Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Thăng Long (VietinBank Thăng Long) vừa thông báo lựa chọn tổ chức thực hiện bán đấu giá 3 khoản nợ của Công ty cổ phần ĐTK và CTCP Thức ăn chăn nuôi Trung Ương với mức giá khởi điểm cả 3 khoản nợ (bán gộp chung) là 189 tỷ đồng.
Trong đó, Công ty ĐTK có 2 khoản nợ tại VietinBank Thăng Long và VietinBank Đống Đa, còn CTCP Thức ăn chăn nuôi Trung Ương có 1 khoản nợ tại VietinBank Thăng Long.
Tại ngày 5/10/2022, tổng cộng nghĩa vụ nợ của ĐTK là 800 tỷ đồng. Còn tại CTCP Thức ăn chăn nuôi Trung ương, tổng cộng nghĩa vụ nợ là 120,7 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo bao gồm nhiều quyền sử dụng đất, hàng tồn kho, và toàn bộ đàn gà gồm cả gà ông bà, gà bố mẹ, gà con và hoa lợi phát sinh tại trại gà xã Thiện Kế, Vĩnh Phúc.
ĐTK hoạt động trong ngành xuất khẩu nông sản, sản xuất và kinh doanh thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi gia súc gia cầm,...Còn CTCP Thức ăn chăn nuôi Trung Ương, sau khi SCIC thoái vốn đã trở thành thành viên của ĐTK.
Đây không phải lần đầu tiên ĐTK bị Ngân hàng rao bán nợ. Cách đây hơn 1 năm, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chi nhánh Hà Nội cũng từng rao bán nhà máy sản xuất trứng gà sạch của Công ty TNHH ĐTK Phú Thọ, giá khởi điểm hơn 290 tỷ đồng. Đồng thời rao bán toàn bộ phần vốn góp của Công ty cổ phần ĐTK tại Công ty TNHH ĐTK Phú Thọ thông qua hình thức bán đấu giá.
Sự xuống dốc của đại gia nông nghiệp hơn 30 năm kinh nghiệm với nhà máy sản xuất trứng gà quy mô lớn
Khởi nghiệp từ Kinh doanh thuốc thuốc thú y năm 1988, khi ngành chăn nuôi còn chưa phát triển, đến năm 2000, Công ty TNHH Thương mại ĐTK chính thức được thành lập và mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. ĐTK chuyển đổi sang mô hình CTCP năm 2009 theo hướng đẩy mạnh kinh doanh xuất nhập khẩu nông sản và cung ứng đầu vào cho ngành chăn nuôi.
Năm 2013 và 2014, ĐTK liên tục là một trong những đơn vị nhập khẩu thương mại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi lớn nhất Việt Nam, là nhà cung cấp truyền thống cho hầu hết các Nhà máy Sản xuất Thức ăn Chăn nuôi trên toàn quốc. Ở thời kỳ đỉnh cao, ĐTK đã từng lọt top 500 Doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam. Doanh thu trung bình đạt hơn 5.000 tỷ đồng và mảng xuất khẩu nông sản liên tục nằm trong top 5 đơn vị xuất khẩu cà phê lớn nhất tại Việt Nam.
Năm 2015, ĐTK đẩy mạnh đầu tư phát triển chuỗi giá trị khép kín của ngành chăn nuôi, chế biến thực phẩm 3F (Feed – Farm – Food) và chính thức tham gia vào tất cả các khâu của chuỗi, từ cung ứng nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, sản xuất con giống, chăn nuôi, đến chế biến thực phẩm.
Năm 2017, ĐTK khánh thành Nhà máy sản xuất trứng gà sạch ĐTK Phú Thọ với quy mô đầu tư hơn 800 tỷ đồng, áp dụng công nghệ hiện đại trong chăn nuôi, tuyên bố cung ứng cho thị trường khoảng 175 triệu quả trứng sạch/năm, tương đương 500.000 quả trứng mỗi ngày.
ĐTK cũng không ngại đầu tư 100% các con giống chất lượng hàng đầu từ những thương hiệu uy tín trên thế giới như gà giống của tập đoàn Hy-line Mỹ.
Với việc đầu tư lớn, ĐTK từng được kỳ vọng là "đầu tàu dẫn dắt sản xuất của nền nông nghiệp Phú Thọ". Tuy nhiên ĐTK đã không trụ lại được trước sức ép của thị trường chăn nuôi, khi giá trứng năm 2019 giảm sâu, có lúc chỉ còn 1.000 đồng/quả giao cho thương lái. Từ năm 2019 đến nay, trang trại đã phải dừng sản xuất do liên tục thua lỗ, sản phẩm làm ra không bán được.
Trong giai đoạn 2014-2017, doanh thu của công ty mẹ ĐTK lên đến 5.000-6.000 tỷ đồng/năm rồi đột ngột sụt mạnh xuống còn 140 tỷ năm 2018 và các năm gần đây gần như không có doanh thu. Tính đến thời điểm 2020, công ty này đã âm vốn chủ hơn 930 tỷ đồng.
ĐTK Phú Thọ, đơn vị thành viên của ĐTK, sở hữu Nhà máy sản xuất trứng gà được thành lập từ năm 2015 cũng liên tục tăng lỗ, đến năm 2020 đã lỗ 169 tỷ, vốn chủ âm hơn 300 tỷ đồng.
Đại gia thép đầu tư cùng thời điểm, công suất 300 triệu quả trứng gà/năm
Cùng trong giai đoạn trên ở tỉnh Phú Thọ, Công ty Gia cầm Hòa Phát cũng đầu tư chăn nuôi gia cầm đẻ trứng thương phẩm nhưng hiệu quả lại trái ngược hoàn toàn với Công ty ĐTK.
Hiệu quả đầu tư của 2 doanh nghiệp cùng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, ra đời gần như cùng trong khoảng thời gian nhưng Hòa Phát phát triển tốt, thị phần vượt lên dẫn đầu miền Bắc trong khi ĐTK thua lỗ âm vốn chủ sở hữu, bị ngân hàng rao bán nợ. Lý do là trong giai đoạn 2019 giá trứng giảm sâu, người chăn nuôi thua lỗ, gồng mình trả lãi ngân hàng thì Hoà Phát vẫn sống khoẻ nhờ có nguồn lực tài chính từ mảng kinh doanh thép.
Theo tìm hiểu, công suất Hòa Phát gấp đôi trại của ĐTK nhưng suất đầu tư của Hòa Phát lại thấp hơn nhiều. Tổng đàn gà tại Hòa Phát đạt hơn 1 triệu con, mỗi ngày cung cấp khoảng 700.000 quả trứng gà sạch ra thị trường, giữ vững thị phần số 1 về sản lượng cung cấp trứng gà khu vực phía Bắc.
6 tháng đầu năm 2022, hơn 130 triệu trứng là sản lượng của Công ty TNHH Gia cầm Hòa Phát cung cấp ra thị trường, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Trứng gà sạch Hòa Phát hiện tại đang cung cấp tại các siêu thị ở Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng, Hải Dương, hệ thống các nhà hàng, khách sạn lớn, trường học, bệnh viện, các khu công nghiệp trên cả nước…
Dự kiến đến cuối năm, Công ty TNHH Gia cầm Hòa Phát sẽ gia tăng sản lượng lên 900.000 - 1.000.000 quả/ngày, giữ vững thị phần số 1 về sản lượng cung cấp trứng gà khu vực phía Bắc.
Để có nguồn con giống chất lượng, từ năm 2017 đến nay, Công ty TNHH Gia cầm Hòa Phát đã nhập giống gà siêu trứng Hyline Brown. Gà được nhập khẩu bởi Hyline International – một trong những công ty gà giống lâu đời nhất trên thế giới (thành lập từ năm 1936). Gà Hyline Brown có khả năng đẻ trên 300 trứng/năm.
Hoà Phát bắt đầu đầu tư nông nghiệp năm 2015 với số vốn vỏn vẹn 300 tỷ đồng, thời điểm 2016 khi mảng nông nghiệp không có lãi, tỷ phú Trần Đình Long đã phải trấn an cổ đông: "Đầu tư nông nghiệp không thể có lời nhanh".
Sau đó, giai đoạn Q4/2019 đến Q2/2021, mảng nông nghiệp Hòa Phát tăng trưởng mạnh mẽ khi đều đặn lãi 400 tỷ mỗi quý, trở thành ngành chiếm tỷ trọng doanh thu thứ 2 sau ngành cốt lõi là ngành thép.
Song từ Q3/2021, tỷ suất lợi nhuận của nông nghiệp Hòa Phát bắt đầu lao dốc. Q4/2021 mảng này lỗ kỷ lục đến hơn trăm tỷ, đến Q2 năm nay bắt đầu có lãi trở lại nhưng ở mức rất khiêm tốn, chỉ đạt 21 tỷ.
Lũy kế 9T2022, mảng nông nghiệp Hòa Phát đạt doanh thu hơn 5.000 tỷ và lãi 84 tỷ, lần lượt bằng 64% và 11% cả năm 2021. Hòa Phát đặt mục tiêu 5 năm tới sẽ phát triển doanh thu mảng nông nghiệp gấp đôi năm 2020.