Cuộc chạy đua vũ khí tối tân không ai ngờ tại bán đảo Triều Tiên: Tên lửa, hạt nhân chỉ là bề nổi?

Quý Hoàng |

Các vụ phóng tên lửa gần đây của Bình Nhưỡng là những bước phát triển quan trọng - trái với những bình luận giảm tầm ảnh hưởng của vấn đề từ Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Theo trang Asia Times, các cuộc thử nghiệm này có thể sẽ tiếp tục trong vài tuần nữa cho đến khi Seoul và Washington kết thúc cuộc tập trận quân sự hiện tại của họ.

Các vụ thử đã cho thấy năng lực của các hệ thống tên lửa và pháo kích thế hệ mới, cũng như nhấn mạnh lời cảnh báo của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un rằng ông cần phải nhìn thấy việc giảm nhẹ trừng phạt của Mỹ vào cuối năm nay. Và cuối cùng, chúng cho thấy một cuộc chạy đua vũ trang thông thường đang ít được chú ý giữa hai miền Triều Tiên.

Triều Tiên ráo riết phát triển khí tài

Mặc dù có tầm bắn ngắn nhưng tên lửa Iskander do Nga thiết kế mà Triều Tiên đang sở hữu là một hệ thống cực kỳ tốt. Bên cạnh việc sử dụng nhiên liệu rắn, chúng là thiết bị di động, có thể bay theo quỹ đạo xác định và cũng có khả năng cơ động trong chuyến bay - những tính năng khiến việc phòng thủ lại loại tên lửa này trở nên khó khăn hơn. Iskander cũng có khả năng hạt nhân và có thể tấn công bất cứ nơi nào ở Hàn Quốc.

Triều Tiên đã cho thấy năng lực rất cao trong việc áp dụng công nghệ quân sự tiên tiến. Họ đã thử nghiệm và hiện đã bắt đầu triển khai hệ thống phóng tên lửa đa năng (MRL) 300 mm với vệ tinh dẫn đường. Hệ thống này có thể tấn công các mục tiêu xa về phía nam như miền trung Hàn Quốc với độ chính xác cao. Căn cứ quân sự mới của Mỹ tại Camp Humphreys nằm trong tầm bắn này. Do đó, sự khôn ngoan của việc tập trung 33.000 quân đội Hoa Kỳ và thường dân vào căn cứ này đang là nghi vấn. Triều Tiên dường như đã ám chỉ đến cơ sở khổng lồ này - căn cứ lớn nhất ở nước ngoài của Hoa Kỳ trên thế giới - khi nói về một mục tiêu "béo mập" trong tuyên bố đi kèm với các vụ thử MRL.

Ông Kim Jong Un gần đây cũng đã đến thăm một xưởng đóng tàu nơi chế tạo một loại tàu ngầm tên lửa mới sắp hoàn thành. Bước đột phá công nghệ tiếp theo có thể là các hệ thống sức đẩy cho tàu sẽ hoạt động độc lập trên mặt nước, điều sẽ khiến các tàu ngầm Triều Tiên hoạt động ít ồn và trở nên khó phát hiện hơn.

Bình Nhưỡng nói rằng lí do cho các vụ thử tên lửa gần đây là một phản ứng trước sự dồn quân của Seoul, chỉ trích Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vừa "nói chuyện hòa bình" trong khi vẫn mua máy bay chiến đấu tàng hình của Mỹ và nối lại các cuộc tập trận. Đơn đặt hàng đầu tiên trong số 40 chiếc F-35 của Seoul đã được giao vài tháng trước. Các máy bay phản lực mới sẽ cung cấp cho Seoul khả năng xâm nhập không phận Triều Tiên mà không bị phát hiện, giúp tăng cường đáng kể khả năng tấn công phủ đầu

Từ quan điểm của Bình Nhưỡng, hành động của họ là phản ứng hợp lý trước việc mua bán vũ khí thông thường tiên tiến của Seoul. Trong khi ông Moon được biết đến chủ yếu vì thúc đẩy hòa giải đối với Triều Tiên, thì ông cũng liên tục thúc đẩy tiến trình hiện đại hóa đầy tham vọng các lực lượng vũ trang Hàn Quốc.

Kế hoạch quốc phòng của ông Moon được xây dựng theo mô hình cải cách quốc phòng năm 2020- được cựu Tổng thống Roh Moo-hyun đưa ra năm 2006. Trước đây, cấu trúc quân sự của Hàn Quốc đã nghiêng về lục quân trong khi Mỹ thì muốn tăng cường vai trò của không và hải quân.

Và ông Roh đã đưa ra một cấu trúc cân bằng hơn giữa lục quân, hải quân và không quân để đất nước bớt phụ thuộc vào sự bảo vệ của quân đội Hoa Kỳ và cũng để theo kịp Nhật Bản.

Sức mạnh quốc phòng bất ngờ của Hàn Quốc

Việc tăng cường sức mạnh quốc phòng của ông Moon đã dẫn đến việc tăng chi tiêu cho các hệ thống vũ khí phục vụ hải quân và không quân. Về mặt hải quân, Seoul muốn xây dựng một hạm đội có thể hoạt động trên biển quốc tế.

Năm ngoái, Seoul đã quyết định mua thêm 90 tên lửa hành trình phóng từ trên không Taurus để hoạt động cùng F-15. Được sử dụng cùng nhau, chúng có thể tấn công các căn cứ chỉ huy và các mục tiêu có giá trị cao khác từ xa với độ chính xác lớn.

Đối với không quân, ngoài F-35, Seoul muốn mua máy bay tiếp nhiên liệu. Để cải thiện khả năng giám sát trên không đối với Triều Tiên, Seoul đang mua vũ khí giám sát Global Hawk và các máy bay không người lái nhỏ hơn khác.

Ông Moon đã tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng. Phần ngân sách quốc gia cho lĩnh vực này sẽ là lớn nhất kể từ giữa những năm 1980 khi Hàn Quốc nằm dưới sự lãnh đạo của quân đội.

Mặc dù Triều Tiên có quân đội lớn hơn trên giấy tờ, với nhiều máy bay, xe tăng, pháo và tàu chiến hơn Hàn Quốc, hầu hết các vũ khí này đều lỗi thời và sẽ không thể sánh được với các lực lượng vũ trang hiện đại hơn của Seoul.

Bình Nhưỡng có lẽ cũng lo lắng về kế hoạch chuyển quyền kiểm soát tác chiến từ Washington sang cho Seoul trong một vài năm tới. Trái với quan điểm thông thường rằng mục tiêu chính của Triều Tiên là đẩy Mỹ ra khỏi bán đảo, nhiều khả năng Bình Nhưỡng - nước yếu hơn tại bán đảo Triều Tiên về lực lượng thông thường - sẽ ủng hộ việc Washington ở lại để duy trì hiện trạng. Đáng chú ý là các tuyên bố gần đây đi kèm với các vụ thử tên lửa của Triều Tiên tập trung chỉ trích Hàn Quốc thay vì Mỹ.

Phá vỡ chu kỳ tái vũ trang của Hàn Quốc là một điều khó. Hàn Quốc cần vũ khí tối tân không chỉ để chống lại Triều Tiên, mà còn để tự bảo vệ mình trước các mối đe dọa tiềm tàng từ Trung Quốc và thậm chí cả Nhật Bản. Ngoài ra, Seoul đang mua thêm thiết bị quân sự của Mỹ để xoa dịu ông Trump, người muốn Hàn Quốc đảm nhận một phần lớn hơn trong việc chia sẻ gánh nặng quốc phòng.

Thay vì tập trung quá đơn độc vào vấn đề hạt nhân, Washington cần giải quyết rủi ro chiến tranh theo nghĩa rộng hơn bằng cách tính đến cuộc chạy đua vũ trang thông thường. Vì điều đó, ông Trump cần xem xét kĩ hơn các mối đe dọa đang hiện hữu mà Triều Tiên phải đối mặt. Chỉ có như vậy, các hành động tiếp theo mới có thể giúp giảm căng thẳng thay vì leo thang chúng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại