Cuộc chiến bên sông Nile đẩy Sudan xuống vực thẳm, nguy cơ diệt chủng Darfur tái hiện

Thu Hằng |

Khartoum, thủ đô của Sudan và là một trong những thành phố lớn nhất ở châu Phi, đã trở thành một bãi chiến trường cháy đen và cận kề bờ vực của một trong những thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất thế giới.

Cuộc chiến bên sông Nile đẩy Sudan xuống vực thẳm, nguy cơ diệt chủng Darfur tái hiện- Ảnh 1.

Người dân sơ tán tránh xung đột tại Khartoum, Sudan ngày 19/4/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Thảm cảnh ở thành phố lớn bậc nhất châu Phi

Chợ vàng trở thành nghĩa địa đổ nát, rải rác tử thi trên mặt đất. Đài truyền hình nhà nước trở thành phòng tra tấn. Đạn pháo bay qua sông Nile, phóng vào bệnh viện và nhà cửa. Người dân chôn cất người chết ngay trước cửa nhà. Những người khác diễu hành theo đội hình, tham gia lực lượng dân quân. Trong khu vực nạn đói, những đứa trẻ phải chiến đấu để giành lấy sự sống. Cứ vài ngày lại có một người chết.

Khartoum, thủ đô của Sudan và là một trong những thành phố lớn nhất ở châu Phi, đã trở thành một bãi chiến trường cháy đen. Mối thù giữa hai vị tướng tranh giành quyền lực đang kéo đất nước vào cuộc nội chiến và biến thành phố này trở thành nơi xảy ra một trong những thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất thế giới.

Theo ước tính của Mỹ, có tới 150.000 người đã thiệt mạng kể từ khi xung đột nổ ra vào năm ngoái. Liên hợp quốc cho biết, 9 triệu người đã bị buộc phải rời bỏ nhà cửa, khiến Sudan trở thành nơi xảy ra cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất trên Trái đất. Một nạn đói sắp xảy ra mà các quan chức cảnh báo có thể giết chết hàng trăm nghìn trẻ em trong những tháng tới, và nếu không được kiểm soát, nó có thể sánh ngang với nạn đói lớn ở Ethiopia những năm 1980.

Đổ thêm dầu vào sự hỗn loạn, Sudan còn trở thành sân chơi cho những vị khách nước ngoài như Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Iran, Nga và lực lượng quân sự tư nhân Wagner của nước này, và thậm chí cả một số lực lượng đặc biệt của Ukraine. Tất cả họ đều là một phần của những nhóm lợi ích bên ngoài, đang đổ vũ khí hoặc chiến binh vào cuộc xung đột và hy vọng giành được chiến lợi phẩm - như vàng của Sudan hay vị thế của nước này bên Biển Đỏ.

"Bi kịch lớn nhất là không điều gì trong số đó là cần thiết lúc này".Một cư dân tên Samawal Ahmed nói, khi anh đi qua tàn tích của một khu chợ nổi tiếng, qua những cửa hàng trang sức bị cướp phá và một chiếc xe tăng bị hư hỏng. Một năm trước, trong những tuần đầu tiên của cuộc chiến, một quả tên lửa đã lao thẳng vào căn hộ của anh, và phòng thí nghiệm y tế nơi anh làm việc phải đóng cửa vĩnh viễn. Bây giờ anh quay lại, để cứu vãn những gì có thể.

“Tôi đã mất tất cả”, Ahmed nói, tay cầm một đống tài liệu được kéo ra từ đống đổ nát của ngôi nhà: giấy chứng nhận học tập của các con, bằng cấp chuyên môn và hộ chiếu. Bên kia đường, thi thể chết khô của ba chiến binh, nằm giữa đống đổ nát.

Cuộc chiến bên sông Nile đẩy Sudan xuống vực thẳm, nguy cơ diệt chủng Darfur tái hiện- Ảnh 2.

Khói bốc lên trong giao tranh tại Bahri, Khartoum, Sudan, ngày 14/7/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Cuộc chiến tranh giành quyền lực

Chiến tranh nổ ra mà không có cảnh báo trước vào tháng 4/2023, khi xung đột giữa quân đội Sudan và nhóm bán quân sự hùng mạnh mà chính lực lượng này đã giúp thành lập - Lực lượng Hỗ trợ Nhanh – bùng nổ trên đường phố Khartoum.

Rất ít người Sudan nghĩ rằng nó sẽ kéo dài. Kể từ khi giành được độc lập vào năm 1956, đất nước của họ đã trải qua nhiều cuộc đảo chính hơn bất kỳ nước nào khác ở châu Phi, hầu hết đều diễn ra trong thời gian ngắn và không đổ máu. Các đối thủ lần này – gồm quân đội quốc gia và lực lượng bán quân sự từng nằm dưới quyền – đã cùng nhau nắm quyền vào năm 2021, nhưng không thống nhất được cách hợp nhất quân đội của họ.

Bản đồ định vị khu vực thủ đô Khartoum, gồm ba thành phố, bao gồm Khartoum ở phía nam, Bahri ở phía bắc và Omdurman ở phía tây. Khartoum và Bahri hầu hết được kiểm soát bởi Lực lượng hỗ trợ nhanh, hay R.S.F., và quân đội Sudan kiểm soát phần phía bắc và trung tâm của Omdurman, trong khi các khu vực rộng lớn ở phía tây và nam Omdurman vẫn do R.S.F. nắm giữ.

Gần như ngay lập tức, giao tranh lan rộng khắp Khartoum và xa hơn nữa, thành những đợt sóng nhanh chóng tàn phá quốc gia lớn thứ ba châu Phi. Người Sudan choáng váng trước sự tàn phá, nhưng dường như không bên nào có khả năng giành chiến thắng và xung đột đang di căn thành một cuộc chiến tàn khốc không có lợi cho một bên nào.

Nguy hiểm hơn, một cuộc diệt chủng khác hiện đang đe dọa Darfur, cái tên gắn với tội ác chiến tranh cách đây hai thập kỷ. Những cánh đồng trong vựa lúa mì của đất nước đã trở thành chiến trường. Hệ thống y tế đang sụp đổ. Và rất nhiều nhóm vũ trang, bao gồm những người theo đường lối Hồi giáo cứng rắn, lính đánh thuê nước ngoài và thậm chí cả những người biểu tình ủng hộ dân chủ trước đây, đã tham gia vào cuộc chiến.

Nguy cơ với khu vực và quốc tế

Với việc các cuộc đàm phán hòa bình do Mỹ dẫn đầu bị đình trệ, nhà nước Sudan đang sụp đổ và có nguy cơ kéo theo một khu vực mong manh xung quanh nó. Các chuyên gia cho rằng việc một trong nhiều nước láng giềng của Sudan như Chad, Eritrea hay Nam Sudan bị cuốn vào chỉ là vấn đề thời gian.

Mặc dù bị lu mờ bởi các cuộc chiến ở Gaza và Ukraine, cuộc xung đột ở Sudan có sự phân nhánh toàn cầu. Iran, vốn đã liên minh với lực lượng Houthi ở Yemen, hiện đang hỗ trợ các lực lượng quân sự ở cả hai bờ Biển Đỏ. Người châu Âu lo ngại làn sóng người di cư Sudan tiến vào bờ biển của họ. Và một đánh giá tình báo gần đây của Mỹ cảnh báo rằng một Sudan vô luật pháp có thể trở thành “thiên đường” cho các mạng lưới khủng bố và tội phạm.

Sông Nile từ lâu đã định nghĩa nên Khartoum. Các nhánh của nó hợp nhất ở trung tâm thành phố trước khi đẩy về phía bắc qua sa mạc vào Ai Cập. Giờ đây, con sông lớn cũng chia cắt Khartoum về mặt quân sự, trở thành một tiền tuyến khác ở thủ đô.

Lính bắn tỉa nép mình bên bờ sông bên dưới một cây cầu khổng lồ, bị nổ tung trong giao tranh và rơi xuống sông. Thiết bị bay không người lái sà xuống mặt nước, săn lùng mục tiêu. Và một hòn đảo ở giữa sông Nile, nơi mọi người từng dã ngoại và bơi lội, đã trở thành một loại nhà tù ngoài trời do R.S.F. kiểm soát.

Cuộc chiến bên sông Nile đẩy Sudan xuống vực thẳm, nguy cơ diệt chủng Darfur tái hiện- Ảnh 4.

Toàn cảnh một cuộc họp HĐBA LHQ về tình hình Sudan, tại New York, Mỹ, ngày 7/3/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Từ lịch sử cay đắng

Theo nhiều cách, sự tàn phá ở Khartoum là một sự tính toán lịch sử cay đắng. Trong hơn nửa thế kỷ, quân đội Sudan đã tiến hành những cuộc chiến tranh tồi tệ ở những vùng ngoại vi xa xôi của đất nước, dập tắt các cuộc nổi dậy bằng cách triển khai lực lượng dân quân cứng rắn. Khartoum vẫn còn nguyên vẹn, cư dân ở đây được cách ly khỏi hậu quả của các cuộc chiến tranh nhân danh họ.

Nhưng giờ đây, lực lượng mạnh nhất của quân đội - Lực lượng Hỗ trợ Nhanh, hậu thân của nhóm dân quân Janjaweed khét tiếng từng khủng bố Darfur vào những năm 2000 - đã quay lưng lại với quân đội và mang sự tàn phá đến thủ đô.

Liên hợp quốc (LHQ) ước tính một nửa trong số 8 triệu cư dân của khu vực Khartoum đã bỏ chạy. Sân bay quốc tế bị đóng cửa, những chiếc máy bay chứa đầy vết đạn bị bỏ lại trên đường băng. Các quan chức cho biết, gần như toàn bộ 1.060 chi nhánh ngân hàng của thành phố đã bị cướp và hàng nghìn ô tô bị đánh cắp trong một chiến dịch cướp bóc, chủ yếu do Lực lượng hỗ trợ Nhanh tiến hành.

LHQ vẫn chưa chính thức tuyên bố nạn đói ở Sudan, nhưng rất ít chuyên gia nghi ngờ rằng nạn đói này đang xảy ra ở nhiều nơi tại Darfur và thậm chí ngay ở Khartoum, một trong những thủ đô lớn nhất châu Phi.

Các quan chức LHQ cảnh báo hơn 220.000 trẻ em có thể chết chỉ trong những tháng tới, khi cả hai bên đều sử dụng nạn đói như một vũ khí chiến tranh. Quân đội giữ lại thị thực, giấy phép đi lại và giấy phép vượt qua chiến tuyến. Các chiến binh của Lực lượng Hỗ trợ Nhanh thì cướp phá các xe tải viện trợ và nhà kho, đồng thời tự dựng lên chướng ngại vật.

Tom Perriello, đặc phái viên Mỹ tại Sudan, đánh giá: “Một trong những tình huống khủng khiếp nhất trên Trái đất đang có xu hướng trở nên tồi tệ hơn rất nhiều”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại