng kinh tế chậm lại ở Trung Quốc cũng là một tin xấu, chuyên gia này bình luận.

Carsten Brzeski, chuyên gia nghiên cứu kinh tế vĩ mô cho ING nhận định, cuộc phản công thắng lợi của Ukraine "cho thấy vẫn còn khả năng nhỏ cho một kịch bản tích cực trong vô số những diễn biến tiêu cực".

Dù vậy, ông cảnh báo, "khó có thể thấy bất kỳ kịch bản nào mà giá năng lượng giảm mạnh trong những tháng tới".

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Nếu nhiệt độ giảm mạnh và nhu cầu năng lượng tăng đẩy giá cả lên cao, các điều kiện kinh tế có thể trở nên xấu đi nghiêm trọng.

Các chính phủ được cho là sẽ hành động để làm giảm tác động này. Anh cam kết các hộ gia đình của nước này sẽ không phải trả cao hơn 2.500 bàng (2.932 USD) tiền năng lượng trong 2 năm tới. Anh cũng hỗ trợ các doanh nghiệp và các tổ chức công chi phí năng lượng trong 6 tháng tới hoặc lâu hơn. Gần đây, Đức thông báo gói hỗ trợ trị giá 65 tỷ euro (66 tỷ USD) để hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp chi trả hóa đơn năng lượng.

Tuy nhiên, hầu hết các nhà kinh tế học cho rằng vấn đề năng lượng lớn tới nỗi thậm chỉ hàng trăm tỷ USD hỗ trợ cũng không đủ để đảo ngược tình hình.

Hiện nay, tình trạng thiếu hụt khí đốt của châu Âu sẽ kéo dài trong một vài mùa đông tới do Nga cắt giảm nguồn cung. Ngoài ra, giá năng lượng tăng cao đã khiến cho người dân châu lục này lo ngại và trong một vài trường hợp là giận dữ.

Tại thủ đô Praha của Cộng hòa Séc, ước tính khoảng 70.000 đã biểu tình phản đối đầu tháng này để yêu cầu chính phủ hành động trước giá năng lượng tăng cao và kêu gọi đảm bảo các hợp đồng trực tiếp với các nhà cung cấp, trong đó có cả Nga. Những cuộc biểu tình tương tự cũng diễn ra ở Italy, Đức và Tây Ban Nha khi những người biểu tình đốt hóa đơn năng lượng.

Một phân tích được công bố vào tháng này của công ty phân tích rủi ro Verisk Maplecroft cho thấy những nước giàu nhất châu Âu đang đối mặt với nguy cơ bất ổn xã hội trong mùa đông này, trong đó có những cuộc biểu tình vì giá năng lượng và chi phí sinh hoạt tăng.

Elizabeth Carter, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học New Hampshire nhận định với Newsweek rằng một trong những thách thức lớn nhất mà các nhà lãnh đạo châu Âu đối mặt trong mùa đông này là đảm bảo người dân có thể chi trả cho khí đốt để sưởi ấm. Những vấn đề khác mà các nhà lãnh đạo châu Âu cũng phải đối mặt là đảm bảo có đủ nguồn cung năng lượng vào mùa đông này.

Chuyên gia Carter cũng nói rằng bà sẽ "vô cùng ngạc nhiên" nếu sự bất mãn ở châu Âu lớn đến mức có thể buộc các nhà lãnh đạo phải dừng trừng phạt Nga. Thay vào đó, bà dự đoán châu Âu sẽ tiếp tục tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế trên thế giới cũng như áp giá trần năng lượng./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại