Cuộc chiến ngầm mới trỗi dậy trong lòng Bắc Kinh

Việt Hương |

Chính quyền thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc đang gặp phản ứng dữ dội từ phía người dân khi thi hành một chính sách xã hội trong thời gian gần đây.

Cuối tháng 11 vừa qua, chính quyền thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc đã tiến hành trục xuất người lao động nhập cư thu nhập thấp trên diện rộng mà nguyên nhân được cho là bắt nguồn từ một vụ cháy.

Trước đó, ngày 18/11, một vụ hỏa hoạn tại thôn Tân Kiến, quận Đại Hưng – vùng ngoại ô phía phía Nam Bắc Kinh đã khiến 19 người thiệt mạng. Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP - Hồng Kông), chính quyền thành phố ngay lập tức đã thực hiện một chiến dịch dài 40 ngày để phá hủy hàng ngàn ngôi nhà không được cấp phép và trục xuất những người lao động nhập cư sống tại đây.

Theo SCMP, chiến dịch trên được thực hiện với tốc độ nhanh chóng, thôn Tân Kiến gần như bị "xóa sổ". Một công nhân nhà máy dệt chỉ vào đống đổ nát và nói rằng nhiều đồng nghiệp của cô từng sống ở đó. Cô nói: “Bây giờ về lý, họ vẫn làm việc ở nhà máy nhưng đã mất toàn bộ nhà cửa, bị trục xuất và phải đi tìm nhà mới”.

Cuộc chiến ngầm mới trỗi dậy trong lòng Bắc Kinh - Ảnh 1.

Một thanh niên nhập cư nhìn ra ngoài cửa sổ từ căn phòng xuống cấp, tồi tại ở Bắc Kinh. Ảnh: AP

Báo Hồng Kông cho biết, trong khi đó, tại Picun, một làng ở vành đai phía bắc Bắc Kinh, chính quyền áp dụng chính sách mềm dẻo hơn nhưng cái giá lạnh cắt da đã khiến cho dân nhập cư khó khăn hơn khi hệ thống điện và sưởi tại hai tòa nhà của người lao động nhập cư bị cắt hoàn toàn.

Một phụ nữ sống gần đường vành đai hai chia sẻ: "Họ buộc người giúp việc của tôi ở xa đến nỗi bây giờ cô ấy phải đi 2 tiếng rưỡi mỗi ngày để đến Bắc Kinh. Và chuyện gì đã xảy ra với cậu nhân viên giao hàng vẫn mang cho tôi đồ mua trên Taobao, hay anh chàng thay bình nước ở văn phòng hàng ngày?".

Trước phản ứng của người dân, chính quyền Bắc Kinh khẳng định rằng, mục đích của chiến dịch là để đảm bảo an toàn cho chính người nhập cư chứ không phải cách mà dư luận vẫn gọi "thanh lọc lao động thu nhập thấp".

Ông Jiang, một nhà nghiên cứu về tầng lớp lao động mới của Trung Quốc dự đoán, trong bối cảnh này, Trung Quốc có thể sẽ có một làn sóng đầu cơ bất động sản mới. Như vậy, khi đó, hai hòn đá tảng của sự phát triển kinh tế tại Trung Quốc là nguồn nhân công giá rẻ và bất động sản có thể sẽ ở vào thế xung đột với nhau.

Jiang nghĩ sớm hay muộn chính quyền sẽ phải thiết lập một mức hạn ngạch. Ông nói: “Có thể định mức bao nhiêu người giúp việc và nhân viên giao hàng cho một số lượng dân nhất định trong thành phố, theo khu vực hoặc các vùng khác nhau. Và có thể, họ sẽ có hộ khẩu Bắc Kinh và nhà ở với mức giá hợp lý”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại