Cuộc chiến dài nhất của Mỹ: 16 năm, "đốt tiền" hơn cả cuộc tái thiết châu Âu và vẫn bế tắc

An Sơn |

16 năm kể cuộc chiến tranh do Mỹ phát động, cũng là cuộc chiến kéo dài nhất mà Mỹ tham gia, Afghanistan đứng trước nhiều ngã rẽ định mệnh của đất nước.

Trái ngược với các cam kết trong chiến dịch tranh cử, tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây dự kiến tăng cường sự can thiệp quân sự của Mỹ vào Afghanistan. Cách tiếp cận mới của ông vẫn ít nhiều chứa đựng "các yếu tố mang tính kế thừa liên tục với chiến lược của người tiền nhiệm Barack Obama", vốn nhằm mục đích "buộc Taliban ngồi vào bàn đàm phán".

Chính quyền ông Trump xác định Pakistan là tâm điểm của cách tiếp cận này, bên cạnh việc Ấn Độ cũng phải đóng một vai trò quan trọng hơn.

Vào tuần trước, tổng thống Mỹ phát biểu rằng, tại Afghanistan, gánh nặng chiến đấu của quân đội Mỹ đã được giảm bớt nhờ có thêm sự hỗ trợ từ phía chính phủ sở tại trên chiến trường. Điều này phản ánh thực tế là thách thức lớn nhất mà chính phủ Afghanistan hiện đang phải đối mặt chính là vấn đề an ninh nội địa, xuất phát từ sự nổi dậy trở lại của Taliban. 

Theo Báo cáo của Hội đồng Người tị nạn Na Uy (NRC), từ năm 2009, Ủy ban cứu trợ Liên Hợp Quốc tại Afghanistan đã ghi nhận khoảng 23.000 vụ tử vong do xung đột và 41.000 người bị thương, khoảng 70% người ở các thành phố lớn sống trong các trại tạm trú.

Trong bối cảnh hỗn loạn này, nhiều người Afghanistan đã phải rời đất nước. Vào năm 2015, hơn 25% số người tị nạn và người nhập cư vào châu Âu đến từ Afghanistan, xếp thứ hai sau Syria.

Các quan chức quân đội Mỹ nói rằng sự cân bằng giữa Taliban và các lực lượng chính phủ Afghanistan là một sự bế tắc, mặc dù tổn thất quân sự của cả hai bên tới hơn 3.500 người thiệt mạng và 33.000 người bị thương kể từ năm 2001.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố với Taliban rằng: "Các vị sẽ không thể chiến thắng trên chiến trường. Chúng tôi cũng không thể thắng, nhưng chí ít thì các vị cũng không".

Cuộc chiến dài nhất của Mỹ: 16 năm, đốt tiền hơn cả cuộc tái thiết châu Âu và vẫn bế tắc - Ảnh 1.

Lực lượng Mỹ và cảnh sát an ninh Afghanistan tại hiện trường một khu vực bị Mỹ đánh bom ở phía Đông thủ đô Kabul, ngày 17/4/2017 (Ảnh: AP)

Hiện có khoảng 8.500 lính Mỹ ở Afghanistan và kế hoạch mới đây của ông Trump có thể sẽ tăng thêm khoảng 4.000 binh lính đến đất nước này. Washington cũng yêu cầu NATO hỗ trợ thêm 1.000 quân nữa.

Sự hiện diện quân đội nước ngoài ở Afghanistna là điều thiết yếu để đảm bảo sự đào tạo và gắn kết cho lực lượng vũ trang 350.000 người, bao gồm cả cảnh sát và quân đội Afghanistan - những người có trách nhiệm đảm bảo an ninh hàng ngày - vốn rất dễ rơi vào nguy cơ tan rã.

Một lo ngại dấy lên lâu nay rằng lực lượng nước ngoài, hiện chỉ chiếm một phần nhỏ của con số 150.000 người trước đó, không đủ để đáp ứng yêu cầu. Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Uỷ ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, cho biết việc rút quân khỏi Afghanistan có thể làm nước này dễ bị đánh bại bởi Taliban.

Đó cũng là lý do chính phủ Afghanistan đặt ưu tiên vào thúc đẩy quá trình hòa giải và đàm phán với các nhóm đối lập, bao gồm Taliban. Trong tiến trình này, ảnh hưởng của các nước láng giềng có thể đóng vai trò thiết yếu, đặc biệt là Pakistan.

Tình hình mong manh ở Afghanistan

Đã có những thành tựu đáng kể kể từ khi Taliban bị đánh bại sau năm 2001, nhưng sự ổn định kinh tế, chính trị và an ninh ở Afghanistan vẫn còn rất mong manh.

Nền kinh tế không có phát triển khả quan dù viện trợ nước ngoài vào Afghanistan rất lớn. Quá trình tái thiết chậm, tỷ lệ thất nghiệp trên 4%, hơn 1 triệu người Afghanistan phải di tản trong nước và hơn 3 triệu người tị nạn được cho là đến Pakistan và Iran.

Trong khi Washington đã chi hơn 130 tỷ USD cho công cuộc tái thiết Afghanistan trong 16 năm qua, nhiều hơn cả chi phí của Kế hoạch Marshall để xây dựng lại châu Âu sau Thế chiến II, phần lớn số tiền đã không được chi tiêu một cách hợp lý. Khoảng 80% số tiền này đã được trao cho các tổ chức của Mỹ trong các hợp đồng về quân sự/an ninh, hợp đồng bảo trì và các dự án tư vấn.

Từ năm 2001, nền kinh tế Afghanistan đã không được đa dạng hóa đúng mức. Afghanistan có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào như khí đốt, khoáng sản và dầu mỏ với giá trị ước tính lên đến khoảng 3.000 tỉ USD.

Ngoài ra, tình trạng tham nhũng cũng là một vấn nạn. Tổ chức minh bạch quốc tế đã xếp hạng Afghanistan là quốc gia tham nhũng đứng thứ 3 trên thế giới.

Dù vậy, vẫn còn có tia hi vọng cho sự lạc quan, ít nhất là những thành tựu mong manh đạt được.

Trước hết đó là sự thành công trong việc thiết lập một nền dân chủ tuy vẫn còn rất non trẻ tại Afghanistan. Chính phủ thống nhất quốc gia vẫn tồn tại sau thoả thuận chia sẻ quyền lực vào năm 2014 giữa tổng thống Ashraf Ghani và Quan chức điều hành cấp cao Abdullah Abdullah, cũng là cựu Ngoại trưởng. 

Cục diện này hình thành sau cuộc bầu cử tổng thống nhiều tranh cãi giữa ông Ghani và Abdullah, khi có tới hơn 1 triệu phiếu bầu bị loại bỏ vì gian lận.

Việc thành lập chính phủ thống nhất quốc gia cùng với sự chiến thắng bầu cử của tổng thống Ghani là lần chuyển đổi quyền lực dân chủ đầu tiên trong lịch sử đất nước. Dù có sự căng thẳng đáng kể giữa ông Ghani và Abdullah, điều này vẫn chưa thực sự gây đổ vỡ. Thực tế là chính phủ thống nhất quốc gia vẫn tồn tại đã củng cố tính hợp pháp của hệ thống chính trị thời kỳ hậu Taliban.

Cuộc chiến dài nhất của Mỹ: 16 năm, đốt tiền hơn cả cuộc tái thiết châu Âu và vẫn bế tắc - Ảnh 2.

Tổng thống Ashraf Ghani (thứ 2 từ trái) bổ nhiệm ông Abdullah làm Quan chức hành pháp cấp cao, sau cuộc bầu cử năm 2014 (Ảnh: Xinhua)

Các thành tựu khác bao gồm việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) của Afghanistan và các bước đi mở rộng hơn nữa các mối liên kết kinh tế với thế giới bên ngoài, bao gồm tham gia sáng kiến Con đường tơ lụa thế kỷ 21 của Trung Quốc. 

Tuyến đường sắt mới nối liền Trung Quốc-Trung Á và một dự án lưới điện trên khắp Afghanistan, Turkmenistan, Uzbekistan và Pakistan. 

Nhiều trẻ em, đặc biệt là các bé gái được tới trường - với con số ước tính lên đến khoảng 10 triệu. Quyền của phụ nữ được công nhận rộng rãi hơn cũng như sự lan truyền mạnh mẽ của công nghệ như internet và điện thoại di động.

Nhìn chung, mặc dù đã đạt được một số thành quả từ sau năm 2001, nhưng Afghanistan hiện vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố gây bất ổn, nếu như quá trình giải quyết các vấn đề với Taliban không nhận được sự nỗ lực từ phía chính phủ Afghanistan, các nước láng giềng và các cường quốc có liên quan như Mỹ hay Nga./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại